Loạt doanh nghiệp thủy điện vừa và nhỏ 'cầu cứu'

Lãnh đạo nhiều nhà máy thủy điện nhỏ đã cùng ký đơn "cầu cứu" gửi Thủ tướng và các bộ, ngành liên quan do không được phát tối đa công suất, gây thất thu ngân sách lớn và nhiều khó khăn về công tác vận hành cũng như gây thiệt hại về kinh tế cho các nhà máy.

Bị sa thải dù chỉ phát vượt công suất 7KW

CTCP Tấn Phát là chủ đầu tư của Nhà máy thủy điện (NMTĐ) Đăk Grét, có công suất lắp máy 3,6MW, địa chỉ tại xã Đăk Kôi (huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum). Đây là một trong những đơn vị thời gian qua bị Công ty Điện lực Kon Tum sa thải, không huy động công suất do phát vượt công suất quy định với hợp đồng mua bán điện.

Loạt doanh nghiệp thủy điện vừa và nhỏ 'cầu cứu' - Ảnh 1.

CTCP Tấn Phát - chủ đầu tư dự án Nhà máy thủy điện Đăk Grét có công suất lắp máy 3,6MW, địa chỉ tại xã Đăk Kôi (huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum). Ảnh: Văn Dũng

Cụ thể, theo văn bản của lãnh đạo CTCP Tấn Phát gửi Tổng Công ty Điện lực miền Trung, vào lúc 09h00, ngày 30/5/2023, nhà máy đã phát vượt công suất so với công suất lắp máy 3.607KW/3.600KW (tức vượt 7KW- PV). Vì lý do này, nên lúc 05h12 phút ngày 31/5/2023, nhà máy đã bị Công ty Điện lực Kon Tum sa thải, không huy động công suất.

"Tính đến 15h42 phút ngày 31/5/2023, sau khi nộp văn bản báo cáo giải trình về việc phát vượt công suất và cam kết không tái phạm, nhà máy mới được huy động công suất trở lại; nhà máy đã bị gián đoạn thời gian phát điện 10h30 phút", văn bản của CTCP Tấn Phát cho biết.

Được biết, trong năm 2022, các NMTĐ trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã đóng góp 1.200 tỷ đồng cho ngân sách địa phương, trong đó riêng các thủy điện vừa và nhỏ là 330 tỷ đồng.

Về nguyên nhân phát vượt công suất, phía CTCP Tấn Phát cho biết: Cửa van cửa nhận nước NMTĐ Đăk Grét luôn mở đúng độ mở vận hành. Tuy nhiên, do quá trình đang chạy máy khu vực thượng lưu có mưa lớn đột ngột (đặc điểm nhà máy này là có kênh dẫn nước dài 3km), có nhiều nguồn nước tiếp vào khu vực kênh dẫn nên lưu lượng nước về nhà máy tăng đột ngột dẫn đến công suất phát của tubin cao hơn công suất thiết kế; việc phát vượt công suất là nguyên nhân khách quan, do yếu tố thời tiết, nhà máy hoàn toàn không chủ phát vượt công suất.

Theo lãnh đạo CTCP Tấn Phát, việc nhà máy chỉ phát vượt công suất 7KW và bị sa thải 10h30 phút không được huy động công suất gây ra nhiều khó khăn cho công tác vận hành và thiệt hại về kinh tế cho nhà máy. Để tránh bị vi phạm, bị sa thải, nhà máy đã phải chủ động phát giảm hơn công suất lắp máy, dẫn đến nhà máy hoạt động kém hiệu quả.

"Để thuận lợi trong công tác vận hành, đảm bảo hiệu quả kinh tế phát điện và đặc biệt là bổ sung nguồn điện giá rẻ trong bối cảnh thiếu điện nghiêm trọng do hạn hán như thông báo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), căn cứ Điều 79 Thông tư 40/2014/TT-BCT ngày 5/11/2014 của Bộ Công Thương quy định Quy trình Điều độ hệ thống điện quốc gia, CTCP Tấn Phát kính đề nghị Tổng công ty Điện lực miền Trung xem xét trong trường hợp không xảy ra quá tải lưới điện hoặc ảnh hưởng đến an ninh hệ thống điện thì cho phép NMTĐ Đăk Grét phát tối đa theo khả năng nguồn nước cho phép", lãnh đạo CTCP Tấn Phát đề xuất và cam kết "Chấp hành nghiêm túc lệnh điều độ cũng như các quy định khác của pháp luật".

Loạt doanh nghiệp thủy điện vừa và nhỏ 'cầu cứu' - Ảnh 2.

Tổ máy số 1 của NMTĐ Đăk Gret chính thức phát điện hòa lưới thành công vào ngày 22/10/2015. Ảnh: EVN CPC

Đồng loạt gửi đơn 'cầu cứu' Thủ tướng

Sau việc CTCP Tấn Phát bị Công ty Điện Lực Kon Tum sa thải vì phát vượt công suất, một loạt lãnh đạo các NMTĐ khu vực Tây Nguyên (như: Đăk Nông 2, Đăk Rung, Đăk Nông, Đăk Nông 1, Hòa Phú, NMTĐ Đăk Ru và Quảng Tín, Đăk Sor 2, Krông Kmar, Đăk Rung 1) thông qua Hiệp hội Nhà đầu tư và phát triển thủy điện Việt Nam (VHDA), vào đầu tháng 6/2023, đã cùng ký một văn bản gửi Thủ tướng, Bộ TN&MT, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Loạt doanh nghiệp thủy điện vừa và nhỏ 'cầu cứu' - Ảnh 3.

