Thế khó mới của Thổ Nhĩ Kỳ trong cân bằng giữa Nga và Ukraine

Thổ Nhĩ Kỳ đang nỗ lưc để duy trì thế cân bằng giữa Nga và Ukraine khi cuộc khủng hoảng ngũ cốc ở Biển Đen kéo dài. Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ khó có thể đối đầu với Nga bằng cách ủng hộ các biện pháp thay thế để duy trì hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine mà không có sự tham gia của Moskva.

Thế khó mới của Thổ Nhĩ Kỳ trong cân bằng giữa Nga và Ukraine - Ảnh 1.

Thổ Nhĩ Kỳ khó có thể ủng hộ bất kỳ lựa chọn nào về xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine ở Biển Đen nếu không có Nga. Ảnh: AFP

Nhiệm vụ vận chuyển ngũ cốc mới của Ukraine đồng nghĩa với việc bỏ qua Nga đã đặt thành viên NATO là Thổ Nhĩ Kỳ vào thế khó. Không muốn đối đầu với Nga, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang “đau đầu” tìm cách thuyết phục Moskva quay trở lại thỏa thuận hành lang ngũ cốc và tránh leo thang hơn nữa ở Biển Đen.

Một loạt các biện pháp ngoại giao đã được tiến hành kể từ khi Nga rút khỏi Sáng kiến ngũ cốc ở Biển Đen, một thỏa thuận do Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, hơn 1 tuần trước, vốn cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng Biển Đen của nước này qua eo biển Thổ Nhĩ Kỳ trong năm qua. Sau khi rút lại các đảm bảo an toàn cho các tàu chở hàng một cách hiệu quả, Nga đã gây áp lực với tuyên bố rằng họ sẽ coi "tất cả các tàu qua khu vực này có khả năng vận chuyển hàng hóa quân sự ở Ukraine".

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ban đầu gợi ý rằng nước này, Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ có thể duy trì hành lang ngũ cốc mà không có Nga. Một cố vấn của ông Zelensky cho biết Ukraine cũng đang thúc đẩy một cuộc tuần tra quân sự do Liên hợp quốc ủy quyền sẽ bao gồm các quốc gia Biển Đen như Thổ Nhĩ Kỳ và Bulgaria.

Nhưng trong bình luận về những đề xuất như vậy vào ngày 19/7, một phát ngôn viên của Liên hợp quốc nói rằng “không ai có thể yêu cầu Tổng thư ký đưa ra các đảm bảo an ninh” trong vùng chiến sự. Tổng thống Zelensky đã thảo luận về hành lang ngũ cốc với ông Erdogan qua điện thoại hai ngày sau đó, nhưng rất ít sáng kiến được đưa ra từ cuộc điện đàm này.

Một đề xuất khác là cho các tàu chở hàng đi qua lãnh hải Romania, Bulgaria và Thổ Nhĩ Kỳ sau khi nhận ngũ cốc từ Ukraine. Tuy nhiên, việc tìm kiếm những con tàu sẵn sàng đi đến các cảng Ukraine và bảo hiểm cho chúng vẫn là một vấn đề nghiêm trọng do Nga đã đưa ra cảnh báo như đề cập ở trên.

Theo Mykola Gorbachov, người đứng đầu Hiệp hội Ngũ cốc Ukraine, Kiev đang lên kế hoạch thành lập một quỹ bảo đảm trị giá 500 triệu USD để bảo vệ các con tàu đó. “Nó sẽ hoạt động giống như bảo hiểm nhà nước. Ví dụ, nếu Nga tấn công, nhà nước sẽ trang trải mọi chi phí”, ông Gorbachov nói.

Hãng tin Reuters đưa tin nhiều công ty bảo hiểm hiện đã đình chỉ bảo hiểm cho các chuyến hàng từ Ukraine, lưu ý rằng phí bảo hiểm rủi ro chiến tranh bổ sung, được tính khi vào khu vực Biển Đen và cần được gia hạn 7 ngày một lần, đã tiêu tốn hàng nghìn USD và có thể tăng thêm.

