Thông tin tới Báo điện tử VTC News, bà Đỗ Thị Lan, CEO Viethouse Travel cho biết, UBND tỉnh Quảng Ninh và TP. Hải Phòng ra thông báo cấm biển từ 12h ngày 22/7, nhiều đoàn khách đặt tour du lịch trong thời điểm này bị hủy bỏ, doanh nghiệp lữ hành phải vất vả thay đổi kế hoạch cho khách.
"Sáng nay, cảng vụ Hạ Long chỉ cấp phép cho các tàu chở khách đi tuyến 1 trong thời gian khoảng 3 tiếng. Các tuyến khác có thời gian dài hơn thì không được cấp phép. Trong sáng nay, khách du lịch ngoài các đảo như Cô Tô, Quan Lạn, Minh Châu, Cát Bà,... đã lên tàu về đất liền tránh bão. Biển Hải Phòng và Quảng Ninh được thông báo cấm hoàn toàn" , bà Lan cho biết.
Theo bà Lan, việc cấm biển đã gây ảnh hưởng nặng nề tới khách du lịch, nhất là khách sử dụng dịch vụ du thuyền ngủ qua đêm trên vịnh. Do đó, công ty bà Lan đã phải đàm phán với khách hàng, bỏ tiền túi ra thuê khách sạn trên bờ cho khách ở.
"Trong trường hợp này có 2 phương án xử lý. Thứ nhất là đàm phán với khách hàng quay trở lại lưu trú trên bờ. Khách sạn sẽ do công ty du lịch trả tiền với chất lượng phòng 4 - 5 sao, tương ứng trên các du thuyền. Phương án thứ 2 là cho khách dời lịch đi du thuyền đến sau bão. Tuy nhiên, trường hợp này phải đáp ứng việc khớp lịch với du thuyền, nếu ngày đó, du thuyền trống phòng mới có thể ghép khách. Do đó, phần lớn khách đều lựa chọn đổi kế hoạch lưu trú trên bờ" , CEO Viethouse Travel cho biết.
Bà Lan cho biết thêm, các doanh nghiệp lữ hành, tour du lịch khu vực Vịnh Hạ Long dự kiến đến 25/7 mới có thể hoạt động trở lại bình thường sau khi cơn bão đi qua.
Trước đó, để chủ động ứng phó bão số 2 hướng vào đất liền, Quảng Ninh và Hải Phòng đã thông báo tạm ngừng cấp phép cho các phương tiện thuỷ ra khơi.
Cụ thể, Từ 12h ngày 22/7, Quảng Ninh tạm ngừng cấp phép cho các phương tiện du lịch biển, lưu trú qua đêm tại các điểm du lịch trên biển.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Sở Giao thông Vận tải, Cảng vụ hàng hải Quảng Ninh, Cảng vụ đường thủy nội địa, UBND các địa phương ven biển tạm ngừng cấp phép cho các phương tiện thủy ra khơi, có thể cho phép các tàu được chạy từ các tuyến đảo về đất liền tránh trú và kết thúc việc này trước 16h ngày 22/7.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Thủy sản phối hợp với UBND các địa phương ven biển nắm tình hình tàu thuyền (đặc biệt là tàu xa bờ); thông báo chủ các phương tiện biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động về nơi tránh trú, không đi vào vùng nguy hiểm.
UBND các địa phương chỉ đạo đôn đốc gia cố lại các lồng bè nuôi trồng thủy sản, chủ động đưa người tại các khu sản xuất trên biển lên bờ (ưu tiên phụ nữ, người già, trẻ nhỏ lên trước). Hoàn thành công việc này trước 16h hôm nay.
Sở Giao thông vận tải chỉ đạo Cảng vụ nội địa rà soát, nắm bắt số lượng tàu du lịch, sẵn sàng thực hiện cấm biển khi có yêu cầu, hướng dẫn tàu thuyền neo đậu, tránh trú tại các bến, khu neo đậu.
Lực lượng Biên phòng tổ chức bắn pháo hiệu kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú.
Sở Du lịch nắm số lượng khách du lịch, thông tin đến các doanh nghiệp du lịch về tình hình bão để các doanh nghiệp chủ động phương án đón khách.
Tại Hải Phòng, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP. Hải Phòng cũng phát đi thông báo việc định chỉ các hoạt động giao thông vận tải đường thuỷ nội địa, cáp treo, vui chơi giải trí trên các khu vực biển đảo từ 12h ngày 22/7.
Các đơn vị khẩn trương thông báo, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển về nơi trù tránh an toàn; kiên quyết ngăn chặn, không để các tàu thuyền thuỷ sản, phương tiện đường thuỷ nội địa đã vào nơi trú tránh hoạt động trong thời gian có gió mạnh, sóng lớn.