Mới đây, nội dung huấn luyện của một trại hè ở Thành Đô (Trung Quốc) đã khiến cư dân mạng bàn tán sôi nổi. Trong video, nhiều đứa trẻ đang xếp hàng lần lượt bước về phía trước. Một trong những cậu bé rụt rè đứng đối mặt với người hướng dẫn.
Trước yêu cầu nghiêm khắc của giáo viên, cậu bé đã cất cao giọng và hét lên ước mơ của mình. Nhưng vừa dứt lời, liền bị một chậu nước lạnh dội lên người. Ngay lập tức, cậu bé ướt sũng và loạng choạng lùi lại. Khuôn mặt đầy bất bình, em không thể kìm được nước mắt.
Đừng hiểu sai ý nghĩa thực sự của việc giáo dục sự thất vọng
Trước sự bất bình của phụ huynh và cư dân mạng, nhân viên của trại hè giải thích rằng đây là một trong những cách huấn luyện chống lại sự thất vọng, mục đích là để các em sẽ dũng cảm đối mặt với những thất bại sau này.
Không thể phủ nhận rằng tầm quan trọng của việc giáo dục cho trẻ chỉ số vượt khó. Tuy nhiên, hành vi "dội gáo nước lạnh" không có ý nghĩa giáo dục nào ngoài việc gây tổn hại về thể chất và tinh thần cho trẻ.
Trên thực tế, chúng ta đôi khi hiểu sai ý nghĩa thực sự của việc giáo dục sự thất vọng. Nhiều người nhận định, trẻ em ngày nay dễ bị tổn thương chính là do cuộc sống quá suôn sẻ và thiếu kinh nghiệm vượt khó. Do đó, chỉ bằng cách tạo ra những thất bại, trẻ mới có thể trở nên can đảm hơn. Vì vậy, họ đánh đồng giáo dục thụt lùi với việc cố tình làm cho trẻ đau khổ.
Trong chương trình tạp kỹ của Trung Quốc, có nhân vật nọ là một "bà mẹ hổ" điển hình - người tin vào quan niệm "con cái không nên quá nuông chiều", và kiên quyết cho con rèn luyện nhiều hơn.
Một lần, để rèn luyện ý chí của con gái 12 tuổi, người mẹ đã nhờ em trai mình đưa con đến sa mạc trong 3 ngày 2 đêm với lòng tin rằng những trải nghiệm như vậy có thể nâng cao khả năng chống lại thất vọng.
Nhưng cô con gái Sizhu đã khóc trong chương trình, nói rằng trải nghiệm đó mang lại cho cô nỗi đau: "Từ nay về sau, khi gặp phải khó khăn, con sẽ không bao giờ bởi vì ba ngày hai đêm kia mà trở nên mạnh mẽ hơn, con sẽ chỉ nhớ mẹ đã hành hạ con như thế nào".
Trên thực tế, kiểu bắt trẻ khó khăn hay đau khổ một cách giả tạo này hoàn toàn không phải là sự giáo dục thất vọng. Dù bị "dội gáo nước lạnh" về thể chất hay tinh thần, những thất bại này chắc chắn sẽ không thể nuôi dưỡng những đứa trẻ có trái tim mạnh mẽ.
Tình yêu và sự chấp nhận của cha mẹ là cốt lõi của giáo dục thất vọng
Từng có một câu chuyện cảm động được một cư dân mạng chia sẻ: Khi lên năm hoặc sáu tuổi, anh ta từng hỏi mẹ một câu: "Kho báu của con là viên bi nhiều màu này. Còn mẹ thì sao?". Khi đó, mẹ anh dịu dàng đáp lại: "Bảo bối của mẹ, chính là con".
Hơn 20 năm đã trôi qua, mẹ đã qua đời từ lâu nhưng những lời nói này đã trở thành chiếc phao vực dậy tinh thần của người con trong cuộc sống. Mỗi khi bị phản bội, tổn thương, thất vọng và muốn từ bỏ chính mình, anh lại tự nhủ: "Chết làm sao được, con là bảo bối của mẹ mà".
Chính tình thương của mẹ đã truyền cho anh nguồn nghị lực bền bỉ, giúp anh vượt qua hết nghịch cảnh này đến nghịch cảnh khác.
Hóa ra đối với trẻ em, việc học được khả năng chống thất vọng không có nghĩa là càng trải qua nhiều thất bại thì càng tốt. Sự thật là, chỉ có tự tin, trẻ mới dám vượt qua thất bại, bình tĩnh đối mặt với giông tố cuộc đời.
Chính tình yêu thương, sự ủng hộ và lòng bao dung của cha mẹ đã giúp đứa trẻ khoác lên mình bộ áo giáp bất khả chiến bại. Đây là ý nghĩa thực sự của giáo dục thất vọng.
Nghiên cứu của các nhà tâm lý học cũng đã chứng minh luận điểm này.
Một nghiên cứu theo dõi trong 32 năm cho thấy hầu hết những người có thể chiến đấu chống lại nghịch cảnh và sống một cuộc sống tốt đẹp đều có một điểm chung - ít nhất một người chăm sóc gần gũi với họ thời thơ ấu đã khiến họ cảm thấy rằng mình được chấp nhận và quan tâm vô điều kiện.
Như một chuyên gia giáo dục, đã nói: "Khả năng chịu đựng thất bại của một đứa trẻ không phụ thuộc vào việc nó đã trải qua bao nhiêu đau khổ, mà phụ thuộc vào tình yêu và vẻ đẹp mà trẻ cất giữ trong tim". Chỉ với sự hướng dẫn yêu thương, một đứa trẻ mới có thể có một trái tim mạnh mẽ.
Để rèn luyện tính kiên cường cho trẻ, cha mẹ thông thái hãy làm điều này
1. Dạy trẻ cách nhìn khác
Cùng một sự việc nhưng được nhìn nhận và phân tích ở những góc độ khác nhau sẽ tạo ra những hiệu quả hoàn toàn khác nhau. Hãy dạy trẻ đối mặt với khó khăn bằng một thái độ lạc quan hơn, trẻ sẽ thấy những cái gọi là "khó khăn" đó không hề khủng khiếp như trong tưởng tượng.
2. Cho trẻ hình thành thói quen vận động
Vai trò của giáo dục thể chất không chỉ là rèn luyện thân thể, nâng cao vóc dáng cho học sinh mà quan trọng hơn là rèn luyện ý chí, tinh thần của con người.
Một nhà văn trẻ đã tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn rằng trong sự nghiệp viết lách của mình, cô đã từng phải chịu áp lực rất lớn, ngày nào cũng thức khuya và rơi vào trạng thái lo lắng, trầm cảm trong một thời gian dài. Mãi cho đến khi cô bắt đầu leo núi, mọi thứ mới bắt đầu được cải thiện. Cô đột nhiên phát hiện ra: "Hóa ra sự lo lắng về tinh thần thực sự có thể được giải tỏa thông qua tập thể dục."
Một nghiên cứu của Đại học Pennsylvania ở Hoa Kỳ cũng cho thấy thể thao có thể trau dồi tính cách của trẻ em và trang bị cho chúng những đặc điểm như tính kỷ luật cao, khả năng điều hành mạnh mẽ, mục tiêu rõ ràng, tinh thần lạc quan và trách nhiệm cũng như không bao giờ dễ dàng bỏ cuộc.