Ba Lan thực sự muốn gì đằng sau lệnh cấm ngũ cốc Ukraine?

Có một vấn đề đáng lưu ý, các hạn chế hiện tại của EU sẽ hết hạn vào ngày 15/9 tới - một tháng trước khi Ba Lan tổ chức bầu chính phủ mới.

Ba Lan thực sự muốn gì đằng sau lệnh cấm ngũ cốc Ukraine? - Ảnh 1.

Ba Lan cảnh báo sẽ đơn phương áp đặt lệnh cấm nếu EU không gia hạn các hạn chế. Ảnh: AFP

Sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra và các cảng ở Biển Đen bị phong tỏa vào năm ngoái, các quốc gia phía Đông của EU chứng kiến "tràn ngập" khối lượng ngũ cốc chưa từng có của Ukraine. Các quan chức Ba Lan đang tiếp tục khẳng định sẽ hành động một mình nếu EU không gia hạn các hạn chế nhập khẩu đối với các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine.

Như vậy, hơn một năm sau khi EU thiết lập "các tuyến đường đoàn kết" trên bộ để giúp chuyển hàng triệu tấn nông sản bị mắc kẹt - mặt hàng xuất khẩu chính của Kiev - ra khỏi Ukraine, Ba Lan đang đe dọa đóng cửa biên giới của mình lần thứ hai trừ khi Brussels gia hạn lệnh cấm tạm thời và cung cấp tiền để đảm bảo rằng không có sản phẩm nào bị mắc kẹt ở Ba Lan.

Mặc dù động thái đơn phương sẽ vi phạm các quy tắc thương mại chung của EU nhưng Warsaw cho rằng điều đó là cần thiết vì các sản phẩm của Ukraine - hiện một lần nữa bị chặn khỏi con đường xuất khẩu truyền thống ở Biển Đen - đang gây thiệt hại cho nông dân Ba Lan.

Bộ trưởng Nông nghiệp Ba Lan Robert Telus nói với các phóng viên sau cuộc họp của các bộ trưởng nông nghiệp EU tại Brussels hồi đầu tuần này: "Lợi ích của nông dân là điều tối quan trọng đối với chúng tôi. Các quyết định của chúng tôi không chống lại bất kỳ ai; chúng trước hết là vì nông dân của chúng tôi".

Sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra và các cảng ở Biển Đen bị phong tỏa vào năm ngoái, các quốc gia phía Đông của EU - Ba Lan, Romania và ở một mức độ thấp hơn là Bulgaria, Hungary và Slovakia - đã tràn ngập lượng ngũ cốc "chưa từng có" của Ukraine.

Lý do đơn giản một cách đáng ngạc nhiên: Bất chấp xung đột, giao dịch ngũ cốc vẫn do thị trường định hướng và giống như bất kỳ loại hàng hóa nào, sản phẩm rẻ hơn sẽ tìm được người mua. Ngũ cốc Ukraine có chất lượng cao và rẻ - nhưng chỉ khi được vận chuyển bằng đường biển hoặc khoảng cách tương đối gần vào đất liền.

Khi ngũ cốc vào Ba Lan, hầu hết chỉ đến được khu vực phía Đông giáp Ukraine. Ông Telus cáo buộc các thương nhân đa quốc gia đưa ngũ cốc Ukraine qua biên giới và bán cho các nhà trung gian địa phương như nhà máy và nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi. Ngược lại, nông dân Ba Lan thấy nhu cầu đối với sản phẩm của chính họ giảm dần.

Câu hỏi về sự đoàn kết

Tuy nhiên, các nước ủng hộ Ba Lan và 4 nước trên (Romania, Bulgaria, Hungary và Slovakia) trong châu Âu rất ít.

Ba Lan thực sự muốn gì đằng sau lệnh cấm ngũ cốc Ukraine? - Ảnh 2.

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda trong một cuộc gặp với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: KPRP

Janusz Wojciechowski, ủy viên nông nghiệp EU của Ba Lan nói: “Lệnh cấm tạm thời này là hoàn toàn cần thiết vì các quốc gia đó sẽ không chịu được áp lực”. Nhưng Ukraine và nnhững thành viên còn lại trong EU lại có quan điểm khác.

