TS.Ngô Trí Long: Cơ chế tính giá điện hiện chưa hợp lý

Nghiên cứu áp dụng thí điểm giá bán điện hai thành phần, bởi đây là hình thức giá công bằng, có ý nghĩa đối với các hộ sử dụng điện và cả phía cung cấp điện.

Cơ chế giá điện còn chưa hợp lý

Trong năm 2020 và 2021, trên cơ sở đề xuất của Bộ Công Thương, Chính phủ đã thực hiện 5 đợt giảm giá điện, giảm tiền điện đối với nhiều đối tượng khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, bao gồm người dân, doanh nghiệp và các cơ sở cách ly y tế, cơ sở điều trị Covid-19.

Theo báo cáo của EVN, tổng số tiền hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện trong 5 đợt lên tới 16.950 tỷ đồng, PGS, TS. Ngô Trí Long – Chuyên gia kinh tế phát biểu tại Hội thảo: “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2023”.

Hơn 2 năm qua, do tác động của đại dịch Covid-19, sự đứt gãy chuỗi cung ứng, xung đột địa chính trị ở một số khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt là cuộc xung đột Nga - Ukraine đã khiến giá năng lượng như than, dầu, khí tăng lên rất cao. Nhiều quốc gia trên thế giới đã rơi vào cảnh thiếu điện, khí đốt; giá điện tăng cao khiến Chính phủ nhiều nước phải kêu gọi sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Tuy nhiên, Việt Nam đang là quốc gia có mức giá điện bình quân thấp so với hầu hết các quốc gia trong khu vực ASEAN. Thậm chí, giá bán lẻ điện của Việt Nam hiện nay gần bằng 50% so với Philippines - quốc gia có giá điện cao nhất khu vực.

Xu hướng thị trường - TS.Ngô Trí Long: Cơ chế tính giá điện hiện chưa hợp lý

TS. Ngô Trí Long – Chuyên gia kinh tế.

“Quy hoạch Điện VIII dù đã thỏa mãn được yêu cầu của hệ thống điện Việt Nam, nhưng vẫn cần các giải pháp quyết liệt, cụ thể, thiết thực, thì mới có thể hiện thực hóa được các mục tiêu đề ra. Nếu không việc thiếu điện sẽ là hiện hữu. Giá điện vẫn là điểm nghẽn, giá điện là yếu tố quyết định mức độ hấp dẫn đầu tư vào ngành điện”, ông Long phát biểu.

Ngoài ra, ông Long cho biết cơ chế giá điện hiện chưa hợp lý, bởi giá điện sinh hoạt của người dân chi trả còn cao hơn cả giá điện sản xuất của các doanh nghiệp, trong đó chiếm số lượng lớn là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Các ý kiến này cho rằng chính sách giá điện như hiện nay không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào máy móc, trang thiết bị ít tiêu hao năng lượng. Đó là lý do mà theo ông Long, mỗi lần tăng giá điện, người dân đều cảm thấy không thoải mái.

Giá điện thấp cũng là con dao 2 lưỡi, giá điện thấp lại nằm ở khu vực sản xuất, nơi mà EVN thực hiện nhiệm vụ chính trị bán điện cho sản xuất với giá thấp nhằm tạo ra sức cạnh tranh cho hàng hóa và thu hút đầu tư với nhân công rẻ và giá điện rẻ, từ đó đóng góp vào GDP.

Tuy nhiên, mặt trái đó là giá điện thấp dẫn tới việc sử dụng lãng phí, không tiết kiệm. Đặc biệt với các doanh nghiệp có thể sử dụng công nghệ cũ tốn điện. Hai là, giá điện thấp sẽ không thể thu hút được nhà đầu tư vào thị trường này bởi các nhà đầu tư bao giờ cũng phụ thuộc vào lãi/lỗ để đầu tư.

Xu hướng thị trường - TS.Ngô Trí Long: Cơ chế tính giá điện hiện chưa hợp lý (Hình 2).

Diễn biến giá một số loại năng lượng có ảnh hưởng lớn tới chi phí sản xuất điện của Việt Nam từ tháng 1/2019 - 5/2023 (Nguồn: World Bank - tháng 6/2023).

