Chủ đầu tư khu đô thị ở Hà Nội bỏ 'quên' xây trường học: Trách nhiệm của ai?

Nhiều chủ đầu tư ở Hà Nội chỉ lo xây nhà để bán, “quên” luôn việc xây trường học. Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nay, nhưng giải pháp của thành phố thiếu quyết liệt, kém hiệu quả, gây bức xúc dư luận.

Nhà đã bán hết, trường học trống trơn

Theo quy hoạch, Khu đô thị Ngoại Giao đoàn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) có các ô đất xây dựng 2 nhà trẻ, 1 trường tiểu học và 1 trường trung học cơ sở (THCS). Song trên thực tế, những lô đất dành cho xây dựng trường học đến nay vẫn chỉ là những bãi đất trống cỏ mọc hoang, nơi để vật liệu xây dựng của các công trình xung quanh, nơi trồng cây...

Chủ đầu tư khu đô thị ở Hà Nội bỏ 'quên' xây trường học: Trách nhiệm của ai? - Ảnh 1.

Chị Khánh Minh (N01T7 Ngoại Giao đoàn) chia sẻ: “Lúc tôi mua nhà ở đây được giới thiệu rất nhiều tiện ích, cảnh quan, hạ tầng trường học. Thế nhưng khi về ở vài năm, khu đô thị nhiều lần điều chỉnh, mật độ dân cư tăng chóng mặt khiến hạ tầng quá tải. Tôi bức xúc nhất khi chuyển về ở đây được 3 năm nhưng 2 con vẫn phải đi xa để học tiểu học và trung học cơ sở vì trong nội khu chưa xây trường”.

Nhức nhối nhất là tại Khu đô thị Tây Nam Linh Đàm thuộc Khu đô thị Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) quy hoạch 6 ô đất xây dựng trường học nhưng đến nay mới chỉ có 1 công trình trường tiểu học được đưa vào sử dụng. Năm lô đất còn lại quy hoạch xây dựng trường học chưa triển khai, trong đó 2 ô đất (NT1 và TH1) đã chuyển cho nhà đầu tư thứ phát; 2 ô đất (NT2, TH2) đang thực hiện điều chỉnh quy hoạch; 1 ô đất (TH4) chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng.

Anh Đức Trung (CT1 Tây Nam Linh Đàm) cho hay: “Khu vực Linh Đàm là điểm nóng về thiếu trường. Chúng tôi khổ sở không chọn được trường cho con vì số lượng trường ít và sĩ số mỗi lớp đông. Sang năm, khi con vào học cấp trung học cơ sở, tôi tính chuyển nhà để có lựa chọn tốt cho con vào học trường công, chứ chờ chủ đầu tư xây trường không biết đến bao giờ”.

Theo UBND phường Hoàng Liệt trên địa bàn phường này có 92 tòa nhà chung cư, cao tầng với dân số trên 90.000 người. Hiện nay, trên địa bàn phường có 3 trường tiểu học, 2 trường THCS, là phường có cơ sở giáo dục công lập nhiều nhất Thủ đô nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.

Chủ đầu tư khu đô thị ở Hà Nội bỏ 'quên' xây trường học: Trách nhiệm của ai? - Ảnh 2.

Đất quy hoạch trường học tại khu đô thị Vân Canh bị bỏ hoang nhiều năm. Ảnh: Tuấn Minh

Tuy trường công quá tải, nhưng một số ô đất được quy hoạch trường học lại không được triển khai. Thay vào đó, các ô đất này bị biến thành bãi giữ xe không phép như ô đất CC6 Linh Đàm. Ông Nguyễn Mạnh Hà, cán bộ địa chính xây dựng đô thị (UBND phường Hoàng Liệt) cho biết, khu đất CC6 Linh Đàm được quy hoạch gồm có 3 dự án: trường tiểu học, trường THCS Hoàng Liệt và bãi đỗ xe thông minh. Trong đó, ô đất CC6B theo quy hoạch là trường tiểu học và THCS với diện tích khoảng 10.000m2. Tuy nhiên, hiện tại, ô đất này đang được chia làm 4 bãi giữ xe tự phát. “UBND phường cũng đã kiến nghị nhiều lần, nhưng đến nay các ô đất này chưa được triển khai xây dựng như đúng quy hoạch, trong khi trường công đang quá tải, gây bức xúc dư luận”, ông Hà nói.

