Hàng loạt quả bom 'trồi lên' trên sông Dnipro, Ukraine

Sau khi nằm dưới nước trong nhiều thập kỷ, những quả bom trong Thế chiến II bất ngờ xuất hiện trên sông Dnipro đang cạn nước của Ukraine.

Hàng loạt quả bom trồi lên trên sông Dnipro, Ukraine - Ảnh 1.

Các thành viên đội phá bom mìn đang gỡ một quả bom thời Thế chiến thứ hai từ bờ sông Dnipro vào ngày 19/7/2023. Ảnh: El Pais

Bị bao phủ bởi rỉ sét và động vật thân mềm nước ngọt, vật thể lạ nằm trên bờ cát của sông Dnipro, rung chuyển nhẹ bởi những đợt sóng. Thoạt nhìn, nó không giống một quả bom FAP-50 từ máy bay Đức trong Thế chiến II - Ruslan Anikalov, trưởng đội gỡ bom ở thành phố Zaporizhzhia (miền nam Ukraine), cho biết.

“Không còn nghi ngờ gì nữa", Anikalov khẳng định sau khi xác nhận vật liệu nổ là gì. Để di chuyển nó, nhóm rà phá bom sử dụng cáng vải bạt quân sự giống như cáng dùng để cõng thương binh từ mặt trận. Hai người đàn ông khiêng quả bom nặng khoảng 40 kg phải tạm nghỉ trên đường đưa nó đến xe tải.

Sự cố phá hủy đập Nova Kakhovka, cách thị trấn Zaporizhzhia khoảng 200 km về phía hạ lưu, hôm 6/6, không chỉ cướp đi sinh mạng của vài chục người. Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Igor Klimenko thông báo hôm 17/7 rằng chỉ riêng trong khu vực do Ukraine kiểm soát, số người chết đã tăng lên 29.

Vụ phá hủy cơ sở hạ tầng này cũng hạ thấp mực nước sông đến mức hàng chục quả bom như FAP-50 này đã nổi lên sau khi chìm dưới nước kể từ cuộc xung đột 1939-1945.

Trong vài tuần qua, lực lượng an ninh ở Zaporizhzhia đã nhận được “trung bình hai hoặc ba cuộc gọi mỗi ngày từ những người dân tình cờ bắt gặp bom khi đi dạo hoặc câu cá trên bờ biển", ông Anikalov giải thích.

Ông nhắc thêm không được chạm vào chúng vì có khả năng gây nguy hiểm. Trên thực tế, số phận của tất cả những quả bom như vậy là bị kích nổ và phá hủy.

“Sau Thế chiến II, những quả bom chưa nổ đó nằm dưới nước. Hãy nghĩ xem, năm 1943 và 1944, không có thiết bị cần thiết để xác định vị trí của chúng", nhà sử học Svitlana Volodimorivna, tại Bảo tàng Khu vực Zaporizhzhia, cho biết.

Bà giải thích rằng người Đức đã tìm cách thu lợi từ nhà máy thủy điện lớn, cũng như các nhà máy luyện kim ở Zaporizhzhia, và đó là lý do tại sao lúc đầu họ không bắn phá thành phố. “Nhưng trong cuộc rút lui vào năm 1943, họ đã phá hủy mọi thứ cùng một lúc. Vào thời điểm đó, việc bắn pháo hoặc bắn phá từ trên không bằng những quả đạn rơi xuống nhưng không phát nổ là điều bình thường".

Hàng loạt quả bom trồi lên trên sông Dnipro, Ukraine - Ảnh 2.

Nước lụt rút sau vụ vỡ đập Nova Kakhovka hồi tháng 6 hé lộ ra hàng chục "cổ vật". Trong ảnh, ông Grigori Markov xem đám đất rộng xuất hiện bên bờ sông Dnipro ở Zaporizhzhia.

Cách Zaporizhzhia khoảng 20km, tại một điểm khác của con sông nơi một quả bom khác được tìm thấy, xương người gần đây cũng đã nổi lên. Các cơ quan khẩn cấp không biết liệu chúng thuộc về những người lính của quân đội Liên Xô hay Đức Quốc xã.

Dễ dàng nhận thấy ảnh hưởng của mực nước thấp trên sông Dnipro. Ông Grigori Markov, 76 tuổi, than thở khi cùng cháu trai khảo sát khu vực: “Tôi chưa bao giờ nhìn thấy dòng sông ở tình trạng khủng khiếp như vậy. Mọi người từng thường đến đây để thư giãn, câu cá. Giờ thì nhìn xem nó đã ra sao, toàn đất đá trơ trọi".

Trong trận chiến mà Zaporizhzhia đã trải qua thời Thế chiến II, quân đội địa phương khi đó đã từng cho nổ tung con đập lớn Nova Kakhovka trên sông Dnipro. Hàng chục nghìn người, theo một số nguồn tin lên tới 100.000 người, đã chết trong chiến dịch này diễn ra vào ngày 18/8/1941. Theo nhà sử học Svitlana Volodimorivna, “mọi thứ đều bị ngập lụt, kể cả một số kho đạn. Nhiều quả đạn đã bị nhấn chìm sau vụ nổ" nhằm vào nhà máy thủy điện lớn nhất ở Ukraine và là một trong những nhà máy lớn nhất ở châu Âu.

Vụ vỡ đập Nova Kakhovka gần đây không gây chết chóc như 82 năm trước nhưng giống như ở chỗ chất nổ đã được sử dụng để phá đập. Và hai bên Nga, Ukraine đều cáo buộc lẫn nhau hành động phá hoại đập.

Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/hang-loat-qua-bom-troi-len-tren-song-dnipro-ukraine-a3370.html