Tàu phá băng Healy của lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ neo đậu ở Juneau, Alaska. Ảnh: WSJ
Theo tờ Wall Street Journal của Mỹ, khi tuần tra ở biển Bering vào mùa thu năm ngoái, tàu tuần duyên Kimball của Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ đã phát hiện 7 tàu của Nga và Trung Quốc đang di chuyển qua vùng biển lạnh giá gần quần đảo Aleutian của Alaska.
Thủy thủ đoàn của Kimball xác định con tàu chính của Trung Quốc là Nanchang, một trong những lớp tàu chiến mới có thể phóng hơn 100 tên lửa dẫn đường. Theo các quan chức quân sự và chuyên gia an ninh quốc gia Mỹ, các tàu Nga và Trung Quốc đang tập trận chung đã đi về phía Bắc và phía Đông vào vùng biển của Mỹ, gửi một thông điệp rõ ràng về giá trị chiến lược của khu vực đối với Moskva và Bắc Kinh.
Tàu chiến Nga và tàu nghiên cứu của Trung Quốc không phải là hiếm xuất hiện trong khu vực như gồm Aleutians, một chuỗi đảo núi lửa chiến lược phân chia Thái Bình Dương với Biển Bering và Bắc Băng Dương. Chúng là địa điểm giao tranh quyết liệt trong Thế chiến II. Một thành phố đảo nhỏ, Unalaska, nơi mang lại nguồn hải sản hơn bất kỳ cảng nào khác của Mỹ, có căn cứ của lực lượng bảo vệ bờ biển tại Cảng Hà Lan.
Từng là một vùng biển vắng và hầu như không thể đi qua, Bắc Cực ngày càng trở thành khu vực cạnh tranh và tranh chấp. Khi băng tan chảy và mật độ giao thông gia tăng ở rìa phía Nam của Bắc Băng Dương, các chính phủ đang tăng cường hành động, phản ánh sự cạnh tranh giữa các cường quốc.
Trong những tháng gần đây, các máy bay ném bom của Nga đã tăng cường tuần tra ở Bắc Cực và thăm dò xa hơn về phía Nam. Cơ quan tình báo Na Uy cho biết, với việc các lực lượng thông thường của Nga bị phân tán do cuộc xung đột ở Ukraine, vũ khí chiến lược của nước này đang có tầm quan trọng lớn hơn, trong số đó có các tàu ngầm hạt nhân của Hạm đội phương Bắc của Nga. Nhiều tàu thương mại và chính phủ mang cờ Nga đang hoạt động ở vùng biển Bắc Cực.
Trong khi các quan chức và nhà phân tích quân sự Mỹ không muốn Bắc Kinh tăng cường triển khai lực lượng quân sự ở Bắc Cực, họ cho biết Trung Quốc đang chia sẻ thông tin vệ tinh và tình báo điện tử từ khu vực với Moskva. Các nhà phân tích và sĩ quan quân đội Mỹ cho biết họ đang theo dõi các hoạt động của Nga và Trung Quốc thông qua vệ tinh, máy bay không người lái và tàu biển không người lái.
Để đáp lại, Mỹ đang tăng cường sự hiện diện của mình ở Bắc Cực bằng cách bổ sung thêm các tàu phá băng - những con tàu có vai trò quan trọng đối với sự hiện diện ở vùng biển băng giá. Nhưng hiện Mỹ chỉ có một tàu phá băng trong khu vực so với 30 tàu thuộc sở hữu của Nga.
Cuộc tập trận Nga - Trung vào mùa thu năm ngoái cũng đã kích hoạt “Chiến dịch Biên giới Sentinel”, kế hoạch của Đô đốc Moore nhằm phản ứng với các phương pháp tiếp cận bất ngờ của các tàu quân sự nước ngoài đối với Mỹ trong khu vực. “Chúng tôi đang nói với cả thế giới rằng, chúng tôi đang ở đây để tuần tra khu vực này”, Kenneth Boda, một sĩ quan chỉ huy của Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ, nói.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga cho biết các cuộc tập trận với Trung Quốc, bắt đầu ở Biển Nhật Bản, được thiết kế để cải thiện khả năng tương tác của các hạm đội và bảo vệ các tuyến đường biển phía Đông cũng như hoạt động kinh tế. Về phần mình, phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, Liu Pengyu, cho biết trong một tuyên bố: "Trung Quốc sẽ không và không có ý định sử dụng các vấn đề ở Bắc Cực để thúc đẩy lợi ích địa chính trị của mình”.
Thủy thủ đoàn của tàu Kimball quan sát từ xa tàu chiến Nga và Trung Quốc tập trận. Ảnh: WSJ
Mở rộng tuyến đường giao thương
Quan hệ đối tác an ninh Nga - Trung một phần được thúc đẩy bởi hoạt động thương mại trên tuyến đường thương mại giàu năng lượng. Nhiệt độ ấm hơn đang mở ra các tuyến vận chuyển mới giữa châu Á và châu Âu và cuối cùng có thể xuất hiện các tuyến vận chuyển hoàn toàn mới gần Bắc Cực. Theo một nghiên cứu hồi tháng 6 vừa qua trên tạp chí Nature Communications, ngay từ những năm 2030, Bắc Cực có thể gần như không còn băng vào tháng 9, tháng có lượng băng thấp nhất trong năm.