PGS, TS. Ngô Trí Long cũng đưa ra một số khuyến nghị thúc đẩy sử dụng năng lượng điện tái tạo, bởi phát triển năng lượng tái tạo là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước được nêu tại Nghị quyết số 55 và được cụ thể hoá trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo và các cơ chế khuyến khích phát triển các dự án năng lượng tái tạo.

Cuối cùng, Nhà nước cần nghiên cứu triển khai áp dụng thí điểm giá bán điện hai thành phần; Có cơ chế ưu đãi, giảm giá để khuyến khích các khách hàng sử dụng giá điện hai thành phần; Tuyên truyền ưu điểm, lợi ích của giá bán điện hai thành phần. Bởi đây là hình thức giá công bằng, có ý nghĩa đối với các hộ sử dụng điện và cả phía cung cấp điện, góp phần sử dụng điện hiệu quả. Sửa đổi biểu giá bán điện sinh hoạt.

“Điều chỉnh giá điện kịp thời với sự biến động của giá đầu vào của các loại nhiên liệu (than, khí...), để ngành điện có thể cân đối tài chính, đảm bảo cung cấp điện, thu hút đầu tư”, ông Long nhấn mạnh.

Giữ giá bán lẻ xăng dầu không tăng quá mạnh

Còn về thị trường dầu thô, Ông Phạm Minh Thụy – Phó trưởng phòng Phụ trách Phòng Nghiên cứu Kinh tế Tài chính, Viện Kinh tế - Tài chính cho biết, giá cả thị trường xăng dầu trên thế giới từ năm 2020-2022 có sự biến động rất mạnh và làm cho giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam cũng biến động theo.

Thêm vào đó, chính việc điều hành, giữ cho giá bán lẻ xăng dầu không tăng quá mạnh bằng những biện pháp khá cứng nhắc dẫn đến trong năm 2022, ở Việt Nam có tình trạng nhiều cây xăng phải đóng cửa vì không có xăng để bán hoặc phải bán với lượng hạn chế cho người mua xăng.

Giá xăng dầu 6 tháng đầu năm 2023 diễn biến theo chiều hướng giảm, bám sát và đồng pha với diễn biến giá dầu thô. Trung bình nửa đầu năm 2013, giá một số sản phẩm xăng dầu giảm khoảng từ 23-31% so với cùng kỳ năm 2022, ThS. Đoàn Tiến Quyết – Bộ phận Phân tích Dữ liệu, Viện Dàu khí Việt Nam (VPI).

Xu hướng thị trường - TS.Ngô Trí Long: Cơ chế tính giá điện hiện chưa hợp lý (Hình 3).

Diễn biến giá dầu 6 tháng đầu năm 2023.

Dự báo cho tình hình thị trường xăng dầu cuối năm 2023, các chuyên gia đều đưa ra triển vọng lạc quan, trong đó giá xăng dầu dự báo sẽ có xu hướng tăng nhẹ trong giai đoạn 6 tháng cuối năm.

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước sẽ tiếp tục bám sát xu hướng giá xăng dầu, dầu thô trên thị trường thế giới và có một số đợt tăng giá nhẹ trong nửa cuối năm 2023. Theo dự báo của VPI, giá dầu thô (theo giá Brent) năm 2023 sẽ đạt khoảng 81 USD/thùng và 90 USD/thùng cho một số sản phẩm xăng dầu.

Kết luận, ông Vũ Vinh Phú - Chuyên gia kinh tế khuyến nghị, các mặt hàng là đầu vào của xã hội như xăng dầu, than, điện ,... cần quản lý một cách chặt chẽ tránh những điều hành đột biến không có lợi cho thị trường và giá cả chung. Cần tiến tới không điều hành giá xăng dầu, giá điện theo dạng bao cấp, các đơn vị phải tự hạch toán kinh doanh lời ăn lỗ chịu, đưa xăng dầu về một Bộ Công Thương quản lý.

Nhà nước đảm bảo dự trữ quốc gia xăng dầu bằng hiện vật, quản lý chất lượng hàng hóa, chống buôn lậu, gian lậu thương mại, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, công khai minh bạch trên thị trường xăng dầu. Ngoài sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, doanh nghiệp cũng phải nỗ lực để vươn lên vượt qua những khó khăn trong giai đoạn hiện tại, ông Phú đưa ra ý kiến.

Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/tsngo-tri-long-co-che-tinh-gia-dien-hien-chua-hop-ly-a287.html