Cuộc đảo chính Niger và bài toán của Trung Quốc

Cuộc đảo chính ở Niger tuần trước khiến Trung Quốc phải thêm đau đầu về những khoản tiền đầu tư vào vùng Sahel.

Cuộc đảo chính Niger và bài toán của Trung Quốc - Ảnh 1.

Người dân Niger ủng hộ đảo chính tập trung ở thủ đô Niamey, ngày 27/7. (Ảnh: AP)

Ngày 26/7, một nhóm sĩ quan bắt giữ Tổng thống Niger Mohamed Bazoum, với lý do là tình hình an ninh và kinh tế của đất nước ngày càng tồi tệ.

Trong 3 năm qua, đảo chính xảy ra ở Burkina Faso, Guinea, Mali, Chad và Sudan, những nơi Trung Quốc đều có lợi ích kinh tế đáng kể, nhất là trong lĩnh vực khai khoáng và lọc hóa dầu. Bắc Kinh cũng đang muốn mở rộng sáng kiến Vành đai Con đường đến khu vực này.

Ông Bazoum đắc cử tháng 3/2021, trong cuộc bầu cử hòa bình và dân chủ đầu tiên ở quốc gia này kể từ khi độc lập khỏi Pháp năm 1960.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh đang theo dõi sát sao tình hình ở Niger và kêu gọi các bên hành động vì lợi ích của đất nước và người dân, giải quyết khác biệt một cách hòa bình thông qua đối thoại.

Rahmane Idrissa, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu châu Phi, ĐH Leiden (Hà Lan), cho rằng quân đội Niger đang tranh thủ bầu không khí quốc tế ngày càng dễ dãi hơn với các cuộc đảo chính quân sự.

Idrissa cho rằng cuộc đảo chính này trở thành thảm họa cho quan hệ giữa Niger với Pháp, rộng hơn là với phương Tây.

Ông cho rằng lực lượng quân sự tư nhân Wagner “không phải một nhân tố” gây ra cuộc đảo chính, nhưng chắc chắn sẽ giúp họ tiến vào Tây Phi.

Cũng theo Idrissa, Trung Quốc hiện diện ở Niger như một đối tác kinh tế, để khai thác dầu ở phía đông quốc gia này. “Thỏa thuận sẽ không bị cuộc đảo chính tác động”, Idrissa nhận định.

Ông Bazoum là một đồng minh thân thiết của Pháp và các nước phương Tây khác, nhưng Bắc Kinh dọn đường vào Niger giống như với các quốc gia khác trong khu vực.

Tổng công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc và Tổng công ty năng lượng nguyên tử quốc gia Trung Quốc đã đầu tư tương ứng 4,6 tỷ USD và 480 triệu USD vào ngành công nghiệp khai thác dầu và urani ở Niger, theo số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc.

Ngành công nghiệp urani của Niger cung cấp khoảng 5% quặng urani cấp độ cao nhất cho thế giới.

Ngày 27/6 năm nay, ông Bazoum gặp một phái đoàn của Tổng công ty urani quốc gia Trung Quốc (CNUC) để bàn về các điều kiện mua lại Société des mines d’Azelik (Somina), nơi CNUC và nhà nước Niger là cổ đông lớn nhất.

CNUC gần đây triển khai nghiên cứu khả năng tái hoạt động ở vùng miền bắc Niger. Dự án này bị bỏ dở cách đây 9 năm do thị trường toàn cầu, giờ đang được cân nhắc khôi phục vì giá urani tăng.

Ngoài urani, loại hàng hóa mà Niger chủ yếu xuất khẩu sang Pháp , Canada và Hàn Quốc, quốc gia này còn xuất khẩu vàng và hạt dầu.

Đầu tháng này, Đại sứ Trung Quốc tại Niger Jiang Feng gặp ông Bazoum để nói về việc Trung Quốc sẽ xây dựng một khu công nghiệp ở thủ đô Niamey để phát triển các ngành thực phẩm nông nghiệp, khai khoáng và bất động sản.

Mohammed Soliman - Giám đốc Viện Trung Đông tại Washington, đánh giá rằng cuộc đảo chính ở Niger làm gia tăng bất ổn ở vùng Sahel.

“Việc Niger sở hữu nhiều mỏ urani và các tài nguyên giá trị khác, như vàng, làm gia tăng lo ngại về những tác động sâu rộng lên kinh tế toàn cầu”, Soliman nói.

Theo nhà nghiên cứu này, nếu tình hình ở vùng Sahel leo thang hơn nữa, các lợi ích và dự án đầu tư của Trung Quốc ở Niger và các nước xung quanh sẽ hứng hậu quả đáng kể.

Không chỉ thế, Soliman cho rằng bất ổn và xung đột kéo dài ở vùng Sahel sẽ ảnh hưởng đến những mục tiêu chiến lược và vai trò ngày càng lớn của Trung Quốc ở châu Phi, có thể khiến Bắc Kinh phải đánh giá lại về mức độ tham gia và hiện diện ở đó.

Theo SCMP

Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/cuoc-dao-chinh-niger-va-bai-toan-cua-trung-quoc-a4500.html