Cú xoay trục tất yếu của Nga sang châu Phi trước sức ép trừng phạt từ Phương Tây

Sự chuyển hướng của Nga sang Bán cầu Nam, đặc biệt là châu Phi có những ý nghĩa nhất định. Các nước này dù không có sức mạnh tài chính như các nền kinh tế phương Tây nhưng đất đai, dân số và nguồn lực khiến họ trở thành những đối tác quan trọng cho Moscow.

Thượng đỉnh Nga - châu Phi và ưu tiên của Moscow

Trong hai ngày 27 và 28/7, Hội nghị Thượng đỉnh Nga - châu Phi với sự tham gia của 17 lãnh đạo châu Phi đã diễn ra tại St. Petersburg với chủ đề "Vì hòa bình, an ninh và phát triển". Trong cuộc gặp với Tổng thống Uganda Yoweri Kaguta Museveni, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định phát triển quan hệ với các nước châu Phi là một trong những ưu tiên chính sách đối ngoại của Moscow.

Cú xoay trục tất yếu của Nga sang châu Phi trước sức ép trừng phạt từ Phương Tây - Ảnh 1.

Tổng thống Putin phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Nga - châu Phi. Ảnh: Tass

"Việc tổ chức diễn đàn này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với chúng tôi. Phát triển toàn diện quan hệ với các nước châu Phi về chính trị, an ninh, kinh tế và nhân đạo là một trong những ưu tiên thường trực của chính sách đối ngoại Nga", ông Putin khẳng định.

3 ngày trước Hội nghị Thượng đỉnh Nga - châu Phi và Diễn đàn Kinh tế và Nhân đạo Nga - châu Phi, Điện Kremlin công bố một bài bình luận của Tổng thống Putin. Bài viết với tiêu đề "Nga và châu Phi: Tham gia vào những nỗ lực vì hòa bình, tiến bộ và tương lai thành công", nêu chi tiết tầm nhìn của Nga về tương lai quan hệ với các nước châu Phi. Bài viết cũng nêu lại một số hoạt động Nga thường triển khai ở châu lục này.

Trong bài viết, Tổng thống Putin nhắc lại việc Nga phản đối ách áp bức bóc lột của chủ nghĩa thực dân tại đây, nhấn mạnh Moscow luôn ủng hộ sự phát triển của châu Phi. Ông khẳng định, trái với các nước phương Tây, Nga luôn tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc "các vấn đề của châu Phi do châu Phi giải quyết" và "không bao giờ tìm cách áp đặt lên các đối tác của mình" về những vấn đề nội bộ như thể chế, cách quản lý, mục tiêu phát triển và biện pháp thực hiện.

Liên quan đến trật tự thế giới đa cực đang nổi lên, Tổng thống Putin khẳng định: "Rõ ràng, châu Phi, cùng với châu Á, Trung Đông và Mỹ Latin sẽ lấy lại vị trí đáng có của mình”. Ông Putin cũng đổ lỗi cho Ukraine và phương Tây về tình trạng thiếu lương thực, ngũ cốc và phân bón ở các nước châu Phi hiện nay.

Tổng thống Nga cũng nhắc đến thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen mà Nga đình chỉ gần đây: "Trong khi thỏa thuận này được phương Tây quảng bá công khai như một cử chỉ thiện chí mang lại lợi ích cho châu Phi thì trên thực tế, nó chỉ đang làm giàu cho các doanh nghiệp Mỹ và châu Âu xuất khẩu và bán lại ngũ cốc từ Ukraine".

Hội nghị Nga - châu Phi đầu tiên được tổ chức năm 2019 đã khởi động hàng loạt chuyến thăm chính thức, sáng kiến ngoại giao và các thỏa thuận vũ khí với các nước châu Phi.

Đối mặt với sự cô lập và lệnh trừng phạt chưa từng có từ phương Tây, Nga đã nhấn mạnh kế hoạch gia tăng ảnh hưởng ở Bán cầu Nam, khẳng định tương lai của nước này nằm ở châu Á và châu Phi, những khu vực với sự tăng trưởng được dự đoán sẽ mang đến nhiều cơ hội kinh tế đáng chú ý.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Nga - châu Phi, Tổng thống Putin cũng đã đưa ra những cam kết lớn với các nước châu Phi. Theo đó, Moscow cam kết sẽ cung cấp 50.000 tấn ngũ cốc miễn phí cho 6 nước châu Phi trong 3 - 4 tháng tới, bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây áp lên Nga.

