Đánh giá này sau đó được coi là một hồi chuông cảnh tỉnh cho Berlin.
Nền kinh tế Đức gặp khó khăn
Đến năm 2014, sau những cải cách thị trường, một nhóm các nhà kinh tế từ Berlin và London đã viết rằng, Đức đã phát triển "từ một người ốm của châu Âu thành siêu sao kinh tế". Thế nhưng nền kinh tế Đức hiện giờ đang gặp khó khăn trở lại.
Theo DW, trong hai quý liên tiếp, sản lượng kinh tế của Đức đã giảm. Trong quý gần đây nhất, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức đã chững lại ở mức của quý trước, và tất cả các chỉ số kinh tế quan trọng đều cho thấy sự suy giảm.
“Tình hình kinh tế Đức đang u ám,” là kết luận của Clemens Fuest - chủ tịch Viện ifo, Viện Nghiên cứu Kinh tế Leibniz thuộc Đại học München.
Viện ifo đã khảo sát 9.000 giám đốc điều hành mỗi tháng về tình trạng hiện tại của doanh nghiệp và kỳ vọng của họ trong sáu tháng tới. Kết quả là chỉ số môi trường kinh doanh (tháng 7/2023) đã giảm trong tháng thứ ba liên tiếp.
Các nhà nghiên cứu của ifo dự kiến GDP của Đức sẽ tiếp tục giảm trong quý hiện tại.
Công nghiệp không còn là thế mạnh
DW chỉ ra, so với các quốc gia công nghiệp hóa khác, Đức đang hoạt động kém hiệu quả - và theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Đức sẽ là quốc gia lớn duy nhất có sản lượng kinh tế bị thu hẹp.
Lĩnh vực công nghiệp của đất nước này là điểm nổi bật của nền kinh tế nhưng đang gặp nhiều vấn đề. Công nghiệp chiếm một phần tương đối lớn trong tổng giá trị gia tăng của Đức (khoảng 24%) và phải đối mặt với thời kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu. Các ngành kỹ thuật và ô tô, vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, đang đặc biệt cảm nhận được tác động của suy thoái.
Các công ty trong ngành sản xuất vẫn đang tự cứu mình nhờ lượng lớn đơn đặt hàng từ đại dịch COVID-19. Nhưng những đơn đặt hàng này sẽ sớm được xử lý - và những đơn đặt hàng mới đang tới một cách thưa thớt hơn.
Nguyên nhân của sự suy giảm
Kinh tế Đức sa sút có nhiều nguyên nhân.
Theo DW, một trong số đó là chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và các tổ chức khác muốn kiềm chế lạm phát thông qua việc tăng lãi suất. Điều này đã khiến một số ngành kinh tế quan trọng ở Đức như ngành xây dựng phát triển chậm lại, đồng thời làm giảm sự sẵn sàng đầu tư của một số công ty.
Sự đình trệ của động lực kinh tế là nguyên nhân dẫn đến việc tăng lãi suất. Nhưng các quốc gia châu Âu khác, chẳng hạn như Pháp hay Tây Ban Nha, đã đối phó với điều này tốt hơn Đức.
Moritz Schularick, Chủ tịch của Viện Kinh tế Thế giới Kiel, cho biết: "Tất cả các nước láng giềng châu Âu đều có động lực kinh tế cao hơn Berlin."
DW nhận định, thứ đang kìm hãm nước Đức nằm ở cấu trúc nền kinh tế. Mô hình kinh tế của nước này từng dựa trên việc nhập khẩu năng lượng giá rẻ - chủ yếu là của Nga - và nguyên liệu thô giá rẻ, rồi sản xuất và xuất khẩu chúng dưới dạng hàng hóa đắt tiền, có giá trị cao. Nhưng cách làm này có lẽ không còn hiệu quả nữa.
Nhiều cuộc khủng hoảng trong những năm gần đây đã bộc lộ "một cách thẳng thắn" những điểm yếu của Đức. Các doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng đang phải chịu chi phí năng lượng cao và những doanh nghiệp đã di dời sản xuất không quay trở lại Đức nữa.
Ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng ở Ukraine
DW đưa tin hồi tháng 2/2023 rằng chiến sự Ukraine và giá năng lượng ngày càng tăng đã khiến nền kinh tế Đức thiệt hại khoảng 2,5% GDP.
Người đứng đầu Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức (DIW) Marcel Fratzscher cho biết ông dự đoán cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ tiếp tục cản trở tăng trưởng và thổi phồng các chi phí trong nền kinh tế Đức.
Ông Fratzscher nói chiến sự ở Ukraine và ảnh hưởng của nó trong việc đẩy giá năng lượng lên cao đã khiến nền kinh tế Đức thiệt hại khoảng 100 tỷ euro (107 tỷ USD), tương đương khoảng 2,5% GDP.
"Nền kinh tế Đức bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi cuộc khủng hoảng vì nước này phụ thuộc nhiều hơn vào năng lượng của Nga. Tại Đức, các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng chiếm tỷ trọng cao. Đồng thời, nước này cũng cực kỳ phục thuộc vào xuất khẩu và chuỗi cung ứng toàn cầu," Fratzscher nói với tờ Rheinische Post.
Ông Fratzscher cho biết thêm rằng, giá năng lượng cao sẽ vẫn là một bất lợi cạnh tranh đối với Đức trong những thập kỷ tới.
Trước đó, người phát ngôn Bộ Kinh tế Đức cho biết chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine là nguyên nhân chính khiến nền kinh tế Đức suy yếu trong suốt mùa đông 2022.
Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/nhan-cu-soc-tu-nang-luong-nga-dau-tau-kinh-te-eu-lap-tuc-tro-thanh-nguoi-om-a6477.html