Các quan chức hàng đầu của Ukraine đã chỉ trích các hạn chế, trong đó Tổng thống Volodymyr Zelensky nói rằng bất kỳ sự gia hạn nào của các hạn chế là “hoàn toàn không thể chấp nhận được".

“Quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng: chặn xuất khẩu [của Ukraine] bằng đường bộ sau ngày 15/9, khi các hạn chế liên quan hết hiệu lực, là không thể chấp nhận được dưới mọi hình thức”, Tổng thống Zelensky tuyên bố.

Phản ứng tức giận của ông Zelensky diễn ra sau một tuần khi Nga rút khỏi Sáng kiến ​​Ngũ cốc Biển Đen. Theo thỏa thuận ngũ cốc do Liên hợp quốc làm trung gian, Ukraine đã xuất khẩu 33 triệu tấn ngũ cốc ra thị trường thế giới trong năm qua. Lúc này, khi vụ mùa đang đến kỳ thu hoạch, con đường xuất khẩu đó đã bị đóng lại.

Nhiều nước EU, trong đó có Pháp, Đức và Tây Ban Nha, ủng hộ lập trường của Ukraine. Trong khi thừa nhận ngũ cốc Ukraine đã gây áp lực lên một số nông dân EU, họ nói rằng các hạn chế thương mại làm suy yếu tính toàn vẹn của thị trường nội bộ khối và nỗ lực hỗ trợ Ukraine.

Bộ trưởng Nông nghiệp Đức Cem Özdemir nêu rõ: “Đây không phải là một chương trình thỏa mãn mong muốn, trong đó họ chọn những gì họ thích, nhận tiền từ Brussels, nhưng đồng thời đóng cửa biên giới”.

Nhưng có một vấn đề đáng lưu ý, các hạn chế hiện tại của EU sẽ hết hạn vào ngày 15/9 tới - một tháng trước khi Ba Lan tổ chức bầu chính phủ mới.

Với nông dân là thành phần cử tri quan trọng, chính phủ cánh hữu đương nhiệm ở Ba Lan đang kiên quyết không cho phép nhập khẩu ngũ cốc Ukraine vào lãnh thổ của mình. “Chúng tôi chắc chắn sẽ không cho phép điều đó xảy ra”, ông Telus nói.

Brussels đã không đưa ra lập trường về mối đe dọa từ Ba Lan, thay vào đó lựa chọn tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán kín giữa 5 quốc gia EU và Ukraine. Với sự phối hợp của Ủy ban châu Âu, Litva đã đề xuất chuyển xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua Ba Lan đến cảng Klaipėda ở Baltic và 4 cảng khác ở Estonia và Latvia.

Nhưng quãng đường vận chuyển dài ra đồng nghĩa với việc tăng thêm chi phí vận tải, khiến sản phẩm của Ukraine kém cạnh tranh hơn trên thị trường toàn cầu. Sau đó là các chi phí hậu cần để mở rộng đường sắt và năng lực lưu trữ, và không ai - nhất là Ba Lan - muốn thanh toán hóa đơn có thể lên tới hàng trăm triệu euro đó.

Vì vậy, Bộ trưởng Telus lưu ý rằng nếu Brussels hoặc các nước EU khác muốn trợ cấp cho việc vận chuyển ngũ cốc qua Ba Lan, thì họ được hoan nghênh làm như vậy. Ông nói: “Ủy ban châu Âu luôn có nguồn tài trợ cho rất nhiều thứ khác nhau, vì vậy họ cũng có thể tìm ra tiền để trợ cấp cho giao thông vận tải. Ba Lan là một bên ủng hộ mạnh mẽ việc giúp đỡ Ukraine - tôi không nghĩ có ai nghi ngờ điều đó. Nhưng sự hỗ trợ này nên được lan rộng ra khắp các nước, không chỉ Ba Lan và [các] quốc gia khác có chung biên giới với Ukraine".

Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/ba-lan-thuc-su-muon-gi-dang-sau-lenh-cam-ngu-coc-ukraine-a4196.html