Lãnh đạo nhiều NMTĐ khu vực Tây Nguyên đã cùng ký đơn "cầu cứu" gửi Thủ tướng và các bộ, ngành liên quan do không được phát tối đa công suất. Ảnh: Gia Anh

Theo văn bản này, lãnh đạo các NMTĐ khu vực Tây Nguyên đồng tình quan điểm với Hiệp hội VHDA về việc kiến nghị giải quyết vướng mắc khi thực hiện Nghị định số 36/2020/NĐ-CP và Nghị định số 82/2017/NĐ-CP và đề xuất "không áp dụng quy định xử phạt tại Khoản 3, Điều 10 Nghị định 36/2020/NĐ-CP" và đề xuất sửa đổi Khoản 1, Điều 7 Nghị định số 82/NĐ-CP ngày 17/7/2017 khi các nhà máy phát vượt công suất.

Trong văn bản gửi Thủ tướng và các bộ ngành liên quan, lãnh đạo các NMTĐ khu vực Tây Nguyên cho rằng, việc sử dụng tài nguyên nước để phát vượt công suất không phải đầu tư thêm máy móc thiết bị, ngoài ra giá điện của thủy điện luôn thấp hơn các nguồn năng lượng khác, đặc biệt là vào mùa mưa, các sản lượng phát vượt góp phần hình thành vào sản lượng điện năng dư với giá thành rất thấp (chỉ với 353 đồng/kWh). "Như vậy, nếu tận dụng được triệt để nguồn tài nguyên nước vào mùa mưa sẽ góp phần rất lớn vào việc giảm lỗ cho ngành điện khi phải dùng các nguồn năng lượng như than hay khí đốt với chi phí giá thành rất cao", văn bản nêu rõ.

Lãnh đạo các NMTĐ khu vực Tây Nguyên cũng cho rằng, khí hậu khu vực Tây Nguyên khác biệt so với các vùng miền trong cả nước, đó là mùa mưa bắt đầu sớm, có những năm vào tháng 5-6 đã bắt đầu mưa nhiều và tháng 7 thì có những thủy điện đã phải xả thừa. Như vậy, đây là một lợi thế không nhỏ, nếu tận dụng được nguồn nước tối đa để phát điện sẽ góp phần vào việc giảm thiếu hụt điện như hiện nay.

Từ những lý do trên, lãnh đạo các NMTĐ khu vực Tây Nguyên đưa ra đề xuất, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các nội dung quy định tại Nghị định 36/2020/NĐ-CP như văn bản Hiệp hội VHDA với nguyên tắc cho phép khai thác sử dụng nước tối đa (để giảm xả thừa) để huy động công suất của nhà máy thủy điện.

Trong đó, các NMTĐ đề xuất trước mắt cho phép các NMTĐ tiếp tục tận dụng tối đa tài nguyên nước để phát điện, nhằm các lợi ích như: Tránh lãng phí tài nguyên nước; giá điện năng rẻ (như đối với thủy điện nhỏ: khoảng 707 đồng/kWh vào mùa mưa, chỉ với 353 đồng/kWh với điện năng dư) và tăng các khoản thu ngân sách cho nhà nước như thuế VAT, thuế Tài nguyên nước, thuế Thu nhập doanh nghiệp.

Trao đổi với Nhadautu.vn, một chuyên gia về năng lượng cho rằng, không chỉ riêng các NMTĐ nhỏ và vừa tại khu vực Tây Nguyên mà kể cả các khu vực khác như miền Trung hiện đang chịu thiệt hại do quy định "không cho huy động công suất tối đa". Theo vị chuyên gia này, việc quy định không cho các NMTĐ nhỏ và vừa huy động công suất tối đa đang gây lãng phí tài nguyên nước, đồng thời gây thất thu lớn cho ngân sách nhà nước.

Đến thời điểm hiện tại, theo thông tin Nhadautu.vn có được, Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVN CPC) đã tiếp nhận đơn kiến nghị tập thể của các lãnh đạo NMTĐ khu vực Tây Nguyên và đã có văn bản gửi EVN về việc giải quyết các kiến nghị của chủ đầu tư các NMTĐ kể trên.

(Còn nữa)

Theo dữ liệu của Nhadautu.vn, tính đến tháng 11/2022, Hiệp hội Nhà đầu tư và Phát triển thủy điện Việt Nam (VHDA) có trên 400 nhà đầu tư đã đầu tư trên toàn hệ thống điện quốc gia, với khoảng 457 NMTĐ nhỏ có công suất khoảng 4.698 MW. Trung bình hàng năm, hòa lưới điện khoảng 17 tỷ kWh điện cho hệ thống điện quốc gia (chiếm khoảng 8% sản lượng điện toàn hệ thống năm 2021).


Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/loat-doanh-nghiep-thuy-dien-vua-va-nho-cau-cuu-a3219.html