Lời chúc của ông Putin được đưa ra sau khi Uzbekistan ký thỏa thuận khí đốt hai năm với Gazprom của Nga hồi tháng 6.
Thị trường mới
Trong khi cuộc khủng hoảng Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Điện Kremlin đang tìm đến Trung Á để tìm thị trường mới cho việc xuất khẩu khí đốt và giảm thiểu tác động từ các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Theo thoả thuận được kí kết, Bộ Năng lượng Uzbekistan cho biết gã khổng lồ năng lượng của Nga Gazprom sẽ cung cấp 2,8 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm kể từ ngày 1/10.
Khí đốt sẽ được cung cấp với công suất 50 tỷ mét khối một năm đi qua Kazakhstan. Gazprom đã ký hợp đồng vận chuyển với công ty khí đốt nhà nước Kazakhstan QazaqGaz cùng ngày, để đảm bảo quá trình vận chuyển dòng khí trên khắp Uzbekistan.
Trong khi đó, công ty Nga đang thảo luận về một thỏa thuận cung cấp khí đốt tương tự với Kazakhstan.
Động thái gây ngạc nhiên của Nga
Động thái này được đưa ra sau những nỗ lực ngoại giao giữa Nga và Trung Á trong bối cảnh Nga đang thay đổi chính sách xoay trục sang châu Á sau các lệnh trừng phạt của EU.
Khi doanh thu của phương Tây từ nguồn cung cấp khí đốt của Nga giảm đáng kể sau các lệnh trừng phạt của phương Tây, Moscow đã nhắm đến việc tận dụng các cơ hội đang gia tăng trong lĩnh vực năng lượng đang chững lại của Kazakhstan và Uzbekistan.
Điều này có thể gây ngạc nhiên vì cả Kazakhstan và Uzbekistan đều là những quốc gia có nguồn dự trữ khí đốt dồi dào. Kazakhstan có hơn 3 nghìn tỷ mét khối trữ lượng, trong khi Uzbekistan sở hữu 1,8 nghìn tỷ mét khối.
Tuy nhiên, cả hai đều có cơ sở hạ tầng kém phát triển và không thể khai thác đầy đủ nguồn tài nguyên hiện có, điều này đã tạo ra một khoảng trống đáng kể và tạo cơ hội cho dòng khí đốt của Nga.
Điển hình là trong những tháng mùa đông năm ngoái, phần lớn Uzbekistan bị thiếu khí đốt. Đây cũng là lý do chính khiến Uzbekistan ngừng xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc vào năm 2022.
Tương tự, Kazakhstan cũng buộc phải dừng xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc vào cuối năm 2022 trong bối cảnh nhu cầu nội địa tăng cao.
Thỏa thuận với Uzbekistan là một chiến thắng cho Nga khi nước này tìm kiếm thị trường mới sau khi gần như bị ngừng hoạt động kinh doanh béo bở ở châu Âu, sau khi khởi xướng chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2 năm 2022.
Tuy nhiên, 2,8 tỷ mét khối vẫn chỉ là "giọt nước trong đại dương" so với 155 tỷ mét được xuất khẩu sang các nước thuộc Liên minh Châu Âu vào năm 2021.