Theo Guardian, ông Josep Borrell đã viết thư cho các bộ trưởng G20 kêu gọi họ giúp Brussels thuyết phục Tổng thống Nga mở lại con đường xuất khẩu ngũ cốc chính của Ukraine sang các nước ở Châu Phi và Trung Đông.
Trong bức thư, cao uỷ phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU cảnh báo rằng quyết định của Nga khi rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc biển Đen (BSGI) vào tháng trước đang gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ em và công dân ở các quốc gia bị chiến tranh tàn phá cũng như các khu vực xung đột.
Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng về vấn đề này “với một tiếng nói rõ ràng và thống nhất”, đồng thời nói rằng: “Thế giới có lợi ích và trách nhiệm chung đối với an ninh lương thực toàn cầu. Chúng tôi mắc nợ những người cần nguồn lương thực này nhất”.
Đại diện Ngoại giao và An ninh Cấp cao Liên minh châu Âu Josep Borrell. Ảnh: EU Neighbour
BSGI là sáng kiến đóng vai trò nhằm giảm bớt cuộc khủng hoảng lương thực do Nga phong tỏa các cảng của Ukraine. Sáng kiến đã được Nga và Ukraine ký kết hồi tháng 7/2022, với vai trò trung gian hòa giải của Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi ký kết, nó đã giúp đưa ngũ cốc Ukraine trở lại thị trường và giảm mức giá ngũ cốc cao kỷ lục do cuộc xung đột gây ra.
“Với việc chấm dứt BSGI, tất cả những điều này hiện đang gặp rủi ro”, ông Borrell viết trong thư, đồng thời cho biết thêm rằng Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc (WFP) giờ đây sẽ phải tìm nguồn ngũ cốc ở nơi khác với giá cao hơn và thời gian giao hàng lâu hơn.
Bức thư dài hai trang của ông Josep Borrell đã được gửi tới các bộ trưởng ngoại giao của các nước G20. EU hy vọng bức thư có thể tận dụng ảnh hưởng của những quốc gia đang duy trì các kênh liên lạc với điện Kremlin - bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ - để cố gắng thuyết phục Tổng thống Putin quay lại đàm phán.
“Nếu cộng đồng quốc tế có tiếng nói rõ ràng và thống nhất, Nga có thể sẽ xem xét lại và tiếp tục tham gia vào sáng kiến quan trọng này. Do đó, tôi muốn nhờ các bạn hỗ trợ trong việc thúc giục Nga quay trở lại đàm phán, cũng như kiềm chế không nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng nông nghiệp của Ukraine”, ông nói thêm.
Nga rút khỏi thoả thuận ngũ cốc với lý do các nước phương Tây đã phớt lờ các yêu cầu của Moskva nhằm đảm bảo xuất khẩu thực phẩm và phân bón của nước này. Việc Nga rút khỏi BSGI đã trở thành vấn đề trọng tâm trong cuộc tranh luận của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu do xung đột, dưới sự chủ trì của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.
Phó Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc, ông Dmitry Polyanskiy, lặp lại tuyên bố của Moskva rằng chỉ 3% xuất khẩu của BSGI đến được với “các quốc gia có nhu cầu”. Ông Polyanskiy cũng tuyên bố rằng một thỏa thuận song song nhằm tạo thuận lợi cho xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga đã không được tôn trọng, mặc dù xuất khẩu ngũ cốc của Nga đã tăng đáng kể trong năm qua.
“Nếu tất cả các vấn đề mà chúng tôi công khai nêu ra được loại bỏ, chúng tôi sẽ sẵn sàng một lần nữa tham gia vào sáng kiến biển Đen”, ông nói, đồng thời cam kết rằng Nga sẽ cung cấp từ 25.000 đến 50.000 tấn ngũ cốc miễn phí phí cho sáu quốc gia châu Phi.
Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc Barbara Woodward cho biết các khoản đóng góp của Nga sẽ “không làm giảm giá ngũ cốc cũng như không giúp đỡ được những người đang phải đối mặt với nạn đói ở các quốc gia khác”.
Người đứng đầu viện trợ của Liên Hợp Quốc nói với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 21/7 rằng giá ngũ cốc tăng đột biến kể từ khi Nga rút khỏi thỏa thuận "có khả năng xảy ra nạn đói đối với hàng triệu người".
Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/eu-keu-goi-g20-gay-ap-luc-de-nga-quay-tro-lai-thoa-thuan-ngu-coc-a5464.html