Tổn thất nặng nề, Ukraine từ bỏ lối đánh phương Tây: Quân đội Ukraine đang từ bỏ các chiến thuật được phương Tây đào tạo và quay lại chiến lược tấn công tầm xa nhằm vào các lực lượng của Nga, New York Times đưa tin ngày 2/8. Tuy nhiên, hiện chưa rõ liệu Kiev có đủ đạn dược để duy trì một kế hoạch như vậy hay không.
Binh lính Ukraine khai hỏa theo hướng Bakhmut. Ảnh: Getty
Phương Tây lo ngại chiến tranh hạt nhân nếu Ukraine phản công thành công: Nga đã đánh tiếng về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu chiến dịch phản công của Ukraine thành công. Phương Tây một lần nữa lo ngại nguy cơ chiến tranh hạt nhân khi Ukraine giành thêm một số lãnh thổ và đã xảy ra một số vụ tấn công bằng UAV vào lãnh thổ Nga.
Ukraine bổ sung thêm 150.000 quân để thâm nhập phòng tuyến Nga: Ukraine đã triển khai 150.000 binh lính để tăng cường phản công, Politico dẫn lời các quan chức Lầu Năm Góc cho hay. Mặc dù các lữ đoàn được phương Tây huấn luyện của Kiev đang cố xuyên thủng phòng tuyến Nga nhưng việc bổ sung lực lượng hầu như đạt được rất ít thành quả và được cho là đã khiến Washington thất vọng.
Nga khai hỏa dồn dập lựu pháo Giatsint-S tấn công vị trí của Ukraine: Bộ Quốc phòng Nga đã công bố một đoạn video cho thấy hoạt động của lựu pháo Giatsint-S trong chiến dịch quân sự ở Ukraine. Giatsint-S là lựu pháo tự hành của Nga sử dụng đạn pháo cỡ nòng 152mm. Nó được thiết kế để tấn công các hệ thống pháo của đối phương, phá hủy các cấu trúc phòng thủ, điểm kiểm soát, lực lượng, hỏa lực, vũ khí và các trang thiết bị quân sự.
Tổng thống Ukraine hy vọng tổ chức hội nghị thượng đỉnh hòa bình vào mùa thu này: Tổng thống Ukraine Zelensky hôm 2/8 bày tỏ hy vọng về một "hội nghị thượng đỉnh hòa bình" giúp chấm dứt xung đột tại Ukraine sẽ sớm được tổ chức vào mùa thu năm nay. Ông Zelensky cũng hy vọng, các cuộc đàm phán diễn ra trong tuần này tại Saudi Arabia sẽ là một bước đệm hướng tới mục tiêu đó.
Yếu tố giúp Nga giữ vững phòng tuyến trước cuộc phản công của Ukraine: Nga có thể giữ vững phòng tuyến trước cuộc phản công của Ukraine không chỉ nhờ các bãi mìn nhiều lớp, UAV và hệ thống tác chiến điện tử cực kỳ hiệu quả. Việc đảm bảo nguồn cung cấp vũ khí ổn định và thích nghi với lối đánh của Ukraine cũng đem lại cho Moscow nhiều lợi thế.
Nga tuyên bố phá hủy hệ thống phòng không IRIS-T ở Kherson: Các lực lượng Nga đã phá hủy một hệ thống phòng không IRIS-T do Đức sản xuất ở khu vực Kherson, giới chức Nga cho biết ngày 3/8.
IRIS-T do công ty Diehl Defence của Đức phát triển. IRIS-T có hai chế độ bắn: Khoá trước khi phóng và khóa sau khi phóng, cho phép đánh chặn hiệu quả mục tiêu tại mọi góc độ, trong nhiều điều kiện giao tranh. Phiên bản IRIS-T SLM cho phép bắn trúng mục tiêu trên không ở khoảng cách lên tới 40 km, còn với phiên bản IRIS-T SLS ngắn hơn, khoảng 25 km.
Lựu pháo phương Tây tạo ra “cơn ác mộng” hậu cần đối với Ukraine: Các hệ thống pháo được cho là vũ khí nguy hiểm và hiệu quả của Ukraine nhằm đối phó với các cuộc tấn công của Nga. Đây là lý do khiến quân đội Ukraine nỗ lực tích hợp hàng chục loại đạn pháo của phương Tây vào kho vũ khí có từ thời Liên Xô của họ. Nhưng chúng lại đang tạo ra cơn ác mộng về hậu cần đối với nước này.
Nga bắn hạ 6 máy bay không người lái ở vùng Kaluga: Bộ Quốc phòng Nga hôm 3/8 cho biết lực lượng phòng không nước này ngăn chặn âm mưu tấn công khủng bố của Ukraine ở vùng Kaluga, phá hủy 6 máy bay không người lái.
"Qua đêm, nỗ lực của chính quyền Ukraine nhằm tiến hành một cuộc tấn công khủng bố bằng máy bay không người lái đã bị ngăn chặn ở vùng Kaluga. Lực lượng phòng không Nga phá hủy 6 máy bay không người lái", Bộ Quốc phòng Nga cho hay. Theo Bộ Quốc phòng Nga, không có thương vong hay thiệt hại do vụ tấn công từ các máy bay không người lái.
Đại sứ Nga nói Mỹ tìm cách lấy dữ liệu về kho vũ khí chiến lược của Nga: Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho rằng Washington đang tìm cách thu thập thông tin về kho vũ khí chiến lược của Nga.
"Washington từ lâu đã vi phạm nội dung và tinh thần của thỏa thuận. Họ không chỉ từ bỏ các nguyên tắc được nêu trong lời nói đầu của New START mà còn vi phạm các giới hạn trọng tâm của hiệp ước hạn chế số lượng vũ khí chiến lược. Mỹ từ chối trách nhiệm theo hiệp ước. Yêu cầu nhiều lần của Nga để giải quyết vấn đề đã bị phớt lờ", Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho biết.
Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/dien-bien-chinh-tinh-hinh-chien-su-nga-ukraine-ngay-38-a5299.html