Ấn phẩm Military Watch (MW) của Mỹ lưu ý rằng cách đây một thời gian, hình ảnh 4 máy bay chiến đấu J-16 của PLAAF, được trang bị 4 loại tên lửa khác nhau đã xuất hiện, trong đó phương Tây đặc biệt chú ý tới một mẫu đặc biệt và gán cho nó biệt danh PL-XX.
Tên gọi của tên lửa không đối không cỡ lớn do Trung Quốc chế tạo vẫn chưa rõ ràng cho đến hiện tại, nhưng theo ước tính sơ bộ, tầm bắn của nó vượt quá 500 km, tức là có cự ly tác chiến xa nhất thế giới hiện nay.
"Loại tên lửa không đối không duy nhất có thể cạnh tranh với PL-XX là R-37M của Nga, với tầm bắn 400 km, vũ khí này đã trải qua thử nghiệm chiến đấu rộng rãi trong 18 tháng qua, với kết quả tích cực thu được tại chiến trường Ukraine".
"Phiên bản nhỏ gọn của nó hiện đang được phát triển cho tiêm kích tàng hình Su-57 như một phần của chương trình Izdeliye 810.
Để so sánh, tên lửa không đối không có tầm bắn xa nhất của Mỹ hiện nay là AIM-120D chỉ đạt tới con số 180 km".
"PL-XX được thiết kế để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu diệt các đối tượng có giá trị cao ở tầm rất xa, bao gồm những mục tiêu như máy bay tiếp dầu trên không, máy bay AWACS và máy bay ném bom chiến lược", tờ MW nhấn mạnh.
Tên lửa PL-XX được treo chính giữa thân tiêm kích J-16 có kích thước rất lớn.
Từ lâu giới phân tích đã cho rằng tiêm kích J-16 sẽ là phương tiện chính và có lẽ là duy nhất triển khai được tên lửa PL-XX. Đây là phiên bản cải tiến của Su-27 do Trung Quốc chế tạo, có tầm bay xa hơn và được trang bị radar mạnh mẽ, vượt trội so với các đối thủ cùng loại của phương Tây ở các chỉ cơ bản.
Trung Quốc còn có tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm tiên tiến J-20, nhưng để duy trì hiệu quả tán xạ sóng radar, nó khó có thể được tích hợp với loại vũ khí lớn như vậy, vì không thể đưa vào trong khoang vũ khí.
PL-XX sử dụng cả đầu dò radar và thiết bị tìm kiếm hồng ngoại, kết hợp với liên kết dữ liệu, cho phép phi công tiêm kích và trắc thủ trên máy bay AWACS gắn kết với nó, đảm bảo độ tin cậy tối đa khi tấn công mục tiêu.
Tiêm kích J-16 mang tên lửa này sẽ là sự bổ sung lý tưởng cho phi đội máy bay chiến đấu tàng hình J-20 đang phát triển nhanh chóng, chúng có thể triển khai an toàn từ cự ly xa hơn nhiều, dưới sự yểm trợ của J-16 và sử dụng khả năng của chính bản thân chiếc phi cơ, bao gồm cả việc dẫn bắn cho PL-XX.
"Việc PLAAF đưa PL-XX vào sử dụng đặt ra thách thức đặc biệt lớn đối với Mỹ và các đồng minh do họ phụ thuộc rất nhiều vào máy bay hỗ trợ (máy bay tiếp dầu và AWACS) để thực hiện các nhiệm vụ, đặc biệt là trên Thái Bình Dương".
"Máy bay chiến đấu của phương Tây nhìn chung được trang bị radar nhỏ hơn và có tầm hoạt động ngắn hơn nhiều so với tiêm kích của Trung Quốc và Nga, khiến việc triển khai các máy bay hỗ trợ như vậy trở nên quan trọng", tờ MW kết luận.
Tiêm kích chiếm ưu thế trên không J-11 do Trung Quốc sản xuất dựa trên thiết kế Su-27 Flanker.
Theo Military Watch
Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/ten-lua-tam-xa-nhat-the-gioi-cua-trung-quoc-pha-vo-ke-hoach-cua-my-va-dong-minh-a34382.html