Xuất khẩu lúa gạo: Không tranh thủ sẽ lỡ mất cơ hội

Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt, việc đẩy mạnh xuất khẩu lúa gạo, nắm bắt thời cơ tại thời điểm này sẽ không ảnh hưởng đến an ninh lương thực trong nước.

Chiều ngày 1/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức họp báo thường kỳ tháng 7/2023 chia sẻ về một số thông tin quan trọng của toàn ngành.

Tận dụng thời cơ

Tại sự kiện, trả lời câu hỏi của báo chí về tình hình sản xuất đẩy mạnh xuất khẩu lúa gạo trong bối cảnh hiện nay, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) thông tin, kế hoạch gieo cấy năm 2023 là 7,1 triệu ha với sản lượng dự kiến đạt trên 43 triệu tấn.

Theo như khảo sát của Cục Trồng trọt và một số đơn vị trong thời gian qua, đến thời điểm này có thể khẳng định sinh trưởng và phát triển của cây lúa đang rất tốt. Mục tiêu sản lượng trên 43 triệu tấn có thể đạt được nếu không có các yếu tố bất ngờ như thiên tai, dịch bệnh trên diện rộng.

Ông Cường nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu trên 43 triệu tấn lúa, về phía Cục Trồng trọt đang phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ NN&PTNT và các địa phương có kế hoạch gieo cấy, giải pháp kỹ thuật. Với các giải pháp canh tác lúa như hiện nay thì 3 tháng sẽ cho thu hoạch, bởi vậy vụ Đông-Xuân năm sau sẽ cho sản lượng khoảng 1,2 triệu tấn thóc. 

Xu hướng thị trường - Xuất khẩu lúa gạo: Không tranh thủ sẽ lỡ mất cơ hội

Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT).

Liên quan đến vấn đề đảm bảo an ninh lương thực, ông Cường nhận định: "Dự kiến năm nay Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 7,8 triệu tấn gạo. Việc đẩy mạnh xuất khẩu, nắm bắt thời cơ tại thời điểm này sẽ không ảnh hưởng đến an ninh lương thực trong nước".

Xoay quanh câu chuyện về tận dụng cơ hội xuất khẩu lúa gạo, ông Cường cho biết, hiện nay Cục Trồng trọt đã bố trí mở rộng diện tích sản xuất ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long từ 650.000ha lên 700.000ha vụ Thu-Đông tới đây.

Đồng thời, ông Cường cũng khẳng định: "Đây là thời cơ để xuất khẩu gạo, không tranh thủ sẽ lỡ mất cơ hội". Song song với đó, đại diện Cục Trồng trọt cũng thông tin, mới đây Bộ NN&PTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay. 

Một yếu tố cũng đặc biệt được ông Cường lưu tâm, gây ảnh hưởng đến quá trình sản xuất lúa gạo là điều kiện thời tiết, đặc biệt là hiện tượng El Nino được dự báo sẽ bắt đầu ảnh hưởng từ tháng 10 tới đây. Theo ông Cường, từ vụ đông xuân 2023-2024, hiện tượng này sẽ có những tác động mạnh mẽ đến sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL. 

Tuy nhiên, Cục trưởng Cục trồng trọt nhận định, so với các nước trồng lúa trên thế giới thì Việt Nam ít sẽ bị ảnh hưởng bởi El Nino nhưng chúng ta cũng không thể chủ quan.

Giá gạo cao kỷ lục

Sau lệnh cấm xuất khẩu gạo từ chính phủ Ấn Độ và Nga, giá lúa gạo tại Việt Nam tăng mạnh. Giá gạo 5% tấm của Việt Nam tăng lên 550 - 575 USD/tấn tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất kể từ năm 2011.

Theo thômg tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo mấy ngày nay tăng mạnh là do các đối tác nhập khẩu chủ động tìm đến doanh nghiệp Việt Nam hỏi mua với giá cao hơn 10 - 20 USD một tấn so với thời điểm trước khi Ấn Độ cấm xuất khẩu mặt hàng này.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá lúa thường tại ruộng tuần qua cao nhất là 6.950 đồng/kg, giá bình quân là 6.882 đồng/kg, tăng 186 đồng/kg. Giá lúa thường tại kho cũng tăng trung bình 225 đồng/kg, ở mức 8.258 đồng/kg; giá cao nhất là 8.450 đồng/kg.

Giá các mặt hàng gạo cũng có sự tăng khá mạnh. Theo đó, gạo 5% tấm có giá cao nhất 12.500 đồng/kg, giá bình quân 12.304 đồng/kg, tăng 754 đồng/kg. Gạo 15% tấm có giá cao nhất 12.300 đồng/kg, giá bình quân 12.050 đồng/kg, tăng 742 đồng/kg. Gạo 25% tấm có giá cao nhất 12.100 đồng/kg, giá bình quân 11.758 đồng/kg, tăng 692 đồng/kg. Đặc biệt, giá gạo xát trắng loại 1 tăng mạnh nhất 963 đồng/kg, giá trung bình là 12.500 đồng/kg.

Xu hướng thị trường - Xuất khẩu lúa gạo: Không tranh thủ sẽ lỡ mất cơ hội (Hình 2).

Giá lúa thường tại ruộng tuần qua cao nhất là 6.950 đồng/kg, giá bình quân là 6.882 đồng/kg, tăng 186 đồng/kg.

Tại một diễn biến khác, Nga và UAE đã thông báo ngừng bán gạo ra nước ngoài, chỉ một tuần sau lệnh cấm của Ấn Độ. Cụ thể, Chính phủ Nga hôm 29/7 thông báo tạm thời cấm xuất khẩu gạo thô và gạo đã qua chế biến đến cuối năm nay. Quyết định này được đưa ra nhằm duy trì sự ổn định trên thị trường nội địa.

Cùng ngày, UAE đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu và tái xuất khẩu gạo trong 4 tháng. Lệnh cấm có hiệu lực ngay lập tức và áp dụng cho tất cả các loại gạo. Các lệnh cấm trên có thể tiếp tục gây sức ép lên giá toàn cầu trong bối cảnh các nước lo ngại El Nino phá hủy mùa màng. Giá nhiều loại ngũ cốc lớn khác cũng đang tăng vọt do căng thẳng Nga - Ukraine.

Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/xuat-khau-lua-gao-khong-tranh-thu-se-lo-mat-co-hoi-a4658.html