Các công ty vận chuyển đang nghiên cứu bờ biển phía Bắc của Nga như là tuyến đường ngắn nhất giữa các cảng biển của Đông Á và châu Âu, bỏ qua các đại dương phía Nam và kênh đào Suez. Hành trình của một tàu chở hàng từ Nhật Bản đến một cảng ở Hà Lan có thể được cắt giảm hơn một nửa, xuống còn dưới 10.000 km so với hơn 20.000 km hiện tại, bằng cách đi qua Bắc Băng Dương.
Tuyến đường biển phía Bắc, mà Nga khẳng định quyền điều chỉnh theo thỏa thuận Bắc Cực, cho phép các tàu chở khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) vận chuyển hàng hóa qua eo biển Bering. Tuyến đường chạy dọc theo biên giới biển giữa vùng biển của Nga và Mỹ ở phía tây Alaska.
Nhiều tàu trong khu vực đang vận chuyển khí đốt của Nga tới thị trường Trung Quốc. Năm ngoái, Nga và Trung Quốc đã sử dụng bộ ba tàu phá băng khổng lồ treo cờ Hồng Kông để vận chuyển LNG của Nga đến Trung Quốc và các thị trường khác, theo dữ liệu vận chuyển của AAC SpaceQuest. Hai nước đang tìm cách tăng gấp đôi lượng khí đốt của Nga xuất sang Trung Quốc.
Tuy nhiên, quan hệ đối tác Nga - Trung làm tăng thêm những thách thức mà quân đội Mỹ phải đối mặt khi nước này bước vào kỷ nguyên mới của sự cạnh tranh giữa các cường quốc. Trong nhiều thập kỷ, Mỹ đã tập trung vào việc chống lại các cuộc nổi dậy ở Trung Đông và Afghanistan, đồng thời gần đây đang nỗ lực điều chỉnh lại các lực lượng của mình để đối mặt với một loại xung đột tiềm tàng khác.
Khó khăn của Mỹ
Chính quyền Biden đã công bố chiến lược Bắc Cực mới vào tháng 10 năm ngoái, trong đó xác định Mỹ có lợi ích an ninh quốc gia trong khu vực. Nhưng sự hiện diện lớn hơn của Mỹ trong khu vực đang gặp khó khăn do thiếu tàu có thể vượt qua được các lớp băng.
Một tàu phá băng của Nga. Ảnh: WSJ
Để so sánh, Nga đã liên tục đầu tư vào những con tàu có thể phá được những khối băng khác nhau. Moskva đang tìm cách tăng cường hạm đội lớn của mình vào năm 2024 với ba tàu phá băng lớp “Dự án 23550” mới, được cho là sẽ được trang bị tên lửa hành trình Kalibr. Những tàu phá băng đó có thể di chuyển giữa một chuỗi các căn cứ quân sự mới mà Nga đã mở phía trên Vòng Bắc Cực. Các căn cứ cũng đã tiếp nhận một phi đội máy bay chiến đấu phản lực Su-34 của Nga để bay qua các tuyến đường thủy ở Bắc Cực.
Như vậy, Mỹ đang tụt hậu so với Nga về các tàu phá băng có thể phá vỡ lớp băng rắn dày hơn 1 m. Những con tàu khổng lồ này có thể mang thiết bị hạng nặng, nhiên liệu và nguồn cung cấp qua biển băng dày, bất cứ nơi nào từ trạm nghiên cứu ở Nam Cực đến Bắc Cực, đồng thời theo dõi truyền dẫn vô tuyến, vận chuyển và mang theo các trang thiết bị quân sự như máy bay trực thăng và thiết bị để ứng phó với tai nạn hoặc thảm họa môi trường.
Hiện tại, Mỹ không có tàu phá băng nào hoạt động thường xuyên ở Bắc Cực. Healy, một con tàu diesel khổng lồ 16.000 tấn, là con tàu dài nhất và lớn nhất của lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ, nhưng nó sẽ được tái trang bị vào mỗi mùa đông ở bang Washington hoặc California.
Trong khi đó, công việc bảo trì rất tốn kém đối với Healy. Được hạ thủy và đưa vào hoạt động vào những năm 1990, tàu Healy hầu như không được chuẩn bị cho đối đầu quân sự. Con tàu chứa đầy thiết bị khoa học hạng nặng và phòng thí nghiệm, nhưng nó không có súng/pháo trên boong để tự vệ. Tàu Healy có hệ thống thông tin liên lạc công nghệ cao và nhà chứa máy bay trực thăng được sử dụng trong quân sự, nhưng trọng tâm của nó là khoa học trái đất, đặc biệt là nghiên cứu địa hóa học và khí hậu.
Tàu phá băng khác của của Mỹ, Polar Star, mạnh hơn Healy nhưng đã hết thời gian sử dụng và được giao nhiệm vụ tiếp tế hàng năm cho các nhà khoa học ở Nam Cực.
Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/my-tut-hau-so-voi-nga-trong-cuoc-canh-tranh-o-bac-cuc-a4766.html