Theo nhiều báo cáo và đánh giá của các chuyên gia, phòng tuyến kiên cố của Nga với các bãi mìn nhiều lớp, máy bay không người lái (UAV) và hệ thống tác chiến điện tử ở Ukraine đang gây bế tắc cho Ukraine ở tiền tuyến.
Chiến dịch phản công của Ukraine từ đầu tháng 6 tới nay nhằm giành lại các vùng lãnh thổ ở phía Đông và Nam đang gặp nhiều khó khăn, buộc Kiev phải tìm cách thay đổi chiến lược.
“Tôi không đánh giá thấp đối phương”, Tướng Oleksandr Tarnavskyi, người phụ trách cuộc phản công của Ukraine nói với BBC gần đây. Ông cho rằng, hệ thống phòng thủ của Nga đang khiến Ukraine gặp nhiều khó khăn khi tiến quân.
Xe tăng Leopard và xe thiết giáp Bradley bị phá hủy trong bãi mìn của Nga ở Zaporizhzhia. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga
Những bãi mìn nhiều lớp của Nga
Một trong những rào cản lớn nhất đối với bước tiến của Ukraine là Nga đã củng cố chiến tuyến dài gần 1.000 km bằng các bãi mìn, chiến hào và hàng “răng rồng” - những chướng ngại vật hình kim tự tháp nhọn bằng bê tông có thể chặn xe tăng và các phương tiện bọc thép khác.
Quân đội Ukraine gặp khó khăn đặc biệt trong việc đối phó với các bãi mìn nhiều lớp. Ngay cả các thiết bị rà phá bom mìn cũng bị mắc kẹt trong những bãi mìn như vậy. Do đó, Ukraine phải thay đổi chiến lược. Binh sỹ của họ phải bò trên mặt đất và rà phá bom mìn bằng tay.
Công sự kiên cố của Nga cũng đã buộc Ukraine phải bỏ lại một số xe tăng tiên tiến của phương Tây.
Maksym, một chỉ huy xe tăng Ukraine gần tiền tuyến cho biết, thường có hơn 4 hàng bãi mìn phía trước các tuyến phòng thủ của Nga.
David Lewis, một cộng tác viên cấp cao tại viện nghiên cứu RUSI (Anh), nói với Insider rằng các tuyến phòng thủ của Nga rất vững chắc nhờ việc rút quân có tính toán của họ khỏi thành phố Kherson vào tháng 11/2022.
“Quyết định đó đã được chứng minh là đúng về mặt chiến thuật theo quan điểm của Moscow vì nó cho phép các lực lượng Nga bảo vệ một tiền tuyến tương đối ổn định, sử dụng các công sự và tuyến phòng thủ rộng lớn - cùng với sự bảo vệ của sông Dnipro ở phía Tây. Những lợi thế tự nhiên của một lực lượng phòng thủ rất có lợi cho Nga”, ông Lewis nói với Insider.
Tướng nghỉ hưu của Australia, Mick Ryan cũng cho rằng các tuyến phòng thủ của Nga “phức tạp và nguy hiểm hơn nhiều so với các tuyến phòng thủ mà bất kỳ đội quân nào đã từng trải qua trong gần 80 năm qua”.
Nga đã thích nghi với vũ khí của Ukraine
Chiến lược phòng thủ của Nga không chỉ dựa vào việc củng cố tiền tuyến, các binh sĩ Nga đã thích nghi với chiến thuật của Ukraine sau khi mất các thành trì quan trọng do vũ khí tầm xa mà phương Tây cung cấp cho Kiev.
Theo một báo cáo gần đây của RUSI, Nga đã phản ứng bằng cách chuyển các địa điểm hậu cần và sở chỉ huy ra khỏi tầm bắn của tên lửa dẫn đường cũng như tên lửa Storm Shadow.
Moscow cũng thiết lập các hệ thống phòng không lớn cách mặt trận 10 km để có thể bắn hạ bất kỳ tên lửa hoặc UAV nào đang bay tới.
