Cần bỏ quy định về thời hạn trong giao dịch mua bán nhà ở

Bất cập trong quản lý, vận hành, sử dụng, cải tạo nhà chung cư; công nhận quyền sở hữu nhà ở xã hội - Đây là nội dung đáng chú ý được đưa ra góp ý tại Hội thảo góp ý về Dự thảo Luật nhà ở (Sửa đổi) do Ủy ban Pháp Luật Quốc hội tổ chức sáng nay (8/8) tại thành phố Đà Nẵng.

Đề cập vấn đề liên quan đến công tác vận hành, quản lý và cải tạo xây dựng lại nhà ở chung cư, ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sài Gòn Triển vọng cho rằng, sử dụng nhà chung cư là xu hướng tất yếu của phát triển xã hội. Hiện nay, mô hình quản trị nhà chung cư còn nhiều bất cập, vấn đề nóng hiện nay là sử dụng nhà ở xã hội sau đầu tư. Trên thực tế ở nước ta, xung đột giữa cư dân sử dụng chung cư với Ban Quản trị các chung cư đang ngày càng nhiều và phức tạp hơn. Tình trạng Ban Quản trị có dấu hiệu lạm quyền và trục lợi quỹ bảo trì, gây mâu thuẫn lợi ích giữa cư dân với Ban quản trị và chủ đầu tư.

“Nếu thiếu một chế tài và hành lang pháp lý thì rõ ràng xảy ra nhiều hệ lụy, tranh chấp giữa người dân, Ban quản trị và chủ đầu tư và giữa các chủ thể với nhau. Từ đó, nảy sinh ra nhóm chống đối xảy ra mẫu thuẩn xung đột. Cho nên những kiến nghị sửa đổi cần được tiếp thu”, ông Nguyễn Tiến Dũng nói.

Cần bỏ quy định về thời hạn trong giao dịch mua bán nhà ở - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ Công ty cổ phần Sài Gòn Triển vọng phát biểu tại hội nghị

Một nội dung khác được các đại biểu quan tâm là vấn đề công nhận quyền sử hữu nhà ở có thời hạn.

Hiện nay, chủ đầu tư xây dựng dự án nhà ở chỉ được thực hiện dự án đầu tư theo thời hạn của dự án cho phép; khi chủ đầu tư chỉ ký hợp đồng mua bán nhà ở sẽ vô hình chung chỉ ký hợp đồng trong thời hạn thực hiện dự án. Điều này, sẽ có thể dẫn đến bên mua nhà ở sẽ “bắt buộc” trở thành chủ sở hữu nhà có thời hạn. Khi xác định chủ sở hữu nhà ở có thời hạn là đang can thiệp đến quyền sở hữu của chủ sở hữu tài sản.

Cần bỏ quy định về thời hạn trong giao dịch mua bán nhà ở - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Trưởng Khoa Pháp luật kinh tế Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu tại hội nghị

Điều này mâu thuẫn với chính Hiến pháp về bảo vệ quyền sở hữu tư nhân (Điều 32, Hiến pháp năm 2013) và Bộ luật Dân sự về quyền sở hữu của chủ sở hữu tài sản (không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái luật quyền khác đối với tài sản”. Nếu giữ quy định trên sẽ tác động rất lớn đến quyền lợi của người dân và kinh doanh của doanh nghiệp, thị trường bất động sản.

“Ở đây chỉ tạo quyền sử dụng bên bán nhưng chưa bao giờ xác lập quyền sử dụng trọn vẹn cho bên mua. Hết thời hạn sẽ phải trả lại. Đây là một thách thức, chúng tôi mong muốn có một cách giải quyết khác, vì cái này chỉ có lợi cho nhà đầu tư. Trường hợp với người dân có quyền sử dụng nhà chung cư đó thì gặp khó khăn trong cải tạo sửa chữa”, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Trưởng Khoa Pháp luật kinh tế Trường Đại học Luật Hà Nội nêu thực tế.

Cần bỏ quy định về thời hạn trong giao dịch mua bán nhà ở - Ảnh 3.

Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Thực tiễn tại một số đô thị lớn, một số chung cư chủ đầu tư bán cho người mua có thời hạn và người mua sẵn sàng mua với thời gian theo thỏa thuận. Nếu hết thời hạn thỏa thuận, thì căn hộ chung cư bên mua sẽ chuyển lại quyền sử dụng cho chủ đầu tư là bên bán. Luật giao đất cho doanh nghiệp là có thời hạn, nhưng khi doanh nghiệp làm dự án nhà ở thương mại, bán cho dân sử dụng căn hộ là sử dụng lâu dài. Vậy, liệu 2 vấn đề này có mâu thuẫn không. Đây là vấn đề cần đặt ra tiếp tục nghiên cứu sửa đổi.

“Về nguyên tác đối với cá nhân, người dân, quyền sử dụng đất ở là lâu dài, nhưng đối với doanh nghiệp khi làm dự án thì nhà nước cấp cho họ là có thời hạn, chứ không phải lâu dài. Tại sao đất có thời hạn khi bán lại chuyển sang lâu dài, pháp lý chỗ này như thế nào, thực tiễn ra sao. Đây là vấn đề mà Dự thảo luật còn phải rà soát, xử lý đảm bảo thống nhất các quy định đang chồng chéo trong Luật", ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đặt vấn đề.

Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/can-bo-quy-dinh-ve-thoi-han-trong-giao-dich-mua-ban-nha-o-a6309.html