Cổ phiếu Vietcombank lên cao nhất lịch sử, vốn hóa thị trường đạt trên 530.000 tỷ đồng, lớn hơn cả BIDV và VietinBank cộng lại

Với diễn biến trên, Vietcombank tiếp tục củng cố vững chắc ngôi vị số 1 thị trường về giá trị vốn hóa, bỏ xa hai đơn vị đứng kế sau cũng thuộc nhóm ngân hàng là BIDV và VietinBank.

Cổ phiếu Vietcombank lên cao nhất lịch sử, vốn hóa thị trường đạt trên 530.000 tỷ đồng, lớn hơn cả BIDV và VietinBank cộng lại- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Trong phiên giao dịch chiều 28/2, cổ phiếu VCB của Vietcombank bất ngờ tăng mạnh lên giao dịch ở vùng giá cao nhất lịch sử 94.000 - 95.000 đồng/cp (giá đã điều chỉnh theo cổ tức) , vượt đỉnh cũ 93.400 đồng ghi nhận vào cuối tháng 7/2023.  Thậm chí có thời điểm cổ phiếu VCB tăng chạm trần, lên 97.400 đồng/cp.

Tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu này đã tăng tổng cộng khoảng 20%, giúp vốn hóa thị trường Vietcombank tăng lên mức kỷ lục trên 530.000 tỷ đồng.

Với diễn biến trên, Vietcombank tiếp tục củng cố vững chắc ngôi vị số 1 thị trường về giá trị vốn hóa, bỏ xa hai đơn vị đứng kế sau cũng thuộc nhóm ngân hàng là BIDV (303.000 tỷ) và VietinBank (194.000 tỷ).

Cổ phiếu Vietcombank lên cao nhất lịch sử, vốn hóa thị trường đạt trên 530.000 tỷ đồng, lớn hơn cả BIDV và VietinBank cộng lại- Ảnh 2.

Diễn biến cổ phiếu VCB trong 10 năm qua. (Nguồn: SSI)

Cổ phiếu Vietcombank bật tăng mạnh mẽ trong bối cảnh Hội đồng Quản trị (HĐQT) ngân hàng này vừa phê duyệt phương án phân phối lợi nhuận năm 2022 theo nguyên tắc phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước.

Theo đó, với lợi nhuận sau thuế riêng lẻ sau kiểm toán năm 2022 là 29.387 tỷ đồng, cộng với khoản điều chỉnh do thay đổi lợi nhuận năm trước hơn 3 tỷ đồng, lợi nhuận phân phối của năm 2022 của Vietcombank năm 2022 ở mức 29.390 tỷ đồng.

Sau khi trích lập quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ 5% (1.469,5 tỷ đồng), quỹ dự phòng tài chính 10% (2.939 tỷ đồng) và quỹ khen thưởng, phúc lợi (3.291,5 tỷ đồng và trừ khoản điều chỉnh giảm khác là 9,8 tỷ đồng, lợi nhuận còn lại của năm 2022 là 21.680 tỷ đồng.

Vietcombank dự kiến dùng toàn bộ khoản lợi nhuận trên để chia cổ tức bằng cổ phiếu. Phương án này sẽ cần được trình lên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để xin ý kiến.

Trước đó, phương án phân phối lợi nhuận này đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên Vietcombank năm 2023 thông qua.

Trong năm 2023, Vietcombank đã phát hành được 856,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 18,1%, nâng tổng vốn điều lệ của ngân hàng này từ 47.325 tỷ đồng lên 55.891 tỷ đồng, từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019 và 2020.

Ngoài đợt tăng vốn trên, tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, ông Phạm Quang Dũng, Nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank cho biết ngân hàng này đang triển khai 2 phương án tăng vốn khác.

Thứ nhất là tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận giữ lại năm 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 với mức tăng khoảng 27.000 tỷ đồng, tương đương vốn điều lệ tăng thêm là 58,4%. Như vậy vốn điều lệ mới dự kiến đạt khoảng 75.000 tỷ đồng. Chủ trương tăng vốn đã được Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính thống nhất và đang chuẩn bị các thủ tục để trình các cơ quan có thẩm quyền thông qua.

Phương án thứ hai là kế hoạch phát hành riêng lẻ 6,5% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, ngân hàng đang triển khai các bước theo thủ tục và đang dừng ở bước thuê tổ chức tư vấn tài chính. Dự kiến, Vietcombank sẽ chào bán riêng lẻ cho đối tác ngoại trong năm 2023-2024.

Mới đây, Vietcombank cũng đã thông báo 26/3 là ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền tham dự Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, tương ứng ngày giao dịch không hưởng quyền là 25/3. Theo đó, Đại hội đồng cổ đông năm nay sẽ được tổ chức vào ngày 26/4/2022 tại Trường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Vietcombank, KĐT Ecopark, xã Cửu Cao, huyện Văn Giang, Hưng Yên.

Cuộc họp nhằm thông qua các tờ trình như: Báo cáo Hội đông Quản trị, Ban Điều hành, Ban Kiểm soát về hoạt động kinh doanh năm 2023, định hướng năm 2024; Tờ trình về phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2022; Tờ trình về thông qua báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán và phương án phân phối lợi nhuận năm 2023; Thù lao HĐQT và Ban Kiểm soát,…

Về kết quả kinh doanh, Vietcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2023 đạt 41.244 tỷ đồng, tăng trưởng 10,4% so với năm 2022.

Với kết quả trên, Vietcombank tiếp tục bỏ xa các "ông lớn" khác như BIDV (27.650 tỷ đồng), MB (26.306 tỷ đồng), Agribank (25.400 tỷ đồng), VietinBank (25.100 tỷ đồng), đồng thời xác lập kỷ lục mới về lợi nhuận trong ngành ngân hàng.

Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản Vietcombank đạt hơn 1,839 triệu tỷ đồng, tăng 1,4% so với hồi đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng là trên 1,270 triệu tỷ đồng, tăng 10,9%. Huy động tiền gửi khách hàng tăng 12,2% lên gần 1,396 triệu tỷ đồng, với tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn ở mức 35,2%.

Nợ xấu nội bảng của Vietcombank tại thời điểm 31/12/2023 là 12.455 tỷ đồng, tăng 59,3% so với cuối năm 2022. Qua đó, kéo tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 0,68% lên 0,98%; đồng thời tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ 317% xuống còn 230%. Dù vậy, Vietcombank vẫn là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp hàng đầu hệ thống và tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất nhì ngành ngân hàng.

Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/co-phieu-vietcombank-len-cao-nhat-lich-su-von-hoa-thi-truong-dat-tren-530000-ty-dong-lon-hon-ca-bidv-va-vietinbank-cong-lai-a46062.html