Nga tác chiến điện tử hiệu quả chống lại các lực lượng Ukraine, đặc biệt trong việc áp chế UAV, chuyên gia và nhà phát triển công nghệ UAV Steve Wright đánh giá.
“Nga có ưu thế trong tác chiến điện tử, họ gây nhiễu tín hiệu GPS, phát ra tiếng ồn có cùng tần số mà các vệ tinh GPS hoạt động để khiến UAV của Ukraine mất phương hướng”, ông Wright nói.
Theo RUSI, Ukraine mất khoảng 10.000 UAV mỗi tháng.
Nga có ưu thế trong tác chiến điện tử. Ảnh minh họa: KT
Các tài liệu rò rỉ của Lầu Năm Góc cũng tiết lộ, kỹ thuật gây nhiễu của Nga đang làm giảm độ chính xác của các loại vũ khí dẫn đường mà Mỹ cung cấp cho Ukraine, bao gồm tên lửa JDAM và HIMARS.
Các binh sĩ Nga cũng đã thành công phá vỡ liên lạc vô tuyến và hoạt động UAV của Ukraine.
Justin Bronk, một nhà nghiên cứu cấp cao của RUSI, nói với Newsweek rằng UAV Beaver của Ukraine dường như dễ bị các hệ thống phòng thủ điện tử của Nga áp chế.
Ông đề cập các báo cáo nói rằng 2 UAV tấn công Moscow hôm 30/7 đã đâm vào một tòa nhà văn phòng cao tầng. Đây không phải là mục tiêu nằm trong học thuyết quân sự của Ukraine. Theo ông, điều này cho thấy UAV có khả năng đã bị chuyển hướng khỏi các mục tiêu đã định.
“Mặc dù Ukraine đã có thể tiếp cận công nghệ tiên tiến hơn từ các đối tác phương Tây và đã thực hiện nhiều cách tiếp cận sáng tạo hơn trong cuộc xung đột hiện nay, nhưng Nga thường thích nghi khá nhanh với các mối đe dọa công nghệ mới hoặc chiến thuật mới của Ukraine, đảo ngược những lợi thế ngắn hạn của Ukraine”, chuyên gia Lewis nhận định.
Nguồn cung cấp vũ khí ổn định
Quan trọng nhất, Nga dường như không chậm lại trong việc sản xuất quốc phòng, giúp họ có nguồn cung cấp vũ khí ổn định.
“Nga đã tăng cường sản xuất công nghiệp quân sự đủ để duy trì nguồn cung cấp cho các lực lượng của mình và tiếp tục các cuộc tấn công bằng tên lửa, mặc dù các đơn vị Nga vẫn phàn nàn rằng họ bị thiếu nguồn cung cấp”, ông Lewis nói.
Ông Lewis nhận định, do hệ thống phòng thủ kiên cố của Nga, Ukraine chỉ đạt được những bước tiến nhỏ và cả hai bên gần như bế tắc.
“Kết quả là một sự cân bằng tương đối dọc theo chiến tuyến cho đến nay vẫn được giữ vững. Yếu tố quyết định là sự tiêu hao phía sau chiến tuyến của cả hai bên, đặc biệt là khả năng Ukraine tấn công các tuyến hậu cần và nguồn cung cấp ở hậu phương Nga”, ông nói thêm.
Hồi tháng 6, Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ thừa nhận rằng mặc dù quân đội Ukraine đã chuẩn bị tốt cho cuộc phản công, nhưng sẽ có “một cuộc chiến giằng co trong một khoảng thời gian đáng kể”.
Ông Jaroslava Barbieri, một chuyên gia về Nga và các quốc gia hậu Xô Viết tại Đại học Birmingham, nói với Insider rằng nếu Ukraine không đạt được những chiến thắng đáng kể trong cuộc phản công, phương Tây nhiều khả năng sẽ gây áp lực buộc Kiev phải đàm phán với Nga.
Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/yeu-to-giup-nga-giu-vung-phong-tuyen-truoc-cuoc-phan-cong-cua-ukraine-a5225.html