Sẽ cần đến “nhiệt huyết” của các Bộ trưởng Nội các trẻ trung để giải quyết nhiều vấn đề và trách nhiệm ưu tiên sau khi chính quyền mới do ông Hun Manet lãnh đạo tuyên thệ nhậm chức vào tháng tới, tờ Khmer Times đưa tin hôm 28/7.
Theo tờ báo Campuchia, Tướng Hun Manet, 45 tuổi, sẽ bắt đầu vai trò Thủ tướng của quốc gia Đông Nam Á vào ngày 22/8 tới – ngày quốc hội chính thức chấp nhận chính phủ mới thành lập. Trước đó, vào ngày 7/8, Nhà vua sẽ ban hành sắc lệnh bổ nhiệm Thủ tướng mới.
Tuy nhiên, các nhà phân tích, học giả và thậm chí cả các thành viên cao cấp trong Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền vẫn có những hoài nghi về Nội các mới mà ông Hun Manet sẽ dẫn dắt.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Khmer Times vào đầu tuần này, ông Sok Eysan, người phát ngôn của Đảng CPP, thừa nhận rằng những người kế nhiệm trẻ tuổi có “ít kinh nghiệm hơn” trong các lĩnh vực của họ.
Ông Eysan cho biết, 90% Nội các của Tướng Hun Manet sẽ là người mới, đồng thời 10% Nội các cũ sẽ được giữ lại để đảm bảo tính bền vững cho công tác chính phủ.
“Một số cán bộ còn thiếu kinh nghiệm nhưng nếu quan tâm sâu sát cơ sở, gắn kết với quần chúng, vận dụng những kiến thức sẵn có, trình độ học vấn cao hơn, tôi nghĩ họ sẽ làm tốt công việc của mình”, ông Eysan nói. “Đây là lý do tại sao CPP đang để các quan chức lớn tuổi hướng dẫn họ”.
Thách thức lớn ở phía trước
Ông Chheang Vannarith, Chủ tịch Viện Tầm nhìn châu Á (AVI), một tổ chức tư vấn hàng đầu về phân tích rủi ro địa chính trị và đổi mới quản trị, lưu ý rằng một số thách thức lớn ở phía trước mà chính phủ mới phải đối mặt, bao gồm chống tham nhũng và xây dựng các thể chế nhà nước trong sạch và vững mạnh.
“Do đó phong cách lãnh đạo mang tính chuyển đổi là cần thiết. Sự can đảm để cải cách là cần thiết”, ông Vannarith nói.
Theo ông Vannarith – một nhà phân tích chính sách công và chiến lược gia về quan hệ chính phủ, cơ sở chính của tính hợp pháp của chính quyền mới là “cách thức và thời điểm nó có thể mang lại kết quả cụ thể để đáp ứng nhu cầu và mong đợi của người dân”.
Trong khi đó, ông Kin Phea, Tổng Giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế của Học viện Hoàng gia Campuchia – một cơ quan cố vấn hàng đầu của chính phủ, đã nhấn mạnh một số vấn đề chính mà chính phủ mới nên ưu tiên.
“Sự ổn định và tăng trưởng trong thập kỷ trước cần được tối ưu hóa và cải cách hơn nữa để mở cửa nền kinh tế rộng hơn. Tuy nhiên, những cơn gió ngược từ bên ngoài như cuộc khủng hoảng Ukraine, Myanmar và cạnh tranh Mỹ-Trung đang gây khó khăn cho các quốc gia nhỏ hơn, bao gồm cả Campuchia”, ông Phea nói.
Trong một cuộc phỏng vấn trực tiếp trên Đài Truyền hình Quốc gia Campuchia (TVK) hôm 26/7, Thủ tướng tạm quyền Hun Sen kêu gọi những người ở độ tuổi 70-80 vốn sẽ rời Nội các, sẽ cùng ông tiếp tục hướng dẫn những người kế nhiệm trẻ tuổi.
Ông Hun Sen cho biết, ông chuyển giao chức vụ Thủ tướng vì sự ổn định chính trị lâu dài, hòa bình và phát triển của đất nước.
Dù rời cơ quan hành pháp, ông Hun Sen cho biết ông sẽ tiếp tục là một nhà lập pháp và sẽ được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Cơ mật Tối cao Campuchia, cơ quan cố vấn của Nhà vua. Ngoài ra, ông cũng sẽ trở thành Chủ tịch Thượng viện sau Cuộc bầu cử Thượng viện Campuchia vào ngày 25/2 năm sau, trong đó Đảng CPP tự tin sẽ giành một chiến thắng áp đảo khác.
Ông Hun Sen cũng hứa sẽ không can thiệp vào công việc của Thủ tướng và chính phủ mới. Nhà lãnh đạo kỳ cựu của Campuchia tin tưởng tân Thủ tướng Hun Manet sẽ nhận được sự ủng hộ của người dân.
