Ở Việt Nam, nhiều cha, mẹ thường để con ngồi ghế trước xe ô tô khi lái xe, thậm trí còn cho con ngồi trong lòng và đùa nghịch. Hành động này tưởng chừng vô hại và nằm trong tầm kiểm soát, nhưng nếu sơ sẩy chút là có thể gây hậu quả nghiêm trọng.
Trẻ em vốn tò mò và tinh nghịch nên khi trẻ ngồi hàng ghế phía trước, bố mẹ sẽ bị xao nhãng không tập trung lái xe dẫn đến dễ chịu va chạm và không xử lý được các tình huống bất ngờ.
Nhiều người thường có thói quen cho trẻ em ngồi ngay hàng ghế trước của xe ô tô mà không biết rằng việc này có thể đem lại những nguy hiểm, mất an toàn. (Ảnh minh họa)
Theo nhiều chuyên gia, ghế trước của ô tô là các vị trí nguy hiểm nhất trong những trường hợp va chạm. Bởi lẽ, khu vực ghế trước sẽ tiếp xúc gần và trực tiếp với các chướng ngại vật hoặc nguyên nhân dễ gây tai nạn hơn so với những vị trí ghế phía sau xe. Do vậy, rủi ro tiềm ẩn cũng cao hơn.
Bên cạnh đó, hệ thống an toàn chính của ô tô bao gồm túi khí và dây an toàn ở khu vực ghế trước được các nhà sản xuất bố trí nhằm bảo vệ người ngồi ở các vị trí này, nhưng thiết kế các hệ thống này chủ yếu dành cho đối tượng người lớn, trong khi trẻ em có thể trạng nhỏ hơn lại không phù hợp. Chính vì vậy, trong trường hợp xảy ra tai nạn, do không được bảo vệ tốt nhất, trẻ em có nguy cơ bị thương nặng hoặc thậm chí tử vong cao hơn người lớn.
Ngoài ra, còn một nguyên nhân nữa dẫn đến những mối nguy hiểm khi để trẻ em ngồi ở các vị trí ghế phía trước trên ô tô. Đó là khả năng tự chủ và ý thức hành vi của trẻ. So với người lớn, trẻ nhỏ chưa thể hoàn thiện khả năng suy nghĩ và kiểm soát hành vi. Hơn nữa, trẻ em thường có tính hiếu động, tò mò. Vì vậy, nếu ngồi ở hàng ghế trước, rất dễ gây phiền phức, rối loạn và mất tập trung cho người lái, dễ dẫn đến tai nạn trên đường.
Trên thế giới, nhiều nước đã có quy định về ghế ngồi trên ô tô cho trẻ em ở các lứa tuổi. Tại Việt Nam, pháp luật hiện nay chưa có quy định cụ thể về trường hợp để trẻ em ngồi ghế phụ phía trước hay thậm chí là ngồi cùng ghế người lái.
Liên quan đến người ngồi trên ô tô, Luật Giao thông đường bộ 2008 chỉ quy định: Xe ô tô có trang bị dây an toàn thì người lái xe và người ngồi hàng ghế phía trước trong ô tô phải thắt dây an toàn. Như vậy, việc cho trẻ ngồi ghế phụ phía trước hoặc cùng ngồi ghế lái hiện không được tính là hành vi vi phạm luật, do vậy chưa có chế tài xử phạt cụ thể.
Tại kỳ họp thứ 5 vừa qua, Quốc hội đã đồng ý tách Luật Giao thông đường bộ thành Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Bên cạnh đó việc đề xuất phải có ghế riêng cho trẻ dưới 4 tuổi và quy định trẻ dưới 10 tuổi, thấp hơn 1,35m không được ngồi hàng ghế trước (ngang với người lái) là vấn đề được quan tâm nhiều.
Kinh nghiệm từ các nước phát triển cho thấy, ngoài việc quy định trong luật (độ tuổi, chiều cao của trẻ), phải có một chiến dịch tuyên truyền, vận động người dân áp dụng để nâng cao ý thức khi tham gia giao thông. Đồng cũng cũng cần xử phạt nặng với hành vi vi phạm để tăng sức răn đe.
Thêm vào đó, các tiêu chuẩn về an toàn, lắp đặt đối với ghế ngồi chuyên dụng của trẻ em cũng phải được luật hoá trong bộ tiêu chuẩn quốc gia để áp dụng đối với cả nhà sản xuất xe ô tô cũng như nhà sản xuất ghế mà việc tham khảo kinh nghiệm từ các nước phát triển là hết sức quan trọng; Trẻ em cũng cần được hướng dẫn về quyền được bảo đảm an toàn với ghế ngồi chuyên dụng trên xe ô tô khi tham gia giao thông.
Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/tai-sao-tre-em-ngoi-ghe-truoc-o-to-gay-nguy-hiem-a33344.html