25 năm trước, con đường đến trường của anh Godfrey Molwana trải dài những cây keo và bụi cứng cáp, xen kẽ nhiều ruộng ngô của những người địa phương. Một số gia đình còn xây mộ tại đây cho người thân đã khuất.
“Khu vực này từng là nơi dành cho tất cả mọi người”, Molwana nhớ lại.
Thế nhưng, ngôi làng này giờ đây chỉ còn lại tàn tích sau khi một mỏ crôm được khai quật. Đây là kim loại quý rất cần cho quá trình sản xuất thép không gỉ, trong khi Nam Phi lại sở hữu trữ lượng lớn nhất thế giới. Đàn ông trong làng đã làm việc tại mỏ trong nhiều năm, song chỉ nhận lại được những đồng thù lao ít ỏi.
Giữa những năm 2000, khai thác crôm ‘nóng’ dần tại Witrandjie. Nhiều công ty khai khoáng xuất hiện và hứa hẹn cho dân làng những khoản tiền béo bở. Máy xúc tiến dần vào các khu vực chăn thả. Từng đoàn xe tải bon bon mang theo những trữ lượng quặng khổng lồ.
Tại Witrandjie - nơi gia đình anh Molwana sinh sống, quang cảnh đã bị phá hủy. Tiếng động cơ diesel, xe tải, xe kéo hỗn loạn cả một góc trời. Đất bị cào xới nham nhở nhưng không một tấm biến cảnh báo an toàn.
Trong thập kỷ qua, hoạt động khai thác crôm đã trở nên tàn bạo. Giới chức địa phương Witrandjie bất lực, trong khi dân làng ngày càng mất lòng tin và sợ hãi. Hàng nghìn tấn vật liệu vẫn đang được khai thác và vận chuyển đi mỗi ngày.
Theo ChromeSA, một cơ quan công nghiệp địa phương, cho đến nay, Nam Phi vẫn được coi là nhà sản xuất crôm lớn nhất thế giới. Theo lời kể của anh Witrandjie, việc 70 chiếc xe tải hạng nặng, mỗi xe chất đủ 50 tấn quặng đi dọc các cung đường đất, đã trở nên quá quen thuộc.
Trong số 40 triệu tấn crôm được khai thác trên toàn cầu mỗi năm, hơn 3/4 được sử dụng để sản xuất thép không gỉ rẻ và bền. Số liệu từ Worldstainless, một tổ chức phi lợi nhuận ở Brussels, cho thấy nhu cầu đã tăng gần gấp đôi trong 15 năm qua, chủ yếu nhờ quá trình đô thị hóa ở Trung Quốc. Ngày nay, trung bình thế giới sản xuất gần 2 tấn thép không gỉ mỗi giây.
Theo Bloomberg, ngành công nghiệp khai thác bùng nổ trong Thế chiến II, sau khi thép không gỉ trở thành nguyên liệu không thể thiếu để phục vụ quân sự và xây dựng lại thành phố. Nam Phi, nhà sản xuất vàng hàng đầu thế giới, đã đầu tư rất nhiều vào khai thác mỏ vốn được coi là nền tảng kinh tế quốc gia. Thay vì xuất khẩu quặng crôm cồng kềnh và có giá trị tương đối thấp, quốc gia này phát triển các nhà máy lọc dầu và nhà máy thép không gỉ. Quá trình xử lý đòi hỏi một lượng điện năng khổng lồ.
Khi chế độ phân biệt chủng tộc kết thúc vào đầu những năm 1990, các biện pháp trừng phạt thương mại quốc tế đối với Nam Phi được dỡ bỏ. Ngành khai thác mỏ chứng kiến làn sóng đầu tư mạnh mẽ từ nước ngoài. Vào thời kỳ đỉnh cao, các nhà máy luyện crôm chiếm tới 5% ngân sách điện của Nam Phi.
Khai thác crôm làm giàu cho một bộ phận thiểu số, song toàn bộ ngôi làng đã phải gánh chịu hậu quả. Ô nhiễm và nỗi sợ nguy hiểm xâm lấn. Hai năm trước, trong khi nhặt quặng còn sót lại, hai người đàn ông đã thiệt mạng. Một số ra đi trong vụ tai nạn khai thác mỏ vào tháng 3 này. Ngoài ra, địa chất khu vực khá phức tạp. Máy đào phải hoạt động hết công suất để dò tìm quặng ở độ sâu hợp lý nhưng sẽ có lúc ‘tay trắng’ trở về.
Tại trạm xăng gần Witrandjie, các nhà đầu tư thường xuyên tụ lại đây để tán gẫu, hút thuốc phì phèo và bàn về việc kinh doanh. Họ là một nhóm những người đàn ông da trắng, da màu và Trung Quốc chuyên bán crôm cho các thương nhân quốc tế và rất thông thạo quặng.
Năm 2002, chính phủ Nam Phi giảm nhẹ các quy định cho nhà khai thác quy mô nhỏ. Việc xin giấy phép khai thác những lô đất khiêm tốn theo đó diễn ra rất dễ dàng mà không cần đòi hỏi quá nhiều các đánh giá tác động môi trường chi tiết.
Theo Bloomberg, Nam Phi không có hạn chế nào đối với việc vận chuyển, buôn bán hoặc chế biến quặng crôm nên gần như có rất ít công cụ pháp lý để phá vỡ hoạt động thương mại. Theo Hennie Flynn, một chuyên gia về khai thác bất hợp pháp của Sở cảnh sát Nam Phi, sự bùng nổ khai thác tại các mỏ crôm là kết quả của sự thiếu hụt các quy định này.
Sau khi crôm được khai thác triệt để, Witrandjie chỉ còn lại đống đổ nát. Dân làng cố gắng cào và khoét các mảnh đá nhỏ sót lại với hy vọng kiếm được chút đỉnh.
“Đó là vì đói”, một người dân tâm sự, đồng thời cho biết crôm thừa sẽ được gom lại và bán cho những ai cần.
Esther Thalitha Phiri hiện đang sống gần khu vực khai thác crôm. Cô làm giúp việc cho một gia đình ở Johannesburg nên việc chăm sóc con cái phụ thuộc toàn bộ vào người cha già. Sau khi ông qua đời, gia đình chôn cất ông trên bãi thả gia súc. Ngôi mộ đó mới đây đã bị đám người khai thác crôm đào lên.
“Chẳng còn gì nữa cả. Một cái xương cũng không”, Phiri nhớ lại trong kinh hoàng, đồng thời cho biết ngôi nhà hiện tại gần như không thể ở vì hoạt động khai thác quá ô nhiễm và ồn ào. Một tuần trước đó, Phiri đã phải cầu xin một người đàn ông dừng đào đất phía sau nhà cô.
Thế nhưng, vẫn còn rất nhiều crôm trong lòng đất. Phiri lúc này chỉ biết đứng lặng nhìn từng tốp các nhóm thợ đến đào xới, rãnh sau sâu hơn rãnh trước, để tìm cho ra bằng được thứ kim loại quý giá kia.
Theo CNBC, châu Phi chứa 30% trữ lượng khoáng vật, 40% trữ lượng vàng và ít nhất 90% trữ lượng crôm của toàn thế giới. Thiên nhiên cũng ưu ái ban tặng cho khu vực này vô số các khoáng sản quý khác như coban, bạch kim, uranium, kim cương và lithium - những nguyên liệu thô được các hãng sản xuất ô tô trên toàn cầu, từ Mỹ đến Trung Quốc, đều săn đón nhằm hiện thực hóa cuộc cách mạng xe điện đang bùng nổ.
Theo: Bloomberg, CNBC