Trong báo cáo của mình, ông Vikram Mittal - trợ lý giáo sư kỹ thuật hệ thống tại Học viện Quân sự Hoa Kỳ West Point, thừa nhận rằng hệ thống tác chiến điện tử (EW) Pole-21 của Nga có khả năng ngăn chặn đạn chính xác M982 Excalibur do Mỹ sản xuất.
Như vậy phía Mỹ đã tiết lộ rằng hệ thống tác chiến điện tử của Nga có khả năng gây nhiễu tín hiệu GPS cần thiết cho đạn pháo Excalibur. Kết quả là đạn đi chệch hướng dự định và không trúng mục tiêu.
Nhà phân tích quân sự này kết luận rằng Quân đội Nga hiện vượt trội đối thủ về mặt công nghệ, điều này khiến Lực lượng vũ trang Ukraine không chỉ mất hàng loạt máy bay không người lái mà còn vô tình tạo đường đi tự do cho UAV của Nga.
Trước diễn biến trên, chuyên gia quân sự, biên tập viên Tạp chí Kho vũ khí của Tổ quốc - ông Alexey Leonkov nhận xét:
"Thực tế là chúng ta từ lâu đã vượt trội các nước phương Tây trong lĩnh vực tác chiến điện tử, ngay cả trước khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt".
"Cuộc chiến Ukraine khẳng định danh tiếng Quân đội Nga là lực lượng tác chiến điện tử giỏi nhất thế giới. Nhờ vậy lực lượng phòng không Ukraine đã bị chế áp chỉ trong vài ngày".
"Quân đội Mỹ và NATO đã công khai thừa nhận rằng họ không có thời gian để đáp trả những bước phát triển của Nga trong lĩnh vực tác chiến điện tử".
Nhà phân tích nói tiếp, vào năm thứ hai của chiến dịch quân sự đặc biệt, người Mỹ bắt đầu nhận ra rằng 90% hệ thống tác chiến của Mỹ và châu Âu đến Ukraine chưa sẵn sàng cho những thách thức của chiến tranh điện tử.
Những khí tài trên chỉ đơn giản là bị chế áp bởi sự phức tạp của hệ thống EW Nga. Điều này hiện dẫn đến thực tế là khả năng chiến đấu của Quân đội Nga trong việc chống lại các loại đạn dẫn đường và máy bay không người lái có độ chính xác cao của Ukraine đang tăng lên hàng tháng.
"Điều này nghĩa là chúng ta đang dần dần ép đối phương ra khỏi không phận phía trên đường tiếp xúc chiến đấu, và những cả phương Tây lẫn Ukraine không thể làm gì", ông Leonkov nói thêm.
"Có thể nói, Mỹ hiện đang thua xa chúng ta trong lĩnh vực tác chiến điện tử. Tương tự như vũ khí siêu thanh khi Nga đã đưa vào thành phần chiến đấu nhưng Mỹ vẫn tiến hành các cuộc thử nghiệm không thành công".
"Nếu chúng ta nói về thiết bị tác chiến điện tử trên chiến trường, thì máy bay không người lái và đạn có độ chính xác cao của Ukraine đã bị hệ thống tác chiến điện tử Pole-21 của chúng ta hạ từ trời xuống đất", nhà phân tích nói tiếp.
Nói một cách đơn giản, Pole-21 là một hệ thống bảo vệ các vật thể khỏi vũ khí có độ chính xác cao, khí tài này ra mắt vào năm 2013 và tới năm 2016, nó đã được Quân đội Nga tiếp nhận.
"Rõ ràng là các đặc điểm chính của tổ hợp đã được xác định, nó có khả năng tạo ra một vòm nhiễu không thể xuyên thủng và do đó triệt tiêu các thiết bị kết nối với hệ thống định vị vệ tinh và vô tuyến toàn cầu".
"Pole-21 có thể kiểm soát không phận trong bán kính hơn 50 km. Tổ hợp này cho phép bạn cài đặt tới hàng trăm trạm gây nhiễu sóng vô tuyến trong khu vực chịu trách nhiệm", ông Leonkov nói rõ.
Trước khi bắt đầu chiến sự, các tổ hợp này đã thể hiện tốt cả trong cuộc tập trận và khu vực xung đột ở Syria hay Nagorno-Karabakh. Đặc biệt là tại Karabakh, hệ thống đã thể hiện rất tốt.
Sau khi được triển khai ở Stepanakert, một khu vực cấm đã được tạo ra ở đó mà cả đạn dẫn đường lẫn máy bay không người lái đều chẳng thể xâm nhập. Hệ thống này không chỉ có khả năng gây nhiễu mà còn gây biến dạng tín hiệu, tạo tọa độ sai.
Ngay khi các máy bay không người lái bay vào vùng phủ sóng của Pole-21, chúng đã mất kiểm soát và rơi xuống. Tổ hợp này cũng có thể gây nhiễu tín hiệu của tất cả các hệ thống định vị vệ tinh lớn.
"Nói chung, ngoài các loại đạn chính xác như Excalibur được ca ngợi của Mỹ, Nga đã có cách vô hiệu hóa bom lượn JDAM-ER, đạn từ tổ hợp HIMARS của Mỹ cũng như tên lửa hành trình Storm Shadow".
"Nhìn chung, tất cả những “vũ khí thần kỳ” mà tập thể phương Tây đặt nhiều hy vọng, hóa ra chỉ đơn giản là bị gây nhiễu nếu chúng nằm trong tầm ngắm của các hệ thống tác chiến điện tử của chúng ta".
"Lực lượng vũ trang Ukraine cho rằng các hệ thống tác chiến điện tử của Nga đã có khả năng gây nhiễu mạng Internet vệ tinh Starlink do Elon Musk cung cấp".
"Đồng thời, tôi xin lưu ý rằng tiền tuyến của chúng ta chưa được trang bị đầy đủ các hệ thống tác chiến điện tử hiện đại và sự thiếu hụt này hiện đang được kịp thời khắc phục", ông Leonkov kết luận.
Hệ thống tác chiến điện tử tối tân Krasukha-4 do Nga chế tạo.
Theo Rossiyskaya Gazeta
Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/nga-da-vuot-my-trong-linh-vuc-tac-chien-dien-tu-a31916.html