Lạ kỳ hơn nữa tại Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp (Thanh Trì), ngay từ khi quy hoạch, nhiều khu đất nghĩa trang, ao đình được quy hoạch dành cho xây trường học nên đến nay chưa thể giải phóng được mặt bằng những khu đất này để triển khai xây dựng.

Tại khu đô thị Vân Canh thuộc huyện Hoài Đức, mặc dù chủ đầu tư đưa dân vào ở cách đây hơn chục năm, số lượng dân cư đã lên đến gần 2.000 người. Nhu cầu về trường học rất lớn, nhưng nhiều năm qua, đất xây trường học tại đây vẫn bỏ hoang cỏ mọc. Con em trong khu đô thị phải đi “học nhờ” khắp nơi, gây nhiều khó khăn cho cuộc sống của người dân nơi đây.

Một loạt đơn vị khác cũng bị điểm tên vào danh sách “quên” trường học là Khu đô thị mới Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh( Bắc Từ Liêm); Khu đô thị mới Cầu Bươu (Thanh Trì); Khu chức năng đô thị Ao Sào (Hoàng Mai)…

Phải phân cấp, phân quyền để giám sát

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đào Ngọc Nghiêm-Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho biết, trong quy hoạch chung đến quy hoạch phân khu và chi tiết đều tính toán đảm bảo đủ trường học. Tuy nhiên, thời gian vừa qua xảy ra một số tồn tại như thiếu trường tại khu vực nội đô khiến nhiều phụ huynh bức xúc.

Theo ông Nghiêm, có nhiều nguyên nhân nhưng trước hết là dân số Hà Nội tăng mạnh không kiểm soát được. Ông Nghiêm đề nghị UBND TP Hà Nội phải tăng cường ngân sách xây trường học thay vì chỉ giao cho chủ đầu tư.

“Chúng ta thiếu điều tra, giám sát cụ thể về việc khu đô thị có đất nhưng không xây trường học, thậm chí không giải phóng mặt bằng. Việc này phải có chế tài xử lý và phân cấp phân quyền để giám sát, thanh tra, xử lý”, ông Nghiêm nói.

Theo Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội, Hà Nội cần mạnh tay xử lý tình trạng chủ đầu tư không xây trường học khi triển khai dự án. Nếu chủ đầu tư không muốn xây hoặc cố tình không xây trường học trong dự án thì họ phải nộp lại số tiền tương đương để mua một không gian đủ chỗ cho số học sinh trong khối dân cư mà dự án đó sẽ hình thành. “Đặc biệt cần nhấn mạnh ở đây đó là chính quyền phải yêu cầu xây dựng các cơ sở giáo dục công lập chứ không phải biến tướng thành bất động sản kinh doanh trường học, có nghĩa là xây dựng các trường tư rồi thu học phí cao ngất ngưởng” , ông Ánh nhấn mạnh.

Dưới góc độ pháp lý, anh Nguyễn Văn Thắng (Đoàn Luật sư Hà Nội) chia sẻ, hiện luật pháp đã có quy định về xử phạt hành chính với các chủ đầu tư không tuân theo kế hoạch, chậm tiến độ đã được phê duyệt. Theo đó, Nghị định 139/2017 quy định về việc xử phạt hành chính khi vi phạm quy định về đầu tư phát triển đô thị với một trong các hành vi: Thực hiện đầu tư phát triển khu đô thị không tuân theo kế hoạch hoặc chậm so với tiến độ được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chủ đầu tư buộc phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/chu-dau-tu-khu-do-thi-o-ha-noi-bo-quen-xay-truong-hoc-trach-nhiem-cua-ai-a676.html