Cơn thịnh nộ từ trên không

Bộ Quốc phòng Nga đã chính thức xác nhận việc triển khai trực thăng Ka-52M nâng cấp lần đầu tiên ở khu vực Donetsk.

Cơn thịnh nộ từ trên không - Ảnh 1.

Trực thăng Ka-52M.

Chính thức xuất hiện

Theo xác nhận của Bộ Quốc phòng Nga, các máy bay trực thăng tấn công Ka-52M hiện đại hóa đã tham gia cuộc chiến giành quyền kiểm soát bầu trời trong cuộc xung đột, sử dụng nhiều loại đạn dược để tiêu diệt các mục tiêu.

Cùng với tuyên bố về sự có mặt của Ka-52M nâng cấp trong chiến sự, Bộ Quốc phòng Nga cũng cho công bố đoạn video ghi lại cảnh phi đội Ka-52M nâng cấp trút hỏa lực xuống loạt mục tiêu của Ukraine.

Trước đó, truyền thông Nga từng đưa tin về việc sử dụng Ka-52M nâng cấp ở Ukraine, nhưng đã không có bất kỳ một bức ảnh nào được công bố về sự hiện diện này.

Ví dụ, vào tháng 9 năm 2022, hãng thông tấn TASS thuộc sở hữu nhà nước của Nga đã mô tả "các cuộc thử nghiệm thành công của chiếc trực thăng hiện đại hóa Ka-52M trong chiến dịch đặc biệt ở Ukraine".

Ka-52M phiên bản mới có gì đặc biệt?

Ngày 5 tháng 4 năm 2019, công ty Kamov đã nhận được hợp đồng từ Bộ Quốc phòng Nga về công việc phát triển chương trình Avangard-4, mục đích là tạo ra Ka-52M hiện đại hóa (trực thăng Mi-28NM đang được phát triển cùng lúc có tên mã là Avangard-3).

Công việc thực tế đã bắt đầu sớm hơn nhiều so với hợp đồng và các thiết bị cũng như vũ khí mới được sử dụng trên Ka-52M gần như đã sẵn sàng vào thời điểm đó.

Đến tháng 6 năm 2020, nhà máy Progress tại Arsenyev ở Viễn Đông của Nga, nơi sản xuất những chiếc Ka-52, đã nhận được lệnh chuyển đổi hai chiếc trực thăng thành phiên bản Ka-52M để thử nghiệm.

Chiếc Ka-52M đầu tiên thực hiện chuyến bay đầu tiên sau khi chuyển đổi vào ngày 10 tháng 8 năm 2020. Theo hợp đồng, chiếc Ka-52M đã hoàn thành tất cả các thử nghiệm và sẵn sàng sản xuất hàng loạt vào cuối tháng 9 năm 2022.

Chiếc Ka-52M đầu tiên được ra mắt công chúng trong Triển lãm Hàng không và Vũ trụ Quốc tế (MAKS) của Nga vào tháng 7 năm 2021, và sau đó là tại triển lãm Army-2021 vào tháng 8 năm sau.

Phiên bản Ka-52M nâng cấp được trang bị tháp pháo nhắm mục tiêu quang điện GOES-451M hiện đại hóa, bộ liên lạc BKS-50M (Bortovoi Kompleks Svyazi) được cập nhật, cũng như hệ thống SUO-806PM (Sistema Upravleniya Oruzhiyem), có khả năng sử dụng vũ khí mới.

Các nâng cấp khác đã được giới thiệu cho chính chiếc trực thăng. Các cánh quạt của Ka-52M có bộ phận làm nóng mạnh hơn, cho phép trực thăng hoạt động trong phạm vi nhiệt độ rộng hơn, bao gồm cả ở Bắc Cực, một trọng tâm đặc biệt trong chiến lược quân sự gần đây của Nga.

Thiết bị hạ cánh có bánh xe tăng khả năng chịu tải và chống mài mòn và trực thăng cũng có đèn LED chiếu sáng bên ngoài. Buồng lái của phi hành đoàn đã được cải thiện tốt hơn với việc bay bằng kính nhìn ban đêm (NVG).

Tuy nhiên sự bổ sung được đánh giá quan trọng nhất của máy bay trực thăng là sự ra đời của tên lửa dẫn đường hạng nhẹ LMUR với tầm bắn lên đến gần 15 km, gấp 2,5 lần so với tên lửa tiêu chuẩn Ataka trên trực thăng tấn công Nga hiện nay.

LMUR mang đầu dò ảnh nhiệt 9B-7755 do Viện MNITI ở Moscow phát triển, cùng hệ thống lái tự động dùng định vị quán tính, thiết bị đo độ cao vô tuyến, bộ định vị vệ tinh BNAP-305 tương thích với hệ thống GLONASS Nga và GPS phương Tây. Quả đạn được lắp hai ăng ten cho đường truyền dữ liệu với trực thăng.

Trong chế độ chiến đấu cơ bản, tên lửa được phóng về phía mục tiêu trong tầm nhìn. Phi công có thể trực tiếp theo dõi hình ảnh từ đầu dò tên lửa trên bệ phóng và đánh dấu mục tiêu. Quả đạn sẽ tự động lao tới đích, trong khi trực thăng cơ động để tránh phản kích.

Phương thức thứ hai chưa từng xuất hiện trên các tên lửa đối đất phóng từ trực thăng Nga, trong đó quả đạn được phóng về phía mục tiêu ngoài tầm nhìn hoặc bị vật cản che chắn.

Tên lửa khai hỏa, bay tới khu vực nghi có mục tiêu nhờ hệ thống lái tự động và định vị vệ tinh. Phi công sẽ theo dõi hình ảnh từ tên lửa truyền về để tìm kiếm và lựa chọn mục tiêu, sau đó ra lệnh tập kích. Phi công có thể thay đổi mục tiêu hoặc ra lệnh cho tên lửa tự hủy nếu cần thiết.

Bộ Quốc phòng Nga không công bố số lượng tên lửa LMUR đã tiếp nhận, nhưng theo ước tính của giới chuyên gia, quân đội Nga đang biên chế ít nhất 300 quả. Hợp đồng năm 2018 cho thấy mỗi quả đạn LMUR có giá khoảng 227.000 USD.

Clip Ka-52M mới thể hiện sức mạnh trong chiến dịch quân sự đặc biệt.



Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/con-thinh-no-tu-tren-khong-a35952.html