Niềm đam mê cây cảnh từ nhỏ
Với niềm đam mê cây cảnh từ nhỏ cùng với sự ham học hỏi đã giúp nghệ nhân Bùi Quốc Nam ở Long An có vườn cây cảnh rộng hàng trăm mét vuông với nhiều loại cây dáng độc đáo thu hút sự chú ý của nhiều người.
Để có thành quả như hôm nay, ít ai biết rằng, nghệ nhân cây cảnh Quốc Nam phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có nhiều người cho rằng ông làm chuyện kỳ cục, lạ đời.
Trao đổi với Dân Việt, ông Nam trải lòng: “Trước khi đến với cây kiểng, tôi sống bằng nghề chạy xe ôm. Trong thời gian chạy xe ôm, tôi thấy cây nào đẹp là để dành tiền mua ngay, thậm chí có cây phải chạy cả tháng mới đủ tiền mua.
Sau 2 năm, số lượng cây mua ngày càng nhiều, từ đó tôi xin gia đình dỡ hàng rào, nới rộng đất; đồng thời, nghỉ chạy xe ôm, ở nhà chăm sóc cây kiểng. Thấy tôi “mát tay” trong chăm sóc, cắt tỉa cây kiểng nên nhiều người thuê cắt tỉa cây kiểng trong vườn. Nhờ vậy, tôi vừa có thêm thu nhập “nuôi” vườn kiểng của mình, vừa có thêm kinh nghiệm chơi kiểng”.
Vốn là một người lái xe ôm và “tay ngang” sang cây cảnh nên ông Nam bị một số nhà vườn “chê” không biết uốn “tam cang ngũ thường” tượng trưng cho phái nam hay “tam tòng tứ đức” tượng trưng cho phái nữ một cách chuẩn như dân nhà nghề. Từ những lời chê bai đó, ông Nam tức cả đêm, không ngủ được. Sáng sớm hôm sau, ông mạnh dạn đăng ký lớp tạo dáng bonsai của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên tại Tp.HCM; đồng thời, theo học một số người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề chơi kiểng.
Với ý chí và niềm đam mê ham học hỏi, ông Nam tạo ra nhiều cây kiểng đẹp, độc đáo, với giá bán lên đến tiền tỷ.
Được biết cách đây 9 năm, một cây me bonsai của ông Nam đoạt giải "quán quân" liên tiếp 3 năm liền ở Tp.HCM. Cây me bonsai sau đó được ông Nam bán với giá hơn 1 tỷ đồng cho một người chơi kiểng ở huyện Cần Đước, tỉnh Long An.
Khu vườn cây cảnh với 300 tác phẩm nghệ thuật độc đáo
Sau nhiều năm miệt mài với cây cảnh, hiện trong khu vườn của ông Nam có hơn 300 tác phẩm nghệ thuật độc đáo.
Ông Nam còn nhấn mạnh: “Mấy chục năm bén duyên với cây kiểng, tôi chỉ nhận chính thức 6 học trò. Tất cả học trò này đều được tôi đào tạo bài bản và có điểm chung là đam mê cây kiểng. Có đam mê, tôi chỉ cần hướng dẫn qua một lần là sẽ làm được ngay. Còn nhiều người muốn theo học nghề, không có đam mê, tôi đều từ chối và khuyên kiếm nghề khác làm”.
Thông tin thêm trên VOV, nhìn cơ ngơi hoành tráng của ông Bùi Quốc Nam, ít ai biết rằng ông đi lên từ khốn khó, tối ngày "bán mặt cho trời" bằng nghề chạy xe ôm. Ông Nam tâm sự, nghề chơi bonsai khi còn mới mẻ, đa số dành cho người có điều kiện, nên những ngày đầu vô cùng khó khăn. Chạy xe ôm được bao nhiêu, ông tích góp đi lùng mua cây về dưỡng. Chạy xe ôm thấy ở đâu có cây kiểng đẹp là ông hỏi mua. Chưa đủ tiền trả một lần, ông Nam chạy vạy mượn hoặc năn nỉ được trả góp. Thời điểm năm 1994, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, làm nghề xe ôm mà ông dám bỏ tiền vác những gốc cây sần sùi về nhà, người thân, hàng xóm bàn tán, thậm chí chê cười với thú chơi khác người này.
Chia sẻ về những ngày mới vào nghề, ông Nam nhớ có lần mua trúng phôi kiểng về sửa hư, mất cả cây vàng bị gia đình cằn nhằn nhưng anh vẫn quyết không bỏ cuộc. Giờ đây khi nhắc tới "vua me" Bùi Quốc Nam ai cũng thán phục với vườn cây và khối tài sản mà ông tạo dựng cho gia đình, bù đắp những tháng ngày cùng nhau vượt qua gian khó. Khắp vườn kiểng có nhiều loại bonsai nhưng chủ lực vẫn là những cây me có dáng lả lướt, vỏ sần sùi, cổ quái khiến khách đến thưởng lãm không khỏi trầm trồ. Trong vườn bonsai của ông Nam lúc nào sản phẩm từ cây me cũng chiếm số lượng áp đảo, nên danh tiếng "vua me" ngày càng lan xa, đến tận các tỉnh miền Trung, miền Bắc cũng như nước bạn Lào và Campuchia.
Anh Trần Hồng Đặng Phong (học trò ông Nam) cho biết: “Sư phụ tôi rất mê kiểng, suốt ngày dành thời gian chăm kiểng. Nhiều lần khách đến vườn cứ nhầm sư phụ tôi là người làm như chúng tôi. Vì sư phụ cũng dép mủ, quần áo cũ, tay kéo, tay cắt y như chúng tôi. Sư phụ rất nhiệt tình nhưng cũng rất khó tính, dạy một lần mà hôm sau không nhớ là bị la ngay, còn làm việc mà lơ là, không đặt cái tâm vào tác phẩm là sẽ bị phạt tưới cây, không cho tạo dáng một tuần”.
Có đam mê, ham học hỏi, đầy nghị lực là cách mà ông Nam khẳng định giá trị nghệ thuật trên từng “đứa con tinh thần” của mình. Điều này không chỉ giúp ông thu về tiền tỉ mà còn trở thành nghệ nhân có tiếng ở Long An nói riêng, cả nước nói chung.
Chia sẻ với Người Lao Động, anh Nguyễn Phước Hoa, một thợ làm kiểng của anh Nam, nói: “Anh Nam là một người rất mê kiểng, suốt ngày dành thời gian chăm kiểng. Nhiều lần khách đến vườn cứ nhầm anh Nam là người làm như chúng tôi vì anh cũng dép mũ, quần áo cũ, tay kéo, tay cắt y như chúng tôi”.
Trúc Chi (t/h)
Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/tu-anh-xe-om-tro-thanh-vua-me-voi-nhung-tac-pham-cay-canh-hai-ra-tien-ty-a6436.html