Theo thống kê của chúng tôi từ số liệu từ HNX, trong tháng 12 năm nay sẽ có 46 lô trái phiếu đến hạn phải thanh toán với tổng số dư nợ gốc còn lại là hơn 23.100 tỷ đồng (tức gần 1 tỷ USD).
Trong đó, cái tên có dư nợ trái phiếu lớn nhất đến hạn trả trong tháng cuối năm 2023 là CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Phú Quốc . Trong tháng 12 tới doanh nghiệp này 2.400 tỷ đồng trái phiếu phải tất toán.
Lô trái phiếu đến hạn trả của Du lịch Phú Quốc mã DPQB1623001 có tổng giá trị 3.400 tỷ đồng, được phát hành ngày 21/12/2016, kỳ hạn 7 năm. Doanh nghiệp này đã mua lại trước 1.000 tỷ đồng trong tháng 12 năm ngoái. Lãi suất công bố ở mức 9,5%.
Đầu tư và Phát triển Du lịch Phú Quốc được thành lập năm 2014, địa chỉ tại khu Bãi Dài, xã Gành Dầu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Vốn điều lệ hiện tại của doanh nghiệp là 7.500 tỷ đồng. Theo báo cáo thường niên năm 2021 của Tập đoàn Vingroup (mã chứng khoán: VIC ), tỷ lệ nắm giữ của Vingroup tại Đầu tư và Phát triển Du lịch Phú Quốc là 4,5% với giá trị gốc là 351 tỷ đồng. Năm 2014, Vingroup sở hữu từng 55% vốn tại công ty du lịch này.
Các dự án nổi bật của doanh nghiệp bao gồm Vinpearl Resort & Golf Phú Quốc, VinOasis, Công viên Vinpearl Safari, Vinpearl Discovery 1,2,3 Phú Quốc, Vinpearl Resort & Spa Phú Quốc.
Doanh nghiệp có lô trái phiếu đến hạn trả lớn thứ hai trong tháng cuối năm nay là CTCP Đầu tư Quang Thuận với 1.500 tỷ đồng. Quang Thuận thành lập năm 2021, người đại diện pháp luật hiện tại là Tổng giám đốc - ông Huỳnh Ngọc Phát (SN 1984). Trong tháng 8/2020, công ty đã tăng vốn điều lệ từ 2.610 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng.
Hồi đầu tháng 10/2023, Bộ Công an đã phát đi thông báo tìm bị hại trong vụ án lừa đảo xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các tổ chức, đơn vị có liên quan trong đó có CTCP Đầu tư Quang Thuận.
Theo kết quả điều tra xác định, CTCP Đầu tư Quang Thuận là 1 trong 4 doanh nghiệp có liên quan tại Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã có hành vi gian dối, làm trái quy định của pháp luật tạo lập 25 gói trái phiếu với tổng giá trị 30.081 tỷ đồng để bán cho người mua (các trái chủ), huy động tiền và chiếm đoạt.
Tuy nhiên, nhóm công ty liên quan đến CTCP Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, mã chứng khoán: NVL) là nhóm có dư nợ trái phiếu đến hạn lớn nhất với tổng dư nợ 3.780 tỷ đồng.
Trong số các doanh nghiệp liên quan đến Novaland có những doanh nghiệp gồm công ty TNHH Phát triển BĐS An Khang (1.480 tỷ đồng); công ty TNHH BĐS Đà Lạt Valley (1.100 tỷ đồng); CTCP Kinh doanh BĐS Thái Bình (500 tỷ đồng) và công ty TNHH BĐS Vĩnh Xuân có 2 lô trái phiếu với tổng giá trị 700 tỷ đồng.
Mới đây, Đà Lạt Valley đã có những động thái mới với lô trái phiếu duy nhất doanh nghiệp này phát hành. Cụ thể, đầu tiên Đà Lạt Valley sẽ rút, giải chấp một phần tài sản đảm bảo là các thửa đất thuộc 21 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản gắn liền cho lô trái phiếu DALATVALLEY2019-03. Trong trường hợp việc rút tài sản dẫn đến tỷ lệ tài sản đảm bảo cho trái phiếu không đáp ứng đủ điều kiện tối thiểu mà Đà Lạt Valley đã cam kết, trái chủ sẽ đồng ý không tuyên phát sinh sự kiện vi phạm liên quan đến cam kết duy trì tài sản đảm bảo. Ngoài ra, các trái chủ cũng sẽ không yêu cầu công ty hoặc bên đảm bảo bổ sung tài sản đảm bảo khác cho trái phiếu.
Vấn đề thứ hai, theo các hợp đồng thế chấp, tài sản đảm bảo của lô trái phiếu DALATVALLEY2019-03 gồm quyền sử dụng đất tại xã Long Hưng, tỉnh Đồng Nai; quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng chuyển nhượng một phần dự án khi đô thị Waterfront Dona tại Đồng Nai. Đà Lạt Valley muốn chia sẻ số tài sản đảm bảo trên để đảm bảo cho cả khoản vay 3.600 tỷ đồng tại VPBank. Tuy nhiên, công ty vẫn sẽ ưu tiên dùng số tài sản đảm bảo trên để thanh toán nghĩa vụ trái phiếu trước.
Lô trái phiếu DALATVALLEY2019-03 có tổng giá trị 2.700 tỷ đồng, được phát hành vào tháng 12/2019. Số trái phiếu này bao gồm: 600 tỷ đồng (kỳ hạn 1 năm), 1.000 tỷ đồng (kỳ hạn 3 năm) và 1.100 tỷ đồng (kỳ hạn 4 năm).
Cũng liên quan đến Novaland, gần đây doanh nghiệp này liên tục đạt thỏa thuận trả nợ cho trái chủ bằng bất động sản.
Về những cái tên còn lại, có nhiều công ty nổi bật trên sàn chứng khoán và bất động sản như FLC Group (998 tỷ đồng), BIM Land (1.000 tỷ đồng), Masan Group (1.000 tỷ đồng). Đầu tư LDG - doanh nghiệp vừa có Chủ tịch bị khởi tố cũng có gần 200 tỷ đồng trái phiếu sắp đáo hạn.