Đằng sau cú xoay trục sang châu Phi

Các lệnh trừng phạt của phương Tây đã cô lập Nga khỏi các đối tác thương mại phương Tây quen thuộc và khiến Moscow phải dịch chuyển tìm kiếm các thị trường mới. Đó là các quốc gia và khu vực mà chính phủ những nước này không tham gia vào lệnh trừng phạt Nga. Giữa bối cảnh đa dạng hóa các mối quan hệ kinh tế, Moscow đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến châu Phi .

Với các nhà hoạch định chính sách và giới quan sát phương Tây, động lực để Moscow tăng cường hợp tác với châu Phi rất đáng lưu ý, một phần là bởi những lo ngại chính trị, một phần là bởi những tính toán cạnh tranh kinh tế và một phần là bởi điều đó cho nhiều nước phương Tây thấy sự thất bại về chính sách: Đó không thể gây ra những tổn thất kinh tế to lớn cho Nga do phần còn lại của thế giới không sẵn sàng đi theo sự dẫn dắt của phương Tây.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn vào cuối năm ngoái, học giả Nga Natalia Piskunova chỉ rõ, quá trình hoạch định chính sách của Nga liên quan đến việc đầu tư vào châu Phi được chia thành 2 cấp độ: Đó là những gì nhà nước Nga thực hiện và những gì các công ty tư nhân Nga thực hiện.

Nhiều cảng biển ở châu Phi có vai trò quan trọng trong chuỗi hậu cần quốc tế, trong đó có các cảng biển tại các quốc gia Bắc Phi như Ai Cập, Tunisia, Algeria, tại Đông Phi như Kenya và tại Nam Phi. Các sân bay ở châu Phi, đặc biệt là các trung tâm hàng không khu vực như Cairo cũng hữu ích với Moscow khi các doanh nghiệp và du khách Nga bay tới châu Phi. Một minh chứng là Hãng hàng không Ethiopia Airlines đã nối lại chuyến bay tới Nga vào tháng 8/2022. Đường bay này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Nga bởi EU đã đóng cửa không phận với các máy bay đăng ký tại Nga và do Nga sở hữu.

Ngoài ra, các cơ sở hạ tầng thương mại ở châu Phi cũng là một địa điểm để Nga thoát khỏi lệnh trừng phạt phương Tây. Các nước ở châu lục này không ủng hộ các lệnh trừng phạt của phương Tây và không giống như EU, họ không cấm tàu thuyền Nga sử dụng các cảng biển của mình. Vì vậy, tàu thuyền Nga có thể sửa chữa tại các cảng biển trên nếu cần thiết và trả phí dịch vụ.

Trong khi Trung Quốc và Ấn Độ chiếm khoảng 40% xuất khẩu dầu Nga thì Biển Đò là một tuyến vận chuyển thiết yếu của các tàu chở dầu. Việc tiếp cận cảng biển tại những quốc gia ven Biển Đỏ như Ai Cập, Sudan, Eritrea và Djibouti vô cùng quan trọng.

Về mặt tài chính, các ngân hàng sở hữu nhà nước của châu Phi có thể giúp Nga tiến hành các hoạt động giao dịch tài chính và thanh toán quốc tế trong trường hợp đối mặt với lệnh trừng phạt ở những nơi khác. Hệ thống tài chính châu Phi sử dụng hệ thống thanh toán UnionPay của Trung Quốc, đóng vai trò cần thiết cho Nga giữa bối cảnh Visa và Mastercard loại ngân hàng Nga ra khỏi hệ thống.

Sự ủng hộ quân sự và chính trị của Nga với các quốc gia châu Phi cũng mang đến cho nước này những các lợi ích tài chính khi Moscow có thể tiếp cận vàng ở Sudan và kim cương ở Cộng hòa Trung Phi. Những nguồn thu này rất quan trọng với Nga để duy trì nền kinh tế trước các lệnh trừng phạt, bởi vàng và kim cương không dễ bị đóng băng hay chiếm giữ như các tài sản khác.

