Theo tờ Politico, châu Âu đang vật lộn với thời tiết khắc nghiệt từ nhiệt độ tăng cao ở miền nam nước Ý đến những cơn bão mạnh ở Croatia và Ý, gây áp lực lên các hành động cứu hộ khẩn cấp và người dân, cũng như các hoạt động du lịch trong mùa hè.
Trực thăng quân sự Chinook bay qua khu vực Magoula, phía tây nam Athens, nơi bùng phát cháy rừng | Spyros Bakalis/AFP/qua Getty Images
Nhiệt độ đã liên tục ở mức cao nhất 40 độ C trong tuần qua trên khắp các quốc gia ở phía nam và phía đông châu Âu, và đối với một số khu vực như Sicily (Ý) vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt. Theo dịch vụ dự báo thời tiết quốc gia Met Office của Vương quốc Anh, hòn đảo của Ý đã nóng lên 46 độ C vào ngày 22/7, còn nhiệt độ ban đêm là 29 độ C, cảm giác rất nóng nực.
BBC đưa tin, trên đảo Rhodes của Hy Lạp, các nhân viên cứu hỏa đã phải chiến đấu một cách khó khăn để kiểm soát các đám cháy rừng. Hàng ngàn người đã được sơ tán khỏi nhà và khách sạn sau khi đám cháy nhấn chìm phần lớn hòn đảo, và cơ quan cứu hỏa của Hy Lạp cảnh báo rằng tình hình có thể xấu đi do thời tiết.
Theo hãng tin AP, hơn 19.000 người đã được sơ tán bằng đường bộ và đường biển vào cuối tuần qua. Chính quyền Hy Lạp gọi đây là nỗ lực sơ tán lớn nhất trong điều kiện khẩn cấp từng diễn ra trong lịch sử nước này.
Tờ Times of Malta đưa tin, tại Malta, người dân buộc phải ngủ bên ngoài và trong ô tô có điều hòa, sau nhiều ngày bị cắt điện khiến người dân không thể sử dụng tủ lạnh, quạt hoặc hệ thống làm mát. Người dân mô tả đây là "mùa hè địa ngục".
Trung tâm điều phối ứng phó khẩn cấp của Ủy ban châu Âu (ERCC) cho biết, các cảnh báo đỏ về nhiệt độ cao tiếp tục được áp dụng ở miền nam Ý, tây nam Croatia và miền tây Serbia.
Biến đổi khí hậu
Châu Âu không đơn độc. Năm nay chứng kiến cả tháng 6 nóng nhất được ghi nhận trên toàn cầu và ngày nóng nhất từ trước đến nay, được ghi nhận vào ngày 6/7. Nhiệt độ trung bình toàn cầu là 17,08 độ C vào ngày đó, theo dịch vụ giám sát khí hậu Copernicus của EU.
Nhiệt độ đã liên tục ở mức cao nhất 40 độ C trong tuần qua trên khắp các quốc gia ở phía nam và phía đông châu Âu. Ảnh: Reuters
Friederike Otto - nhà khoa học khí hậu của Đại học Hoàng gia London - cho biết: "Con người đang 100% đi sau xu hướng ấm lên. Nhiệt độ trung bình toàn cầu ngày càng ấm lên chính xác là những gì mà các dự báo đã chỉ ra sẽ xảy ra trong một thế giới với mức độ ngày càng gia tăng các loại khí nhà kính như carbon dioxide".
Các chuyên gia y tế đang kêu gọi mọi người thực hiện các biện pháp tránh nóng, chẳng hạn như ở trong khu vực mát mẻ vào thời gian cao điểm trong ngày, uống nhiều nước và quan tâm đến những người hàng xóm dễ bị tổn thương.
Người phát ngôn của Ủy ban Sức khỏe và An toàn thực phẩm (DG-SANTE) thuộc Ủy ban Châu Âu (EC) cho biết: "Khủng hoảng khí hậu hiện là một trong những yếu tố chính ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Các đợt nắng nóng có thể gây căng thẳng đáng kể cho sức khỏe".
Những người có nguy cơ cao nhất bao gồm người lớn tuổi, những người mắc bệnh mãn tính như bệnh tim mạch và những người làm việc ngoài trời, chẳng hạn như trong ngành xây dựng, nông nghiệp. DG-SANTE kêu gọi mọi người tuân theo các hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong các đợt nắng nóng.
Một số du khách đã thay đổi thói quen đi nghỉ mát vào mùa hè của họ để tránh nóng. Theo Ủy ban Du lịch Châu Âu (ETC), lượng du khách muốn tới các điểm đến ở Địa Trung Hải đã giảm 10% từ năm ngoái.
Trong khi đó, các điểm đến như Cộng hòa Séc, Bungari, Ireland và Đan Mạch đang ngày càng phổ biến. ETC cho biết: "Điều này có thể là do du khách muốn tìm kiếm các điểm đến ít đông đúc hơn và nhiệt độ ôn hòa hơn".
Những cơn bão chết người
Bên cạnh cái nóng tăng vọt, các hiện tượng thời tiết cực đoan khác đã và đang tấn công châu Âu.
Theo báo cáo của Trung tâm điều phối ứng phó khẩn cấp của Ủy ban châu Âu (ERCC), chỉ vài ngày sau khi một số vùng của Croatia nhận được cảnh báo đỏ về nắng nóng, nước này đã phải đối mặt với một trong những cơn bão tồi tệ nhất trong lịch sử cận đại.
Gió lớn và mưa xối xả trên phần lớn đất nước Croatia, khiến 4 người thiệt mạng, trong đó có 2 người ở thủ đô Zagreb, đồng thời gây hư hại cho các cơ sở hạ tầng quan trọng và nhà cửa ở 14 địa phương; hơn 100 người đã bị thương và 2.000 tòa nhà bị hư hại trên khắp cả nước.
Tình hình sau cơn bão ở Zagreb (Croatia) vào ngày 19/7/2023. Ảnh: AFP
Các khu vực ở miền bắc nước Ý cũng phải đối mặt với mưa xối xả, mưa đá có kích thước bằng quả bóng tennis và lũ quét. Theo tờ Repubblica, giông bão đã làm chập điện và thiêu hủy một ngôi nhà, trong khi gió mạnh làm bật gốc cây cối và tốc mái nhiều ngôi nhà khác.
Trong một diễn biến khác, bão dữ dội cũng đã khiến 1 người thiệt mạng tại thị trấn Bled ở Slovenia, khiến ít nhất 3 người bị thương nặng. Hơn 300 người đã được sơ tán và 1.000 tòa nhà bị hư hại.
ERCC cũng đưa ra cảnh báo lũ lụt trên sông Pesnica của Slovenia, ở Gocova, phía đông bắc nước này.
Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/chau-au-giua-mua-he-dia-nguc-tu-cai-nong-thieu-dot-den-con-bao-tan-pha-a3368.html