Ở những xe hiện nay, bảng thông số kỹ thuật sau vô-lăng sẽ giúp tài xế phát hiện ra động cơ đang bị quá nhiệt và cần được xử lý ngay. Khi xe quá nhiệt sẽ xuất hiện biểu tượng nhiệt kế màu đỏ, có sóng nước ở bên dưới. Lúc này, tài xế cần phải ngay lập tức dừng xe, đừng cố chạy sẽ ảnh hưởng đến những bộ phận liên quan.
Di chuyển quá lâu sẽ khiến động cơ ô tô sinh quá nhiều nhiệt lượng, từ đó tăng nguy cơ hỏng các bộ phận khác. (Ảnh minh họa: Gotech.vn)
Cách xử lý khi xe bị quá nhiệ t
Dừng xe vào lề đường
Nếu hiện tượng quá nóng ở động cơ ô tô xảy ra, bạn cần ngay lập tức cho xe vào lề và bật đèn báo khẩn cấp để cách phương tiện khác biết là xe mình đang hỏng và tránh kịp thời.
Kiểm tra động cơ
Trước khi kiểm tra khoang động cơ, tài xế mở nắp ca-pô và chờ khoảng 5-10 phút để toàn bộ nhiệt quá tải được thoát ra ngoài. Sau khi thấy động cơ hạ nhiệt, bạn hãy kiểm tra két nước bằng cách mở hé ra, hơi nóng từ trong sẽ bay ra ngoài rồi mới mở hẳn ra. Tuyệt đối không mở hẳn ra ngay vì nước sôi sẽ bắn lên và gây bỏng.
Nếu kiểm tra lượng làm mát không đủ thì hãy tiếp nước để bộ phận này có thể làm việc tiếp tục. Tuy nhiên, ở giữa đồng không mông quạnh thì thật khó để kiếm nước nên lúc nào trên xe bạn cũng nên chuẩn bị chai nước để dự phòng mọi trường hợp. Việc sử dụng nước lã chỉ là phương án tạm thời, sau khi về nhà, chủ xe cần phải rửa bình nước và sử dụng nước làm mát chuyên dụng để làm mát, tránh bám cặn gây hư hại, tắc nghẽn hệ thống làm mát.
Trường hợp không dừng xe được ngay
Theo nguyên tắc, khi xe bị quá nhiệt điều đầu tiên cần làm là dừng xe ngay lập tức. Tuy nhiên trong trường hợp xe đang lưu thông trong đường đông đúc không thể dừng xe ngay thì cần tiến hành các bước xử lý để hạ nhiệt cho máy xe như mở hết cửa sổ, điều này giúp không khí nóng có thể thoát ra ngoài.
Tiếp đó, tắt điều hòa, bật chế độ sưởi và quạt tản nhiệt. Do hệ thống sưởi sử dụng sức nóng của động cơ để sưởi ấm không khí trong xe, vì vậy, khi bật chế độ sưởi, hệ thống sẽ lấy nhiệt lượng để sưởi ấm xe nhờ đó giúp làm giảm nhiệt độ động cơ.
Cuối cùng lái xe cần bật đèn báo khẩn cấp và nhanh chóng cho xe dừng đỗ vào vị trí an toàn. Nếu không chắc chắn hoặc thiếu kinh nghiệm về xe, nên gọi cho cố vấn dịch vụ của xưởng sửa chữa hoặc xe cứu hộ đưa về garage để kiểm tra.
Xe quá nhiệt sẽ xuất hiện biểu tượng nhiệt kế màu đỏ, có sóng nước ở bên dưới. (Ảnh minh họa).
Nguyên nhân khiến xe ô tô bị quá nhiệt
Thiếu nước làm mát
Nước làm mát ô tô có tác dụng truyền dẫn nhiệt nhanh chóng, giúp làm mát hệ thống động cơ khi xe hoạt động. Xe bị thiếu nước làm mát sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng làm mát, dẫn đến hiện tượng xe bị nóng máy nhanh.
Hệ thống làm mát hoạt động ở dạng tuần hoàn kín nên nước làm mát thường ít khi bị hao hụt nhiều. Do đó nếu thấy nước làm mát hao nhanh thì rất có thể hệ thống làm mát đang gặp vấn đề như đường ống dẫn bị hở, nút bịt lỗ trên động cơ bị mòn, thanh tản nhiệt két nước bị rách, gioăng quy lát hỏng, xi lanh động cơ bị nứt…khiến nước làm mát bị rò rỉ.
Van hằng nhiệt bị lỗi
Van hằng nhiệt xe ô tô có nhiệm vụ điều tiết nước làm mát đi qua két nước làm mát, từ đó giải nhiệt cho động cơ khi vận hành. Vì vậy nếu van hằng nhiệt bị lỗi sẽ ảnh hưởng đến quá trình làm mát động cơ. Nếu không phát hiện sớm có thể khiến xe bị nóng máy.
Quạt gió bị trục trặc
Quạt gió động cơ là bộ phận quan trọng trong hệ thống làm mát giúp tản nhiệt cho động cơ. Quạt gió bị trục trặc sẽ làm ảnh hưởng lớn đến quá trình làm mát, dễ khiến xe bị nóng máy vì không được giải nhiệt tốt.
Động cơ bị thiếu dầu
Xe bị thiếu dầu động cơ cũng có thể khiến nóng máy. Dầu nhớt ô tô có nhiệm vụ bôi trơn các chi tiết bên trong động cơ, giúp giảm lực ma sát (hạn chế mài mòn) và giải nhiệt động cơ (hạn chế quá nhiệt). Vì vậy nếu xe bị thiếu dầu động cơ, các chi tiết bên trong động cơ sẽ không được bôi trơn và làm mát dẫn đến xe bị quá nhiệt.
Thời tiết quá nóng
Ngoài các nguyên nhân trên, xe bị nóng máy cũng có thể do xe vận hành quá lâu dưới trời nắng nóng nhiệt độ cao. Trường hợp này thường gặp ở các dòng xe ô tô đời cũ vì hệ thống làm mát đã hoạt động kém khiến động cơ dễ bị tăng nhiệt.
Do quá trình vận hành
Trong quá trình vận hành, chủ xe không thường xuyên chăm sóc, bảo dưỡng dẫn đến một số bộ phận bị lão hóa, ăn mòn, dùng sai dầu nhớt...
Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/cach-xu-ly-khi-xe-o-to-bi-qua-nhiet-a34353.html