Không chỉ vậy, tại Angola, công ty Alrosa của Nga, công ty khai thác kim cương lớn nhất thế giới là một trong các chủ sở hữu mỏ kim cương lớn thứ tư thế giới Catoca. Công ty này có tầm quan trọng với Moscow bởi dự trữ đồng của nó, vốn đóng vai trò thiết yếu trong sản xuất máy móc và các thiết bị công nghệ cao, nhất là trong bối cảnh quặng đồng của Nga rất khó khai thác. Trong khi đó, ở Guinea, Rusal - một trong những công ty nhôm lớn nhất thế giới do doanh nhân Nga Oleg Deripaska sở hữu cũng đồng thời sở hữu Dian - mỏ quặng bô xít lớn nhất thế giới. Khoảng một nửa sản lượng nhôm từ quặng bô xít của Rusal là đến từ các hoạt động khai mỏ tại Guinea.

Châu Phi cũng là khu vực giàu đất hiếm, nguyên liệu quan trọng trong sản xuất các thiết bị công nghệ cao, các hệ thống chuyển đổi năng lượng và thiết bị quân sự như laser và radar.

Ngành nông nghiệp và phân bón Nga đặc biệt thành công ở châu Phi. Bộ Nông nghiệp Nga coi các nước châu Phi là những đối tác nông nghiệp giá trị. Nga là đối tác lớn của châu Phi về lương thực và phân bón. Châu lục này đang chịu tác động trực tiếp từ xung đột ở Ukraine bởi Moscow và Kiev chiếm gần 30% xuất khẩu lúa mì toàn cầu. Hơn 50% nhập khẩu lúa mì ở Burundi, Uganda, Rwanda, Tanzania, Sudan và Somalia đến từ Nga và Ukraine. Năm 2021, Nga là nhà xuất khẩu phân nitrogen hàng đầu tới châu Phi - loại phân bón sử dụng nhiều nhất ở châu lục này và là nhà xuất khẩu lớn thứ hai phân bón kali và phốt pho, chiếm 14% xuất khẩu toàn cầu.

Ngành công nghiệp hạt nhân của Nga cũng ghi nhận nhiều thành công ở châu Phi. Công ty năng lượng hạt nhân sở hữu nhà nước Rosatom đang xây dựng các nhà máy điện hạt nhân và hỗ trợ các nước châu Phi giải quyết các nhu cầu năng lượng.

Sau khi trì hoãn một vài năm, tháng 7/2022, nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Ai Cập đã bắt đầu được công ty Rosatom của Nga xây dựng ở thị trấn El-Dabaa. Dự án này được thông qua năm 2017 bởi Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sissi. Đây được coi là dự án hợp tác Nga - Ai Cập lớn nhất kể từ những năm 1950.

Ngoài ra, ngành quốc phòng Nga cũng đóng vai trò nổi bật trong sự hợp tác kinh tế của Nga với châu Phi. Từ 2015 - 2019, chính phủ Nga ký 19 thỏa thuận hợp tác quân sự với các chính phủ châu Phi, tập trung vào buôn bán vũ khí. Moscow là nhà cung cấp vũ khí chính cho châu lục này. Từ 2017 - 2021, Nga cung cấp gần một nửa thiết bị quân sự nhập khẩu của châu Phi (44%), sau đó là Mỹ chiếm 17%, Trung Quốc chiếm 10% và Pháp chiếm 6,1%. Algeria, Angola, Burkina Faso, Ai Cập, Ethiopia, Morocco, và Uganda là những khách hàng lớn nhất mua vũ khí Nga.

Giữa bối cảnh các nước châu Phi vẫn đang phát triển và mục tiêu kinh tế chính trong ngắn hạn và trung hạn của Nga là chống chịu trước tác động trừng phạt của phương Tây, sự hợp tác giữa Moscow với châu lục này có những giới hạn nhất định. Tuy nhiên, Nga và các nước châu Phi sẽ sử dụng mọi cơ hội để thúc đẩy quan hệ kinh tế với nhau.

Nhìn chung, sự chuyển hướng của Nga sang Bán cầu Nam, đặc biệt là châu Phi có những ý nghĩa nhất định. Các nước này có lẽ không có sức nặng tài chính như các nền kinh tế phương Tây nhưng đất đai, dân số và các nguồn lực khiến họ trở thành những đối tác quan trọng cho những quốc gia như Nga và Trung Quốc.

Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/cu-xoay-truc-tat-yeu-cua-nga-sang-chau-phi-truoc-suc-ep-trung-phat-tu-phuong-tay-a3982.html