Tập đoàn siêu thị Woolworths của Australia vừa thông báo lô hành tây "không nước mắt" đầu tiên của nước này, có tên gọi là “Happy Chop” sẽ được bày bán tại các cửa hàng ở các bang New South Wales, Victoria và Vùng lãnh thổ thủ đô Australia từ ngày 12/7 cho tới tháng 9 tới.
"Đúng như tên gọi, loại hành độc đáo này hầu như sẽ không khiến bạn chảy nước mắt khi thái", Tập đoàn Woolworths giới thiệu.
Phải mất tới hơn 3 thập kỷ để phát triển thành công giống hành tây mới này. Theo giải thích của Woolworths, với những giống hành tây thường thấy, khi cắt nhỏ, hành giải phóng các enzym và hóa chất tự nhiên tạo thành axit sulfenic. Quá trình này thường được mô tả như một "cơ chế tự vệ" tự nhiên của rau củ. Các hợp chất này sau đó chuyển thành một loại khí dễ bay hơi gọi là syn-propanethial-S-oxide có thể gây kích ứng hoặc cay mắt.
Nhưng hành tây Happy Chop chứa ít các hợp chất hóa học này và những hợp chất vốn gây kích ứng mắt sẽ tiếp tục giảm sau khi được thu hoạch. Điều này trái ngược với các giống hành tây thông thường, nơi các hợp chất tăng nồng độ kích ứng theo thời gian. Giống hành mới được đánh giá là "thân thiện" hơn với các đầu bếp.
“Tôi đã được biết đến nhiều biện pháp mà những người đứng bếp thực hiện để không bị chảy nước mắt khi cắt hành – từ đeo kính, làm đông lạnh hành hay đeo khẩu trang… Chúng tôi rất vui mừng được mang đến sự lựa chọn đa dạng này cho khách hàng của mình để họ không phải rơi nước mắt khi chuẩn bị bữa ăn”, ông Paul Turner, Tổng Giám đốc mảng trái cây và rau củ của Woolworths nói.
Theo Tập đoàn Woolworth, giống hành tây không gây chảy nước mắt đã được phát triển bằng các phương pháp tự nhiên, dựa trên việc lai tạo các giống hành tây hiện có. Không chỉ ít hăng hơn, loại hành này còn có vị ngọt hơn một chút so với hành tây thông thường.
Giống hành tây không khiến người chế biến bị chảy nước mắt lần đầu tiên được giới thiệu ở Mỹ vào năm 2018, trước khi đến Anh vào năm 2022, được gọi là hành tây “Sunion”.
Hành tây “không nước mắt” là phát minh của Rick Watson, một nhà nhân giống cây trồng làm việc cho công ty hóa chất BASF của Đức. Ông Watson bắt đầu nghiên cứu các giống cây trồng đổi mới vào cuối những năm 1980, sử dụng các kỹ thuật tự nhiên thay vì biến đổi gen để tạo ra giống độc nhất.
Minh Hoa (t/h theo BĐT Đảng Cộng sản Việt Nam, VOV)
Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/hanh-tay-khong-gay-cay-mat-lan-dau-len-ke-tai-australia-a298.html