Với tư cách là bên tiếp nhận chính về đề xuất tuyến đường thay thế, ông Erdogan khó có thể ủng hộ bất kỳ lựa chọn nào nếu không có Nga. Mặc dù một số động thái gần đây của Ankara đã khiến Tổng thống Nga Vladmir Putin khó chịu, nhưng ông Erdogan phải thực hiện hành động cân bằng trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không gây nguy hiểm cho các tàu hải quân của mình để hỗ trợ các tàu từ Ukraine và tập trung vào việc khôi phục hành lang ngũ cốc với sự tham gia của Nga, một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ thừa nhận với tờ Bloomberg. Tương tự, Đại sứ Ukraine tại Ankara cho biết Thổ Nhĩ Kỳ quan tâm đến việc tiếp tục thỏa thuận ngũ cốc, nhấn mạnh rằng họ có đòn bẩy đối với Nga.

Thế khó mới của Thổ Nhĩ Kỳ trong cân bằng giữa Nga và Ukraine - Ảnh 2.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan là nhà lãnh đạo duy nhất của NATO lập luận rằng việc xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của chính Nga vẫn bị cản trở. Ảnh: Reuters

Ổn định ở Biển Đen từ lâu đã là ưu tiên hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ và bất kỳ thỏa thuận mới nào cũng cần có Nga tham gia, vì vậy ông Erdogan có lẽ sẽ thử “mọi con đường dẫn đến Điện Kremlin”.

Do đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ là nhà lãnh đạo duy nhất của NATO lập luận rằng hầu hết xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine đến châu Âu chứ không phải các nước châu Phi nghèo và việc xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của chính Nga vẫn bị cản trở. Những luận điệu như vậy đã giúp ông duy trì đối thoại với Tổng thống Nga. Kể từ hội nghị thượng đỉnh NATO gần đây nhất ở Vilnius, ông Erdogan đã nhiều lần nói về việc đón tiếp nhà lãnh đạo Nga vào tháng 8, nhưng Moskva vẫn chưa xác nhận một chuyến thăm như vậy.

Nga đã liệt kê một số điều kiện để quay trở lại thỏa thuận, bao gồm dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu ngũ cốc và phân bón, cho phép ngân hàng cho vay nông nghiệp Rosselkhozbank của Nga kết nối lại với hệ thống thanh toán SWIFT, cho phép giao phụ tùng thay thế cho máy móc nông nghiệp, loại bỏ các trở ngại liên quan đến vận chuyển hàng hóa và bảo hiểm cũng như gỡ bỏ phong tỏa tất cả các tài sản của Nga liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp. Cuối cùng, Moskva nhấn mạnh rằng “thỏa thuận hành lang ngũ cốc nên phục hồi mục đích ban đầu là giúp đỡ các nước nghèo”.

Theo dữ liệu của Liên hợp quốc, trong số 32 triệu tấn ngũ cốc được bốc từ các cảng Odessa, Chornomorsk và Yuzhne của Ukraine, 14,3 triệu tấn đã được chuyển đến các nước giàu, bao gồm cả các thành viên EU, trong khi nhóm các nước nghèo nhất chỉ nhận được 822.000 tấn. Thị phần của châu Phi đứng ở mức 12%. Thổ Nhĩ Kỳ là người mua lớn thứ ba sau Trung Quốc và Tây Ban Nha.

Trong khi đó, ngũ cốc của Nga chiếm 65% lượng ngũ cốc nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ, vì vậy ông Erdogan khó có thể gây nguy hiểm cho nước này bằng cách đóng vai trò là người bảo vệ doanh số bán hàng của Ukraine.

Ngoài ra, sự “ổn định tương đối” ở Biển Đen trong năm qua phần lớn là do thỏa thuận ngũ cốc trên. Tuy nhiên, vào ngày thỏa thuận hết hạn, Ukraine đã tấn công cây cầu Kerch nối Crimea với Nga và Moskva đã đáp trả bằng cách ném bom các cảng Odessa và Chornomorsk.

Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/the-kho-moi-cua-tho-nhi-ky-trong-can-bang-giua-nga-va-ukraine-a4966.html