Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng Mỹ đã hạn chế các công ty nước này đầu tư ra nước ngoài và tham gia vào việc "tách rời và cắt đứt dây chuyền" trong lĩnh vực đầu tư dưới chiêu bài giảm rủi ro.
Điều này đã "sai lệch nghiêm trọng các nguyên tắc kinh tế thị trường và cạnh tranh bình đẳng mà phía Mỹ ủng hộ, ảnh hưởng đến các quyết định kinh doanh bình thường của doanh nghiệp, phá hoại trật tự kinh tế và thương mại quốc tế, phá vỡ nghiêm trọng an ninh của chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu".
Tổng thống Joe Biden ký sắc lệnh hành pháp cấm một số khoản đầu tư mới của Mỹ vào các công nghệ nhạy cảm của Trung Quốc. ảnh: Reuters
Bộ Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh mong muốn phía Mỹ tôn trọng các quy luật kinh tế thị trường và nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng, không cản trở các hoạt động giao lưu, hợp tác kinh tế, thương mại toàn cầu, không gây trở ngại cho sự phục hồi tăng trưởng kinh tế thế giới.
Trước đó, Tổng thống Joe Biden hôm 9-8 ký sắc lệnh hành pháp cấm một số khoản đầu tư mới của Mỹ vào các công nghệ nhạy cảm của Trung Quốc như chip máy tính.
Sắc lệnh cho phép Bộ trưởng Tài chính Mỹ cấm hoặc hạn chế đầu tư của Mỹ vào các thực thể Trung Quốc trong 3 lĩnh vực gồm chất bán dẫn và vi điện tử, công nghệ thông tin lượng tử và một số hệ thống trí tuệ nhân tạo.
Theo hãng tin Reuters, sắc lệnh nhằm ngăn chặn nguồn vốn và chuyên môn của Mỹ giúp phát triển các công nghệ có thể hỗ trợ tiến trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc và làm suy yếu an ninh quốc gia của Mỹ. Sắc lệnh cũng tập trung vào vốn cổ phần tư nhân, vốn mạo hiểm, liên doanh và đầu tư vào lĩnh vực xanh.
Ngành công nghiệp công nghệ Trung Quốc đang chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng về đầu tư từ Mỹ trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng. Ảnh: Reuters
Ông Biden cho biết trong một lá thư gửi quốc hội rằng ông tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để đối phó với mối đe dọa về sự tiến bộ của các quốc gia như Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ và sản phẩm nhạy cảm quan trọng đối với quân đội, tình báo, giám sát hoặc khả năng tấn công mạng.
Sắc lệnh này nhắm đến những khoản đầu tư vào các công ty Trung Quốc phát triển phần mềm để thiết kế chip máy tính và các công cụ để sản xuất chúng. Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan thống trị các lĩnh vực đó và chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng các giải pháp thay thế trong nước.
Nhà Trắng cho biết ông Biden đã tham khảo ý kiến của các đồng minh về kế hoạch này và tổng hợp phản hồi từ Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7). Sắc lệnh này dự kiến sẽ được thực hiện từ năm tới sau nhiều vòng lấy ý kiến của công chúng.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho biết quy định sẽ chỉ ảnh hưởng đến các khoản đầu tư trong tương lai chứ không phải các khoản hiện có nhưng nó có thể yêu cầu tiết lộ các giao dịch trước đó.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cho biết họ "rất thất vọng" trước biện pháp này. Người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cho rằng Nhà Trắng đã không chú ý đến việc Trung Quốc nhiều lần bày tỏ quan ngại sâu sắc về kế hoạch này.
Người phát ngôn này cho hay hơn 70.000 công ty Mỹ đang kinh doanh tại Trung Quốc. Ông cho rằng các hạn chế mới sẽ gây tổn hại cho cả doanh nghiệp Trung Quốc và Mỹ, cản trở sự hợp tác bình thường và làm giảm niềm tin của nhà đầu tư vào Mỹ.
Ngành công nghiệp công nghệ Trung Quốc, từng thu hút vốn đầu tư mạo hiểm của Mỹ, đang chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng về đầu tư từ Mỹ trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng.
Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/my-cam-dau-tu-cong-nghe-trung-quoc-doa-khong-de-yen-a6843.html