Niger mất hỗ trợ tài chính và an ninh của phương Tây sau đảo chính

Niger là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, nhận được gần 2 tỷ USD mỗi năm từ hỗ trợ phát triển chính thức, theo Ngân hàng Thế giới (WB).

Liên minh châu Âu đã cắt hỗ trợ tài chính cho Niger và Mỹ cũng đe dọa sẽ làm điều tương tự sau khi các nhà lãnh đạo quân sự tuyên bố lật đổ Tổng thống Mohamed Bazoum.

“Ngoài việc ngừng hỗ trợ ngân sách ngay lập tức, tất cả các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực an ninh đều bị đình chỉ vô thời hạn và có hiệu lực ngay lập tức”, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell khẳng định.

“Tất cả các dự án do bên ngoài tài trợ sẽ dừng lại. Các dự án phát triển do EU, Ngân hàng Thế giới, IMF và các tổ chức khác tài trợ, cũng như viện trợ ngân sách dành cho Niger sẽ bị dừng lại”, chuyên gia kinh tế Abdoulaye Soly tại Niamey cho biết.

Thế giới - Niger mất hỗ trợ tài chính và an ninh của phương Tây sau đảo chính

Ông Josep Borrell, Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu. Ảnh: Al Jazeera

Theo trang web của mình, EU đã phân bổ 503 triệu Euro (554 triệu USD) từ ngân sách của mình để cải thiện quản trị, giáo dục và tăng trưởng bền vững ở Niger trong giai đoạn 2021-2024. Thông qua Quỹ Hòa bình châu Âu, EU đã phê duyệt khoảng 70 triệu Euro để hỗ trợ các lực lượng vũ trang của Niger kể từ tháng 7/2022, bao gồm 4,7 triệu Euro vũ khí được phê duyệt vào ngày 8/6.

Mặc dù phần lớn cộng đồng quốc tế đã lên án quân đội Niger vì đã lật đổ Tổng thống Bazoum, động thái của EU dường như là một trong những bước cụ thể đầu tiên nhằm trừng phạt hành động đảo chính ở nước này.

Bộ Ngoại giao Pháp cho biết, Pháp đã đình chỉ tất cả viện trợ phát triển và hỗ trợ ngân sách có hiệu lực ngay lập tức. Quốc gia này cũng yêu cầu Niger nhanh chóng trở lại trật tự hiến pháp với ông Bazoum là người phụ trách. Viện trợ phát triển của Pháp dành cho Niger vào khoảng 120 triệu Euro (130 triệu USD) vào năm 2022, và dự kiến sẽ cao hơn trong năm nay.

Thế giới - Niger mất hỗ trợ tài chính và an ninh của phương Tây sau đảo chính (Hình 2).

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu trong cuộc họp báo tại Tòa nhà Chính phủ Queensland ở Brisbane, ngày 29/7. Ảnh: Korea Times/AFP

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng khẳng định: “Mối quan hệ đối tác kinh tế và an ninh quan trọng trị giá hàng trăm triệu USD của chúng tôi với Niger phụ thuộc vào việc tiếp tục quản trị dân chủ và trật tự hiến pháp vừa bị phá vỡ bởi các hành động vài ngày qua”. 

“Sự hỗ trợ đó rõ ràng đang gặp nguy hiểm do những hành động này. Đó là một lý do khác khiến chúng cần phải được đảo ngược ngay lập tức”, ông Blinken tuyên bố.

Theo Ngân hàng Thế giới, Niger là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, nhận được gần 2 tỷ USD hỗ trợ phát triển chính thức mỗi năm. Quốc gia Tây Phi cũng là một đối tác an ninh của Pháp và Mỹ, vì cả 2 quốc gia này coi đây là một căn cứ để chống lại một cuộc nổi dậy của người Hồi giáo ở khu vực Sahel thuộc Tây và Trung Phi.

Mỹ có 2 căn cứ quân sự ở Niger với khoảng 1.100 binh sĩ, đồng thời cung cấp hàng trăm triệu USD để hỗ trợ an ninh và phát triển cho quốc gia này.

Thế giới - Niger mất hỗ trợ tài chính và an ninh của phương Tây sau đảo chính (Hình 3).

Tướng Abdourahmane Tchiani, phải, đã tuyên bố mình là nguyên thủ quốc gia mới của Niger hôm 28/7. Ảnh: Washington Post

Các đồng minh nước ngoài của Niger vẫn từ chối công nhận chính phủ quân sự mới do Tướng Abdourahamane Tiani lãnh đạo. Ông Tiani trước đây là người đứng đầu lực lượng bảo vệ tổng thống và tự tuyên bố là nguyên thủ quốc gia vào ngày 28/7.

Liên minh châu Âu và các nước khác nói rằng họ vẫn công nhận ông Bazeom là Tổng thống hợp pháp, dù không có tin tức gì về ông sau khi ông bị giam giữ trong Dinh Tổng thống.

Nguyễn Tuyết (Theo Reuters, SCMP, CNN)

Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/niger-mat-ho-tro-tai-chinh-va-an-ninh-cua-phuong-tay-sau-dao-chinh-a4114.html