Các quốc gia thành viên nhóm BRICS (nhóm các nền kinh tế mới nổi) đã đưa ra ý kiến phản đối trong cuộc đàm phán chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh ở Johannesburg vào tháng này, nơi Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi sẽ thảo luận về khả năng mở rộng nhóm trong đó có Indonesia và Ả Rập Saudi.
Trung Quốc muốn nhanh chóng mở rộng nhóm
Hãng tin Bloomberg (Mỹ) dẫn lời các quan chức am hiểu về vấn đề cho biết, Ấn Độ và Brazil đang đẩy lùi nỗ lực của Trung Quốc nhằm nhanh chóng mở rộng nhóm các thị trường mới nổi BRICS để phát triển ảnh hưởng chính trị và đối trọng với Mỹ.
Các quan chức giấu tên cho hay, Trung Quốc đã nhiều lần vận động vấn đề mở rộng nhóm trong các cuộc họp chuẩn bị cho kì họp thượng đỉnh của BRICS.
Hàng chục quốc gia khác bày tỏ mong muốn tham gia BRICS, khiến phương Tây lo ngại rằng nhóm này đang trở thành đối trọng với Washington và Liên minh châu Âu (EU).
Brazil và Ấn Độ lo ngại
Theo Bloomberg, Brazil muốn tránh mở rộng nhóm một phần bởi những lo ngại về việc đối trọng với phương Tây. Trong khi đó, Ấn Độ lại muốn có các quy định nghiêm ngặt về cách thức và thời điểm các quốc gia có thể hợp tác với nhóm mà không trở thành thành viên chính thức.
Bất cứ quyết định nào về việc mở rộng cũng cần có sự đồng thuận giữa các thành viên. Nhóm sẽ họp vào ngày 22-24/8.
Các quan chức cho biết, Ấn Độ và Brazil muốn dùng hội nghị thượng đỉnh để thảo luận về khả năng đưa các quốc gia trở thành quan sát viên. Nam Phi ủng hộ ý tưởng này nhưng cũng không thể hiện thái độ phản đối việc mở rộng.
Họp thượng đỉnh nhóm BRICS
"Cuộc họp của các nhà lãnh đạo BRICS vào năm ngoái đã cho phép nhóm mở rộng thêm thành viên. Quyết định này là sự đồng thuận của cả 5 quốc gia thành viên," Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một phản hồi với Bloomberg.
Cuộc họp thượng đỉnh vào cuối tháng 8 nhằm mục đích giới thiệu các mục tiêu của khối. Nhóm đã thảo luận về khả năng thành lập một loại tiền tệ chung.
Hội nghị thượng đỉnh của nhóm BRICS diễn ra vào thời điểm căng thẳng kinh tế giữa Washington và Bắc Kinh leo thang và sau những lo lắng của Nam Phi về sự tham dự của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông Putin sẽ phải tham gia cuộc họp theo hình thức trực tuyến để Nam Phi không phải thi hành lệnh bắt giữ của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đối với ông.
Ngày 17-3, Tòa hình sự quốc tế (ICC) đã phát lệnh bắt Tổng thống Nga Vladimir Putin
Các thành viên BRICS từ chối tham gia cùng nhóm G7 trong việc trừng phạt Nga về chiến dịch quân sự của nước này ở Ukraine mặc dù Ngân hàng Phát triển Mới do BRICS khởi xướng đã đóng băng các dự án của Nga và Moscow không thể tiếp cận với đồng USD thông qua hệ thống ngoại tệ chung của khối.
Fyodor Lukyanov, người đứng đầu Hội đồng Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng, cơ quan cố vấn cho Điện Kremlin cho biết, Nga không có quan điểm rõ ràng về việc mở rộng BRICS: "Nhìn chung, (Nga) ủng hộ mở rộng BRICS nhưng không quá nhiệt tình. Moscow đang đi theo sự dẫn dắt của các thành viên khác và sẽ không cản trở bất kỳ quyết định nào."
Các thành viên BRICS hiện tại chiếm hơn 42% dân số thế giới và chiếm 23% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu.
"Quan sát viên" và "đối tác"
Hai quan chức Ấn Độ cho biết dự thảo các quy tắc để gia nhập nhóm đã được soạn thảo sau khi Ấn Độ phản đối việc Trung Quốc thúc đẩy việc mở rộng. Các hướng dẫn dự kiến sẽ được thảo luận và thông qua trong hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo vào tháng này.
Nguồn tin cũng chỉ ra, Ấn Độ đưa ra ý tưởng rằng BRICS nên tìm tới các nền kinh tế mới nổi cũng như các nền dân chủ như Argentina và Nigeria nếu họ muốn mở rộng nhóm thay vì chọn Ả Rập Saudi.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã thảo luận các vấn đề liên quan đến triển vọng Ả Rập Saudi gia nhập BRICS với Thái tử Mohammad bin Salman của vương quốc này vào tháng trước.
Việc gia nhập BRICS sẽ thúc đẩy nỗ lực của Thái tử Mohammed nhằm đa dạng hóa nền kinh tế - một nỗ lực đưa nước này xích lại gần Nga và Trung Quốc trong những năm gần đây. Trung Quốc là khách hàng dầu mỏ hàng đầu của vương quốc này trong khi Ả Rập cũng phụ thuộc vào mối quan hệ với Nga trong liên minh OPEC+.
Một quan chức Brazil cho biết, Brazil đang âm thầm tránh đối đầu trực tiếp trong khối BRICS và chống lại áp lực từ Trung Quốc biến nước này nhân tố thách thức G7. Quan chức này cũng cho biết thêm, Trung Quốc đã nhắc lại yêu cầu mở rộng khối tại tất cả các cuộc họp trước thượng đỉnh.
Đề xuất của Brazil là tạo ra các danh mục “quan sát viên” và “quốc gia đối tác”. Các quốc gia sẽ cần vượt qua các vai trò trên trước khi được xem xét thăng cấp thành thành viên, nguồn tin cho biết thêm rằng Brazil sẽ hỗ trợ Indonesia bắt đầu quá trình này.
Trước đó, Đại sứ Nam Phi Anil Sooklal - phụ trách mối quan hệ với BRICS hôm 20/7, phát biểu tại cuộc họp báo ở Johannesburg cho biết, có hơn 40 quốc gia bày tỏ quan tâm đến việc gia nhập BRICS, trong bối cảnh khối muốn mở rộng.
Cũng theo nhà ngoại giao này đã có 22 quốc gia chính thức nộp đơn xin gia nhập khối, trong khi hơn 20 nước khác đang thảo luận không chính thức về việc tham gia BRICS.
Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/hon-40-quoc-gia-muon-gia-nhap-brics-trung-quoc-nong-long-mo-rong-nhung-vap-tro-ngai-lon-a5141.html