VARs: Nếu không tìm được “lối thoát” kịp thời, rất có thể thị trường sẽ phải đối mặt với kịch bản ra đi của hàng loạt các đối tượng

Nhận định về diễn biến thị trường bất động sản quý 2, chuyên gia của VARs cho rằng, các sản phẩm cao cấp, đầu tư giá tiếp tục có sự điều chỉnh giảm, 20-30% so với đỉnh sốt với tốc độ thanh khoản chậm, đây vẫn là mức giá “cắt lãi" khi mua trực tiếp từ chủ đầu tư của các nhà đầu tư trung, dài hạn

Tại buổi Hội nghị đánh giá thị trường bất động sản quý 2 và 6 tháng đầu năm 2023 của Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS nhận định, nửa đầu năm 2023, thị trường bất động sản tiếp tục gặp nhiều khó khăn do tác động tiêu cực từ nền kinh tế chung và các vướng mắc nội tại thị trường chưa được giải quyết một cách triệt để. Mặc dù Chính phủ đã thể hiện sự đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc thúc đẩy thị trường bất động sản phục hồi bằng việc ban hành các cơ chế, chính sách mới.

"Tình trạng khó khăn kéo dài không chỉ khiến toàn bộ các đối tượng tham gia thị trường bất động sản điêu đứng, rã rời mà kéo theo sự trì trệ của nhiều ngành nghề liên quan khác.

Khả năng chịu đựng của các doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động trong thị trường đã đến mức giới hạn. Nếu không tìm được “lối thoát” kịp thời, rất có thể thị trường sẽ phải đối mặt với kịch bản ra đi của hàng loạt các đối tượng", ông Đính nhận định.

Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, bà Phạm Thị Miền, Phó Ban Nghiên cứu thị trường và xúc tiến đầu tư bất động sản VARS cho biết, thị trường địa ốc quý 2/2023 diễn ra như dự đoán, với những diễn tiến tích cực hơn quý 1 nhưng vẫn cần thêm các động lực mạnh mẽ hơn để có thể tạo sức bật, giúp thị trường sớm “đảo chiều”.

Nguồn cung ra thị trường trong quý đạt khoảng 20.000 sản phẩm. Hàng loạt dự án được gia hạn tiến độ, kickoff, tái kickoff,....

Lượng giao dịch trong quý ghi nhận phục hồi nhẹ, đạt khoảng 3.704 giao dịch ( xấp xỉ 18% tổng nguồn cung mở bán mới), tăng hơn 30% so với quý trước nhưng vẫn giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo bà Miền, các sản phẩm được giao dịch đều là các sản phẩm có chất lượng xây dựng cao, pháp lý minh bạch với giá thành phù hợp. Trong đó, 80% lượng giao dịch là căn hộ chung cư có pháp lý “sạch”, phát triển bởi các chủ đầu tư uy tín. Phát sinh từ cả các khách hàng mua phục vụ nhu cầu ở thực và cả nhà đầu tư.

"Lượng giao dịch chỉ có thể bật tăng nếu nguồn cung trên thị trường được cải thiện với nhiều sản phẩm đa dạng, với mức giá phù hợp với thu nhập trung bình cũng như tài sản đã tích lũy của đại đa số người dân. Nhà đầu tư gặp khó khăn tài chính do tình hình kinh tế chung, bị chôn vốn ở các dự án trước đó trong khi điều kiện vay mua ngày càng siết chặt", bà Miền chia sẻ.

Dữ liệu của VARS cũng cho thấy, giá bất động sản nhà ở thứ cấp, đặc biệt là sản phẩm đất nền trong dân có sự phân hóa theo phân khúc giá. Dòng sản phẩm phục vụ nhu cầu thực, có giá dưới 2 tỷ đồng/sản phẩm, ghi nhận mức giá tăng khoảng 5-7% so với quý trước, một số khu vực ghi nhận hàng trăm giao dịch thành công.

"Phân khúc căn hộ chung cư tiếp tục tăng cao với nhu cầu thuê, mua tăng vọt, nhất là ở phân khúc bình dân và trung cấp. Trong khi các sản phẩm cao cấp, đầu tư giá tiếp tục có sự điều chỉnh giảm, 20-30% so với đỉnh sốt với tốc độ thanh khoản chậm, đây vẫn là mức giá “cắt lãi" khi mua trực tiếp từ chủ đầu tư của các nhà đầu tư trung, dài hạn", bà Miền cho hay.

Để thị trường sớm "đảo chiều", VARs cho rằng, ngoài việc tiếp tục nghiên cứu, ban hành thêm các cơ chế, chính sách mới nhằm tăng tính đồng bộ cho các giải pháp hỗ trợ thị trường Chính phủ cần mạnh tay hơn trong việc chỉ đạo, đảm bảo thúc đẩy các nghị định/nghị quyết/thông tư đã ban hành trong 06 tháng vừa rồi phát huy được tác dụng thiết thực.

Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/vars-neu-khong-tim-duoc-loi-thoat-kip-thoi-rat-co-the-thi-truong-se-phai-doi-mat-voi-kich-ban-ra-di-cua-hang-loat-cac-doi-tuong-a646.html