Ứng viên sáng giá nhất cho chức Thủ tướng Thái Lan, Pita Limjaroenrat, hôm 12/7 đã cảnh báo về “giá đắt” nếu ông bị ngăn cản nắm quyền trong bối cảnh vị chính khách trẻ tuổi bị giáng một loạt “đòn” ngay trước thềm cuộc bỏ phiếu của Quốc hội Thái Lan để quyết định Thủ tướng tiếp theo của đất nước.
Đảng Move Forward (Tiến lên) của ông Pita đã giành được nhiều ghế nhất trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 5 sau khi hứa hẹn những cải cách lớn nhằm loại bỏ quân đội khỏi chính trị, phá vỡ các thế lực độc quyền và sửa luật khi quân của Thái Lan.
Nhưng vị chính trị gia 42 tuổi đang phải đối mặt với một trận chiến khó khăn vì các quy tắc bầu cử yêu cầu ông phải có đa số ủng hộ từ 2 viện của Quốc hội Thái Lan để trở thành Thủ tướng, tương đương 376 phiếu ủng hộ từ cả Hạ viện và Thượng viện, mà trong đó các Thượng nghị sĩ là do quân đội bổ nhiệm sau cuộc chính biến năm 2014.
Cuộc bỏ phiếu – được coi như một bài kiểm tra quan trọng về ảnh hưởng chính trị của ông Pita và cũng có thể là phép thử đối với sự thống nhất trong liên minh 8 đảng do Move Forward dẫn dắt – sẽ bắt đầu lúc 5h chiều giờ địa phương ngày 13/7.
Trong các bình luận với truyền thông địa phương hôm 12/7, ông Pita nói: “Đã có những nỗ lực ngăn chặn, không phải ngăn chặn tôi mà ngăn chặn chính phủ đa số của người dân điều hành đất nước theo nhiều cách khác nhau”.
“Đây là về tiếng nói của những người bỏ phiếu”, ông nói, cảnh báo rằng sẽ có “một cái giá đắt phải trả về mặt nguyên tắc và tiêu chuẩn chính trị” nếu ông bị cản trở nhậm chức Thủ tướng.
Rắc rối pháp lý
Các bình luận của ông Pita được đưa ra trong bối cảnh các rắc rối pháp lý ập đến với ông chỉ một ngày trước khi lưỡng viện Quốc hội Thái Lan nhóm họp cho vòng bỏ phiếu bầu người đứng đầu chính phủ mới.
Hôm 12/7, Ủy ban Bầu cử Thái Lan (EC) thông báo họ đã chuyển một vụ kiện pháp lý cáo buộc ông Pita vi phạm các quy tắc bầu cử lên Tòa án Hiến pháp Thái Lan.
Động thái này diễn ra sau khi EC mở một cuộc điều tra xung quanh quyền sở hữu cổ phần của ông Pita trong một công ty truyền thông – điều bị cấm đối với ứng cử viên ra vận động tranh cử ở Thái Lan. EC cũng xác nhận đã đề nghị Tòa án Hiến pháp Thái Lan đình chỉ tư cách nghị sĩ của ông Pita.
Về phần mình, ông Pita đã phủ nhận cáo buộc, cho biết rằng ông được thừa kế cổ phần trong đài truyền hình iTV, vốn đã ngừng phát sóng từ năm 2007, từ cha mình.
Sau đó, cũng hôm 12/7, Tòa án Hiến pháp Thái Lan thông báo rằng họ đã chấp nhận đơn khiếu nại thứ hai, cáo buộc rằng kế hoạch cải cách luật khi quân của ông Pita và Đảng Move Forward là một nỗ lực nhằm “lật đổ chế độ quân chủ”.
Các rắc rối pháp lý không ngăn cản ông Pita tranh chức Thủ tướng trong cuộc bỏ phiếu ngày 13/7 tại quốc hội, nhưng những người ủng hộ ông cho rằng, những diễn biến này là những nỗ lực có động cơ chính trị nhằm cản đường ông. Các nhà phân tích cho biết, những điều này có thể thuyết phục các Thượng nghị sĩ bỏ phiếu chống lại ông.
Ông Prinya Thaewanarumitkul, Phó Giáo sư Luật tại Đại học Thammasat, nói với AFP rằng thật khó hiểu tại sao EC lại “vội vàng” đưa ra khuyến nghị như vậy. Ông nói hôm 12/7: “Tôi chỉ có thể nghĩ ra một lý do, hành động này nhằm mục đích ảnh hưởng đến kết quả của cuộc bỏ phiếu ngày mai”.
Ứng viên thay thế
Không có ứng cử viên nào khác sẽ tranh chức Thủ tướng với ông Pita trong vòng bỏ phiếu ngày 13/7. Tuy nhiên, nếu ông Pita không giành đủ số phiếu cần thiết để đắc cử ngay trong vòng một, vòng bỏ phiếu thứ hai và thứ ba có thể được tổ chức vào ngày 19 và 20/7.
Ở các vòng bỏ phiếu tiếp theo, ông Pita vẫn có thể được đề cử lại, nhưng đối tác liên minh lớn nhất của Đảng Move Forward là Đảng Pheu Thai, đảng có liên hệ lâu dài với cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, có thể đưa ra một ứng cử viên Thủ tướng của chính họ.
Lúc này, sự không chắc chắn có thể kích hoạt sự chia rẽ vốn đã tồn tại trong liên minh do Move Forward dẫn dắt, với sự xuất hiện của các ứng cử viên Thủ tướng thay thế được đề xuất.
Bà Paetongtarn Shinawatra, con gái út của ông Thaksin – gương mặt đại diện cho Pheu Thai trong chiến dịch tranh cử, và ông Srettha Thavisin cũng của Đảng Pheu Thai, được coi là những ứng cử viên thay thế tiềm năng.
Theo Bloomberg, cũng không loại trừ kịch bản Đảng Pheu Thai sẽ rời khỏi liên minh do Move Forward dẫn dắt để hình thành liên minh của chính mình với các đảng bảo thủ. Hầu hết các nhà phân tích cho rằng Pheu Thai sẽ là biến số chính trong bất kỳ chính phủ liên minh tiềm năng nào.
Các nhà phân tích tại Nomura Holdings cho biết trong một báo cáo hồi đầu tháng này rằng, tỉ lệ Đảng Pheu Thai đứng đầu chính phủ đã tăng từ 55% lên 60%, trong khi cơ hội của Đảng Move Forward đã giảm từ 35% xuống 30%.
Minh Đức (Theo The Guardian, RFI, Reuters)
Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/gia-dat-neu-ong-pita-bi-can-tro-nham-chuc-thu-tuong-thai-lan-a347.html