Thái Lan đang yêu cầu nông dân nước mình giảm mùa vụ, một động thái có thể khiến trị trường gạo tiếp tục dậy sóng sau lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ.
Quốc gia này đang phải đối mặt với một đợt mưa thấp. Trong nỗ lực tiết kiệm nước cho sinh hoạt, Văn phòng Tài nguyên nước Quốc gia (ONWR) đã kêu gọi nông dân trong nước chuyển sang trồng các loại cây ít sử dụng nước và có thể thu hoạch nhanh chóng.
“Lượng mưa tích lũy ít hơn 40% so với bình thường, khiến nguy cơ thiếu nước tăng cao”, tổng thư ký của ONWR là Surasri Kidtimonton cho biết trong một tuyên bố do Cục Quản lý Nước Quốc gia Thái Lan đưa ra. Ông này cho hay ưu tiên của Thái Lan sẽ là nước sinh hoạt và “nước canh tách cho cây lâu năm”.
Cây lâu năm là loại cây trồng phát triển trở lại sau khi thu hoạch và không cần trồng lại hàng năm, khác với cây hàng năm. Lúa được xếp vào loại cây trồng hàng năm.
Đối với mỗi kg gạo thô được trồng cần trung bình 2.500 lít nước. Để so sánh, các loại cây trồng thay thế như kê cần 650 đến 1.200 lít nước cho cùng một lượng thu hoạch.
Tháng trước, Ấn Độ đã cấm xuất khẩu gạo trắng không basmati trong một động thái nhằm đảm bảo có đủ gạo cho thị trường nội địa.
Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, chiếm 40% thương mại gạo toàn cầu. Lệnh cấm xuất khẩu của nước này có thể ảnh hưởng đến hàng triệu người.
“Giá gạo toàn cầu có thể tăng hơn nữa trong trường hợp sản lượng gạo Thái Lan giảm so với cùng kỳ năm ngoái”, nhà phân tích cấp cao Oscar Tjakra của Rabobank nói với CNBC. Tuy nhiên, vẫn phải xem liệu nông dân Thái Lan có tuân theo chỉ thị hay không. “Nông dân Thái Lan có thể vẫn chọn trồng lúa do giá gạo xuất khẩu toàn cầu đang cao.
Giá gạo hiện đã dao động ở mức cao nhất trong một thập kỷ, một phần do nguồn cung thắt chặt hơn khi mặt hàng lương thực này trở thành lựa chọn thay thế hấp dẫn khi giá các loại ngũ cốc khác gia tăng.