Dòng tiền gửi khổng lồ chảy đi làm chao đảo hệ thống ngân hàng Mỹ

Để chống lạm phát gia tăng, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã thực hiện các đợt tăng lãi suất nhanh nhất kể từ những năm 1980, gây ra các tác dụng phụ cho hệ thống ngân hàng.

Dòng tiền gửi khổng lồ chảy đi làm chao đảo hệ thống ngân hàng Mỹ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Sputnik

Theo dữ liệu mới nhất từ hệ thống Dữ liệu Kinh tế của Ngân hàng Dự trữ Liên bang (FRED), số tiền mà khách hàng rút khỏi các ngân hàng Mỹ đã tăng đột biến lên khoảng 78 tỷ USD trong khoảng thời gian từ ngày 5 - 12/7.

Tình trạng khách hàng ồ ạt rút tiền gửi trên diễn ra sau hai tuần tương đối ổn định khi các ngân hàng lớn phân bổ số tiền đáng kể cho các bên thứ ba để mang lại dòng tiền gửi mới.

Trước đó, Ngân hàng Silicon Valley và Ngân hàng Signature đã chứng kiến tình trạng “chảy máu tiền gửi” tương tự vào tháng 3 và bất ngờ sụp đổ. Không ngoại lệ, Ngân hàng First Republic đã phải huy động hàng chục tỷ USD từ các ngân hàng khác để duy trì hoạt động.

Ngày 1/3, giá trị của Ngân hàng Silicon Valley là gần 17 tỷ USD, nắm giữ khoảng 200 tỷ USD tiền gửi của khách hàng. Nhóm khách hàng ở đây chủ yếu là các công ty đầu tư mạo hiểm và các công ty được đầu tư vào. Quyết định bán trái phiếu kho bạc mất giá của ngân hàng này đã gây ra sự hoảng loạn, dẫn đến việc khách hàng đột ngột rút 40 tỷ USD và khiến cổ phiếu của ngân hàng này giảm mạnh. Điều này đã thúc đẩy các cơ quan quản lý can thiệp và nắm quyền kiểm soát.

Trở lại năm 2008, hệ thống tài chính toàn cầu phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tàn khốc tương tự do thị trường nhà ở Mỹ sụt giảm. Và lần này, theo các nhà phân tích, việc Fed tăng lãi suất một lần nữa lại đặt hệ thống tài chính Mỹ vào tình thế nguy hiểm.

Các nhà phân tích tại công ty dịch vụ tài chính Macquarie Securities (Australia) cho biết: “Với việc Fed thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ quyết liệt nhất trong 40 năm qua, vấn đề chỉ còn là thời gian cho đến khi một điều gì đó xảy ra”.

Sự cạnh tranh về lãi suất tiền gửi cao hơn đang gây áp lực buộc các ngân hàng phải đẩy mạnh cuộc chơi.

Ông Jamie Dimon, Giám đốc điều hành tại công ty JPMorgan Chase, gần đây đã cảnh báo các cổ đông về tầm quan trọng của việc đáp ứng nhu cầu lãi suất cao hơn trong lĩnh vực ngân hàng cũng như tránh tổn thất tiền gửi nhiều hơn.

Đáng chú ý, Fed báo cáo rằng các khoản tiền gửi trị giá 742 tỷ USD đã bị rút khỏi hệ thống ngân hàng vào năm 2022, khiến các ngân hàng Mỹ chỉ còn tổng số tiền gửi là 17,28 nghìn tỷ USD.

Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/dong-tien-gui-khong-lo-chay-di-lam-chao-dao-he-thong-ngan-hang-my-a2844.html