Ý đồ chiến lược của Ukraine khi dồn dập phản công bằng UAV

Trước các cuộc tấn công liên tiếp bằng UAV vào lãnh thổ Nga, các chuyên gia đã nỗ lực lý giải ý đồ chiến lược của Ukraine.

Thời gian gần đây Ukraine được cho là liên tiếp tiến hành các vụ tấn công bằng máy bay không người vào lãnh thổ Nga, trong đó có nhiều địa điểm quan trọng như Điện Kremlin, căn cứ không quân chiến lược của Nga, tòa tháp ở Moscow – nơi có một số văn phòng chính phủ, nơi quản lý các tổ hợp công nghiệp-quân sự. Theo các nhà phân tích, mục tiêu của Kiev dường như rất rõ ràng, đó là những địa điểm liên kết với chiến dịch quân sự đặc biệt mà Nga đang tiến hành.

Ý đồ chiến lược của Ukraine khi dồn dập phản công bằng UAV - Ảnh 1.

Cơ quan an ninh điều tra một tòa nhà bị hư hại sau một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine vào Moscow (Nga), ngày 24/7. Ảnh: Reuters

Ukraine phản công bằng UAV

Trong bài phát biểu ngày 30/7, Tổng thống Ukraine cho biết: “Chiến tranh đang quay trở lại lãnh thổ Nga, trở lại các trung tâm biểu tượng và căn cứ quân sự của nước này. Đây là điều không thể tránh khỏi”. Tuyên bố này dường như là sự ngầm thừa nhận chiến dịch tấn công ngày càng gia tăng của Ukraine vào lãnh thổ Nga, đánh dấu một bước ngoặt lớn trong cuộc xung đột kéo dài suốt 18 tháng. Trước đó, Kiev chỉ im lặng hoặc đưa ra những tuyên bố mơ hồ trước công chúng về các cuộc tấn công như vậy.

Các nhà phân tích quân sự cho rằng, những cuộc tấn công của Ukraine không chỉ là sự đáp trả bằng hình thức mà còn là nỗ lực rộng lớn hơn nhằm làm giảm khả năng tiến hành các hoạt động quân sự của Điện Kremlin, đồng thời buộc các nhà hoạch định chính sách Nga đưa ra những quyết định khó khăn về cách thức triển khai nguồn lực.

Frederick B. Hodges, trung tướng đã nghỉ hưu và là cựu chỉ huy quân đội hàng đầu của Mỹ ở châu Âu cho rằng, cần phải nhìn nhận các cuộc tấn công vào Nga trong bối cảnh Ukraine phản công nhằm giành lại những vùng lãnh thổ Moscow kiểm soát ở phía Nam và phía Đông nước này.

“Nga có lợi thế về quân số với các đơn vị bộ binh và pháo binh lớn. Để làm giảm lợi thế này, Ukraine đang tìm cách tấn công các trụ sở, trung tâm chỉ huy hoặc tuyến hậu cần của Moscow. Việc nhắm vào những mục tiêu nằm sâu bên trong nước Nga sẽ khiến bộ chỉ huy cấp cao nước này coi phòng vệ lãnh thổ là vấn đề ưu tiên hàng đầu và do đó giảm hoạt động quân sự tại Ukraine”, ông Hodges nhận định.

Ý đồ chiến lược của Kiev

Theo nhà phân tích này, với một loạt cuộc tấn công bằng máy bay không người lái thời gian gần đây, Ukraine có thể đang tung hỏa mù, khiến Nga khó đoán ý định của họ cũng như khó xác định nơi nào họ cần bảo vệ tiếp theo. Hầu hết các mục tiêu mà Kiev lựa chọn đều liên quan đến khả năng quân sự và được Điện Kremlin coi là biểu tượng của nước Nga hiện đại, chẳng hạn như khu kinh doanh và tài chính ở thủ đô Moscow vốn là biểu tượng tiềm lực kinh tế của Nga.

Tuần trước, UAV đã tấn công tòa nhà có văn phòng của Bộ phát triển kỹ thuật số, Bộ Kinh tế và Bộ Phát triển Công nghiệp của Nga. Đây là các bộ chịu trách nhiệm quản lý khu liên hợp công nghiệp-quân sự của nước này. Một UAV khác đã nhắm vào khu dân cư ở trung tâm Moscow, nằm gần Trung tâm Quản lý Quốc phòng Quốc gia Nga, đóng vai trò là trụ sở quân sự chính của đất nước.

Gustav Gressel, một chuyên gia quân sự thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu cho rằng, việc tiến hành các cuộc tấn công bằng UAV vào những địa điểm quan trọng ở biên giới và bên trong lãnh thổ Nga dường như là “công cụ chiến tranh tâm lý”, buộc Moscow phải tăng cường an ninh trong nước và rút quân khỏi Ukraine. Nhưng vẫn chưa rõ chiến thuật này có giúp mang đến cơ hội phản công thành công cho Kiev hay không khi Nga đáp trả bằng một loạt cuộc không kích và pháo kích dữ dội hơn vào các căn cứ quan trọng của Kiev.

Mặc dù Ukraine không công bố chi tiết về cách thức tiến hành các cuộc tấn công hoặc về loại UAV mà nước này sử dụng nhưng cơ quan tình báo của Ukraine ngày 31/7 cảnh báo, Nga sẽ phải chứng kiến nhiều hơn những vụ việc như vậy.

Chính phủ Ukraine hiện đang kêu gọi sự đóng góp từ các tổ chức tư nhân để thực hiện chiến dịch đầy tham vọng nhằm mở rộng phi đội máy bay không người lái, trong đó có cả những UAV tầm xa có khả năng bay gần 1.000km. Kiev cũng tìm cách chế tạo các phương tiện không người lái hàng hải tinh vi có khả năng tấn công các tàu thuyền và cảng biển của Nga.

Ranh giới nhất định đối với Ukraine

Mặc dù Ukraine công khai tuyên bố nỗ lực đưa cuộc chiến tới lãnh thổ Nga, nhưng nước này vẫn giữ một ranh giới nhất định nhằm tránh làm sụt giảm sự ủng hộ của các đối tác phương Tây. Kiev từng nhiều lần tuyên bố không dùng vũ khí phương Tây tấn công lãnh thổ Nga. Mỹ và các nước châu Âu từ lâu đã lo ngại việc Ukraine có thể sử dụng vũ khí của họ để tấn công lãnh thổ Nga và đẩy cuộc xung đột lên một nấc leo thang mới, đây là lý do họ từ chối cung cấp các tên lửa tầm xa cho Kiev.

Hiện, phương Tây vẫn rất hạn chế trong việc bày tỏ lập trường liên quan đến những cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào lãnh thổ Nga. Đức cho biết luật pháp quốc tế cho phép Kiev tấn công lãnh thổ Nga để tự vệ song nhấn mạnh Berlin phản đối việc Kiev sử dụng vũ khí Đức cho hoạt động này. Mỹ - quốc gia dẫn đầu trong nỗ lực viện trợ Ukraine cũng đưa ra phản ứng tương tự.

Các quan chức ở Washington cho biết không có dấu hiệu nào cho thấy máy bay không người lái hoặc vũ khí do Mỹ sản xuất đã được sử dụng trong các cuộc tấn công ở Moscow. Theo Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby, Mỹ đã nói rất rõ ràng với Ukraine rằng Washington không ủng hộ các cuộc tấn công bên trong nước Nga.

Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/y-do-chien-luoc-cua-ukraine-khi-don-dap-phan-cong-bang-uav-a4668.html