Mỹ, châu Âu để mắt "kho báu" khổng lồ ở châu Á: Vị trí hết sức đặc biệt, Trung Quốc mặc sức hưởng lợi

Tờ Politico nhận xét, người dân du mục Mông Cổ đang giẫm lên một "kho báu" khoáng sản khổng lồ và chúng chưa được khám phá hết.

Mỹ, châu Âu để mắt kho báu khổng lồ ở châu Á: Vị trí hết sức đặc biệt, Trung Quốc mặc sức hưởng lợi - Ảnh 1.

Trữ lượng khoáng sản khổng lồ

Cơ quan Năng lượng Quốc tế ước tính, nhu cầu về khoáng sản quan trọng sẽ tăng trong hai thập kỷ tới nếu năng lượng tái tạo kịp thời đáp ứng các mục tiêu của thỏa thuận khí hậu Paris.

Đối với lithium, nhu cầu dự kiến ​​sẽ tăng gấp 40 lần, tiếp theo là than chì và coban, tất cả đều cần thiết để sản xuất ô tô điện. Nhu cầu về đồng, được sử dụng trong công nghệ năng lượng mặt trời và gió, có thể tăng hơn 40%.

" Trong vòng một thập kỷ, sự thiếu hụt các khoáng chất quan trọng như lithium, than chì và đồng sẽ làm tăng giá và làm chậm quá trình phát triển công nghệ năng lượng sạch ", ông Jose Fernandez, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao phụ trách tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường Mỹ chia sẻ tại một sự kiện do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tổ chức gần đây.

Trước khả năng khan hiếm nguyên liệu, nước Mỹ đã "để ý" tới một số quốc gia giàu tài nguyên để đảm bảo nguồn nguyên liệu thô, bao gồm Mông Cổ.

Theo Bộ Kinh tế và Phát triển Mông Cổ, nước này sở hữu một trong những nguồn tài nguyên khoáng sản hàng đầu thế giới với 1.170 mỏ gồm hơn 8.000 điểm quặng, 80 loại khoáng sản.

Mỹ, châu Âu để mắt kho báu khổng lồ ở châu Á: Vị trí hết sức đặc biệt, Trung Quốc mặc sức hưởng lợi - Ảnh 2.

Mông Cổ sở hữu trữ lượng khoáng sản khổng lồ. Ảnh: Reuters

Riêng về đồng và đất hiếm, Văn phòng Địa chất Quốc gia Mông Cổ cho biết, nước này sở hữu 61,4 triệu tấn đồng và 3,1 triệu tấn đất hiếm tính đến tháng 7/2022.

Mông Cổ hiện đang xuất khẩu hơn 14 loại khoáng sản và Trung Quốc là nhà nhập khẩu lớn nhất.

Mông Cổ cũng vượt qua Australia và Nga trở thành nước xuất khẩu than cốc lớn nhất sang Trung Quốc, đạt 44% tính đến tháng 7/2019.

Theo Sáng kiến ​​minh bạch ngành công nghiệp khai khoáng, khai khoáng chiếm khoảng 1/4 GDP của Mông Cổ và gần 90% doanh thu xuất khẩu.

Hợp tác đa dạng

Tờ Politico nhận xét, người dân du mục Mông Cổ đang giẫm lên một "kho báu" khoáng sản khổng lồ và chúng chưa được khám phá hết.

Sản lượng khai thác của Mông Cổ chủ yếu xoay quanh đồng, vàng, than đá và sắt, chiếm 26% thu ngân sách năm 2020.

Mặc dù đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực khai thác mỏ của Mông Cổ là đáng kể nhưng nước này không phải là nhà đầu tư duy nhất. Mông Cổ đã và đang tìm cách đa dạng hóa các nguồn đầu tư để giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Trong chuyến thăm Washington hôm 1/8, Thủ tướng Oyun-Erdene Luvsannamsrai cho biết, Mông Cổ sẽ tăng cường hợp tác với Washington để khai thác đất hiếm và đồng.

Pháp được cho là đã đạt được thỏa thuận khai thác khoáng sản, bao gồm cả uranium, từ Mông Cổ trong chuyến thăm vào tháng 5 của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz chào đón Thủ tướng Mông Cổ Oyun-Erdene Luvsannamsrai tới Berlin vào hồi tháng 10 năm ngoái, ông cho biết Đức cũng đang xác định các dự án đầu tư liên quan đến khai thác mỏ ở Mông Cổ.

Chính hạn chế địa lý, nằm "kẹp giữa" Nga và Trung Quốc, khiến Mông Cổ gặp nhiều khó khăn trong hoạt động xuất khẩu khoáng sản.

Thậm chí, Amar Adiya, cựu quan chức ngoại giao Mông Cổ từng ví von với Mongolia Weekly rằng: "Nếu người Trung Quốc nói, 'Chúng tôi sẽ ngừng mua than và đồng của anh,' thì nền kinh tế Mông Cổ sẽ dừng lại".

Các chuyên gia cho biết, trong tương lai, một số khoáng chất có thể được vận chuyển bằng máy bay sang các nước đối tác.

Một số khoáng sản có thể được chuyển đến Hàn Quốc, nơi chúng có thể được xử lý và xuất khẩu sang Mỹ và nhiều nước khác.

Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/my-chau-au-de-mat-kho-bau-khong-lo-o-chau-a-vi-tri-het-suc-dac-biet-trung-quoc-mac-suc-huong-loi-a5585.html