Điện thoại rung lên trong túi quần nhưng bỏ ra lại không hề có cuộc gọi nào: Hiện tượng "ma quái" này là gì mà nhiều người sợ hãi?

Bạn cảm nhận thấy điện thoại rung trong túi quần, nhưng khi lôi ra lại không hề có tin nhắn, cuộc gọi hay thông báo nào. Hiện tượng này đã xảy ra nhiều lần và khiến bạn cảm thấy có chút sợ hãi.

Hội chứng rung ma quái

Bạn đã bao giờ cảm thấy điện thoại của mình kêu vo vo trong túi, sau đó lôi ra thì không hề thấy tin nhắn, cuộc gọi hay thông báo nào chưa? Hiện tượng xảy ra nhiều lần, khiến bạn không thể giải thích nổi và đôi khi cảm thấy lo lắng, sợ hãi vì không biết mình bị làm sao.

Thực tế, bạn có thể đang gặp phải “hội chứng rung ảo” hay “hội chứng rung ma quái” (Phantom Vibration Syndrome) – và bạn không đơn độc. Theo một nghiên cứu, 9 trong số 10 sinh viên đại học cho biết họ đã trải qua hiện tượng này nhiều lần.

Các nhà khoa học không chắc chắn chính xác tại sao hội chứng rung ảo này lại xảy ra với rất nhiều người trong chúng ta.

Theo giả thuyết của các chuyên gia, hiện tượng có thể đến từ thói quen sử dụng điện thoại thông minh quá mức, khiến ý thức lúc nào cũng sẵn sàng trong tình trạng chờ đợi thông báo của điện thoại, kích thích bộ não diễn giải quá mức cảm giác như thể có gì đó đang rung bên trong lớp áo và cơ thể.

Về mặt tích cực, hầu hết mọi người không thấy khó chịu với các tín hiệu ảo này.

Theo CBS News, một nghiên cứu có sự tham gia của 290 sinh viên đại học Mỹ cho thấy gần 90% trong số họ cho biết đôi khi cảm thấy điện thoại đang rung và 40% nói điều đó xảy ra ít nhất một lần một tuần.

Một nghiên cứu nhỏ khác trên 169 nhân viên bệnh viện vào năm 2010 cho thấy khoảng 70% trong số họ cũng trải qua điều tương tự.

Điện thoại rung lên trong túi quần nhưng bỏ ra lại không hề có cuộc gọi nào: Hiện tượng "ma quái" này là gì mà nhiều người sợ hãi? - Ảnh 1.

Randi Smith, Tiến sĩ tâm lý học tại Đại học Metropolitan State University of Denver giải thích: “Nó gần giống như một ảo giác. Có một nỗi sợ hãi rằng chúng ta sẽ bỏ lỡ một tin nhắn, ai đó đang cố liên lạc và chúng ta không phản hồi”.

Hội chứng rung ảo không thực sự có hại. Trong nghiên cứu đối với sinh viên đại học nói trên, hơn 90% cho biết họ coi rung động ảo "chỉ một chút" hoặc "không hề khó chịu".

Nhưng một số người tin rằng đó là một dấu hiệu cảnh báo tình trạng công nghệ bao phủ cuộc sống có thể gây nguy hiểm cho sự tương tác của con người. Smith cho biết sự gắn kết với các thiết bị trở thành một vấn đề nghiêm trọng khi điều này ngăn cản chúng ta tương tác với mọi người.

"Sự phổ biến đáng chú ý của hội chứng rung ảo dường như tiết lộ điều gì đó về tình hình công nghệ đương đại của chúng ta”, Tiến sĩ Robert Rosenberger của Georgia Tech, viết trong một phân tích gần đây được đăng trên tạp chí Computers in Human Behavior.

Thói quen, sự lo lắng, phản ứng hóa học trong não và các yếu tố khác đều có thể góp phần, và ông nói rằng cần phải nghiên cứu thêm để hiểu đầy đủ điều gì đang xảy ra khi chúng ta cảm nhận được những rung động của điện thoại không hề có thật.

Điện thoại rung lên trong túi quần nhưng bỏ ra lại không hề có cuộc gọi nào: Hiện tượng "ma quái" này là gì mà nhiều người sợ hãi? - Ảnh 2.

Thứ gì gây ra cảm giác rung ảo?

Sliman Bensmaia, một nhà thần kinh học tại Đại học Chicago, người nghiên cứu về xúc giác giải thích. Có hai loại thụ thể trong da phát hiện các rung động: Tiểu thể Meissner chuyên về các rung động chậm và tiểu thể Pacinian chuyên về các rung động tần số cao hơn.

Hầu hết các điện thoại di động rung ở tần số từ 130 đến 180 hertz, nằm ở giữa độ cảm nhận của hai loại thụ thể. Bensmaia cho biết những rung động đó có thể kích hoạt cả hai loại thụ thể, nhưng có thể kích hoạt các tiểu thể Pacinian nhiều hơn.

Chuyên gia Bensmaia cho rằng các rung động ảo là kết quả của xu hướng lấp đầy khoảng trống của bộ não để tìm ra các mẫu hoàn chỉnh. Ví dụ như bạn vẫn có thể cảm nhận được các góc cạnh của đồ nội thất trong ngôi nhà của mình dù đang ở trong bóng tối hoàn toàn.

"Điều này xảy ra là do quần áo của bạn cọ xát vào da, gây tác động đến các thụ thể, và tác động đó giống với độ rung mà điện thoại gây ra, từ đó kích hoạt sự liên kết mà não đã trải nghiệm và nhận thức rằng chiếc điện thoại rung”, ông nói.

Nếu lời giải thích này chính xác thì bạn chỉ có thể trải nghiệm hội chứng rung ảo ở nơi thường để điện thoại như túi quần và sẽ không gặp phải hiện tượng như vậy khi không mặc quần áo.

Cá biệt hơn, có những người nói rằng họ gặp phải tình trạng này thường xuyên khi mặc quần vải nhung.

Nếu là người cảm thấy khó chịu vì hội chứng rung ảo, bạn có thể ngừng sử dụng chế độ rung hoặc để điện thoại ở một nơi khác thay vì túi quần, não của bạn sẽ sớm học cách ngừng theo dõi rung động ở khu vực đùi, từ đó không còn hiện tượng rung ảo khó chịu.

Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/dien-thoai-rung-len-trong-tui-quan-nhung-bo-ra-lai-khong-he-co-cuoc-goi-nao-hien-tuong-ma-quai-nay-la-gi-ma-nhieu-nguoi-so-hai-a3510.html