Mỹ: Nhiệt độ bề mặt nước biển ở Florida tăng cao bất thường

Các nhà khoa học cảnh báo nhiệt độ bề mặt nước biển tăng cao có thể đe dọa đến hệ sinh thái biển, sinh vật biển cũng như ảnh hưởng đến sinh kế của nhiều ngư dân.

Nắng nóng cực đoan đang ảnh hưởng đến nhiều bang của nước Mỹ. Trong đó, một hiện tượng được ghi nhận là nhiệt độ nước bề mặt đại dương ở trong và chung quanh quần đảo Florida Keys, cực nam của bang Florida, tăng lên mức bất thường vào tuần này.

Cụ thể, tại Manatee Bay, một đảo và khu vực hành chính thuộc chuỗi đảo Florida Keys, nhiệt độ bề mặt nước được ghi nhận vào chiều 24/7 tăng cao ở mức 38,44 độ C.

Trong khi đó, Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết, thông thường, vào thời điểm này, nhiệt độ bề mặt nước ở những khu vực này được ghi nhận chỉ ở khoảng 23 độ C đến 31 độ C.

Trước đó, giới chức đã đưa ra cảnh báo về hiện tượng nước biển ấm lên tại các khu vực ở đông nam nước Mỹ, bao gồm bang Florida, trong bối cảnh nền nhiệt tiếp tục gia tăng trên nhiều vùng miền ở nước này.

Hồi đầu tháng 7, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết nhiệt độ nước biển trên phạm vi toàn cầu đã đạt mức cao kỷ lục hằng tháng kể từ hồi tháng 5/2023 và một phần là do hiện tượng El Nino gây ra.

Các nhà khoa học cảnh báo nhiệt độ bề mặt nước biển tăng cao có thể đe dọa đến hệ sinh thái biển, sinh vật biển cũng như ảnh hưởng đến sinh kế của ngư dân.

Nhà khoa học biển Deborah Brosnan, người sáng lập công ty tư vấn rủi ro môi trường Deborah Brosnan & Associates chia sẻ, các đại dương nóng lên đang khuếch đại những thảm họa do thời tiết gây ra, gây chết người và thiệt hại kinh tế to lớn. Ước tính thiệt hại kinh tế có thể lên đến 1.000 tỷ USD/năm trong các thập kỷ tới.

Nhiệt độ đại dương gia tăng cũng đang đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu. Khi nhiệt độ nước tăng lên, các đại dương mất khả năng thực hiện một chức năng quan trọng là hấp thụ lượng nhiệt dư thừa của thế giới.

“Nhiệt độ đại dương gia tăng đang và sẽ tác động rất lớn đến đất liền. Các kiểu thời tiết kỳ lạ và nguy hiểm sẽ trở thành tiêu chuẩn ở những nơi chưa chúng chưa từng xảy ra trước đây, với tần suất cao hơn”, nhà khoa học Brosnan nói.

Trong những thập kỷ gần đây, các vùng biển toàn cầu đã hấp thụ 90% sự nóng lên do khí nhà kính gây ra. Các đại dương nóng lên kích hoạt một vòng luẩn quẩn khiến nhiệt độ đất liền cao hơn và việc này góp phần làm biển nóng hơn. Tình trạng này kéo theo một loạt tác động khí hậu, gồm các cơn bão mạnh hơn, mực nước biển dâng cao, mất các rạn san hô và các sinh vật biển khác.

Theo Trung tâm Thông tin Môi trường Quốc gia Mỹ, nhiệt độ nước tăng lên gây ra các tác động kéo dài tới những nơi xa xôi nhất trên Trái Đất. Cụ thể, băng biển ở Nam Cực ở mức thấp nhất từ trước đến nay vào tháng 6/2023 dù nơi đây đang trong mùa Đông.

Bloomberg thông tin, nhiệt độ biển gia tăng ảnh hưởng sát sườn hàng triệu người trên thế giới, thường dẫn đến hậu quả thảm khốc. Bão kèm gió lớn là một trong những minh chứng nổi bật nhất về thời tiết khắc nghiệt do các đại dương ấm áp gây ra. Nhiệt độ nước tăng cao gia tăng số lượng bão bằng cách bổ sung độ ẩm cho bầu khí quyển.

Năng lượng bão lốc tích lũy toàn cầu gần gấp đôi mức bình thường trong tháng 6. Đầu năm 2023, cơn bão nhiệt đới Freddy đã lập kỷ lục sơ bộ là xoáy thuận nhiệt đới tồn tại lâu nhất từng được ghi nhận.

Nước biển ấm cũng gia tăng lượng mưa từ các cơn bão mùa hè hàng ngày. Lũ lụt khắp khu vực Đông Bắc nước Mỹ vào tháng 7 đã khiến một người phụ nữ tại New York tử vong, các tuyến đường sắt phải đóng cửa và tàn phá Vermont, gây thiệt hại tới 5 tỷ USD.

Thế giới - Mỹ: Nhiệt độ bề mặt nước biển ở Florida tăng cao bất thường

Nhiệt độ bề mặt nước biển tăng cao có thể đe dọa đến hệ sinh thái biển. Ảnh: AFP.

Các đại dương ấm lên góp phần gây ra hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như hạn hán, cháy rừng. Gió trong bầu khí quyển phía trên chịu ảnh hưởng của đại dương bên dưới và biển nóng có thể khiến luồng gió bị uốn cong theo những cách cực đoan. Việc này dẫn đến các khu vực có áp suất cao duy trì không khí nóng tại chỗ trong nhiều tuần - hiện tượng được gọi là vòm nhiệt.

Trong khi đó, tại bang Texas (Mỹ), nắng nóng gay gắt khiến nhu cầu điện tăng cao kỷ lục. Ở bang Arizona, các nhà khoa học ngày 25/7 ghi nhận xương rồng saguaro - một biểu tượng của miền tây nước Mỹ - đã bị héo rũ xuống, không ra nhánh và thậm chí đổ rạp trong đợt nắng nóng cực đoan chưa từng có ở bang này.

Theo nhà khoa học Tania Hernandez tại khu vườn Desert Botanical ở thành phố Phoenix, bang Arizona, nắng nóng cực đoan lên tới trên 43 độ C kéo dài 25 ngày tại Phoenix đã khiến loài cây được mệnh danh là “gã khổng lồ” trên sa mạc này gặp khó khăn trong quá trình sinh tồn.

Lâu nay, xương rồng được biết đến là loài cây có thể chịu đựng được mức nhiệt cao để sinh tồn song đôi khi vẫn cần nước và nhiệt độ giảm vào ban đêm.

Ngày 25/7, theo đánh giá của một nhóm nhà khoa học của World Weather Attribution - tổ chức chuyên đánh giá vai trò của biến đổi khí hậu đối với mô hình thời tiết cực đoan trên thế giới, mô hình thời tiết cực đoan ở cả trên đất liền và trên đại dương, với quy mô và mức độ ngày càng gia tăng, là do tác động của biến đổi khí hậu mà con người gây ra.

Các nhà khoa học nói rằng kiểu thời tiết cực đoan này đã trở thành một hiện tượng thời tiết trên phạm vi toàn cầu. Nhóm nghiên cứu dự đoán các đợt nắng nóng cực đoan đang diễn ra hiện nay có thể sẽ tiếp diễn cho đến hết tháng 8.

Minh Hoa (t/h)

Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/my-nhiet-do-be-mat-nuoc-bien-o-florida-tang-cao-bat-thuong-a4095.html