Ông cũng cho biết thêm rằng, việc Tướng Hun Manet nhậm chức Thủ tướng không bỏ qua bất kỳ thủ tục nào. Ông nói: “Con trai tôi không kế thừa vai trò này nếu không có quy trình hợp pháp. Cậu ấy đã tham gia bầu cử với tư cách ứng cử viên nghị sĩ và đây là bước cơ bản trong hệ thống dân chủ của chúng ta”.
Chính sách đối ngoại kiên định
Là con cả trong số 5 người con của Thủ tướng Hun Sen, ông Hun Manet sinh ngày 20/10/1977. Ông kết hôn với bà Pich Chanmony, con gái của một chính trị gia Campuchia nổi tiếng. Hai vợ chồng có 3 người con.
Ông Hun Manet lớn lên ở Phnom Penh và gia nhập quân đội Campuchia năm 1995, và sau đó đã học đại học ở Mỹ và Anh.
Ông là người Campuchia đầu tiên tốt nghiệp Học viện Quân sự Mỹ tại West Point vào năm 1999. Sau đó, ông lấy bằng Thạc sĩ kinh tế tại Đại học New York (Mỹ) năm 2002 và bằng Tiến sĩ kinh tế tại Đại học Bristol (Anh) năm 2008.
Song song với đó, ông đã từng bước thăng cấp trong Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Campuchia, từ chức vụ phó đội cận vệ của cha mình đến chỉ huy lực lượng chống khủng bố, và hiện là Tướng bốn sao giữ chức Tư lệnh Lục quân kiêm Phó Tổng tư lệnh của Quân đội Hoàng gia Campuchia.
Ông cũng đã trở thành Trưởng Ban Thanh niên của Đảng CPP cầm quyền và tham gia Ủy ban Thường vụ của đảng này.
Vào tháng 12/2021, ông Hun Sen đã chỉ định con trai cả Hun Manet là người kế nhiệm ông làm lãnh đạo, và Đảng CPP đã sớm coi ông Hun Manet là “Thủ tướng tương lai”.
Tướng Hun Manet đã có một vài cuộc phỏng vấn trên phương tiện truyền thông và cho thấy một chút về tầm nhìn của ông đối với Campuchia và hơn 16 triệu dân của nước này. Ông phần lớn tránh những bài phát biểu dài dòng trong quá trình vận động tranh cử, chủ yếu hạn chế bản thân ở mức chỉ cười và vẫy tay.
Tại một cuộc vận động tranh cử quan trọng hôm 21/7, ông Hun Manet nói rằng bỏ phiếu cho Đảng CPP là bỏ phiếu cho một tương lai tươi sáng, và cảnh báo về những âm mưu “cực đoan” nhằm phá hoại cuộc tổng tuyển cử diễn ra sau đó 2 ngày, vào ngày 23/7.
Năm 2015, ông Hun Manet nói với Đài ABC của Australia rằng, Campuchia phải giữ gìn hòa bình, ổn định và an ninh “bằng bất cứ giá nào”.
Một số nhà quan sát đã nhận xét rằng Tướng Hun Manet, được tiếp nhận giáo dục phương Tây, có khả năng đưa Campuchia nghiêng về phía Tây hơn một khi ông hoàn toàn thay thế cha mình.
“Tướng Hun Manet đã học ở West Point, vì vậy có khả năng khi ông ấy kế nhiệm cha mình ở mọi vị trí, Campuchia sẽ ngả về phương Tây nhiều hơn một chút”, ông Paul Chambers, giảng viên và cố vấn đặc biệt về quan hệ quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Cộng đồng ASEAN, Khoa Khoa học Xã hội, Đại học Naresuan của Thái Lan, nhận định.
Tuy nhiên, ông Eysan, người phát ngôn của Đảng CPP, bác bỏ ý kiến này. Ông Eysan tin rằng chính sách đối ngoại của Campuchia sẽ không thay đổi dưới thời chính quyền mới, đồng thời cho biết Đảng CPP cầm quyền đã đề ra cương lĩnh chính trị để chính phủ thực hiện.
“Chính phủ mới phải biến cương lĩnh chính trị của đảng thành hiện thực để đường lối đối ngoại của đất nước không thay đổi. Ví dụ, Campuchia chào đón tất cả các nhà đầu tư, không chỉ Trung Quốc, mà cả Mỹ và các quốc gia khác”, ông Eysan nói.
“Việc một người tốt nghiệp đại học ở Mỹ không có nghĩa là người đó sẽ nghiêng về Mỹ”, vị đại diện Đảng CPP nói. “Chúng tôi sẽ tiếp tục tuân thủ chính sách đối ngoại kiên định trung lập, không liên kết, cũng như chính sách coi trọng bình đẳng, tôn trọng và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau”.
Minh Đức (Theo Khmer Times, Reuters)
Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/noi-cac-cua-tan-thu-tuong-campuchia-hun-manet-90-se-la-nguoi-moi-a4097.html