Tìm lời lang y... bệnh nhi nguy kịch
Ngày 10/8, BV Nhi trung ương thông tin, thời gian gần đây, các bác sĩ tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị rắn độc cắn, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Theo báo Nhân Dân, mới đây, bé N.H (3 tuổi, Nghệ An) ngủ dưới nền nhà, không mắc màn, bị cắn bởi 1 loại rắn sọc đen sọc trắng tại vùng cánh tay phải. Thay vì đưa tới cơ sở y tế, gia đình lại đưa con tới nhà thầy lang tại địa phương chữa trị. Chỉ trong 1 giờ đắp thuốc lá, trẻ bị rơi vào tình trạng sụp mi, giãn đồng tử 2 bên, nói khó, liệt tứ chi, liệt cơ hô hấp tiến triển. Ngay lập tức trẻ nhanh chóng được đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu, đặt nội khí quản và chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.
Được biết loại rắn gây ra thương tích cho trẻ là loại cạp nia miền bắc. Đây là một trong số loại rắn có nọc độc mạnh nhất, thường gây giãn đồng tử, liệt cơ tiến triển lan xuống tứ chi, đặc biệt gây liệt cơ hô hấp đe dọa trực tiếp đến tính mạng của nạn nhân. Thời điểm này, huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia rất khan hiếm.
Một trường hợp khác, bé trai V.T (28 tháng tuổi, Tuyên Quang), bị rắn cắn vào ngón bàn chân trái khi đang nằm ngủ dưới nền nhà. Biết đây là rắn độc, gia đình đã đưa con đến nhà một thầy lang lấy thuốc về đắp. Sau 1 ngày đắp thuốc, bàn chân bé T. xuất hiện sưng nề, hoại tử lan lên tới đùi, co giật toàn thân, lúc này, gia đình mới hốt hoảng đưa trẻ đi cấp cứu.
Khoảng 36 tiếng sau khi bị rắn cắn, sức khỏe bé T. nguy kịch nên được chuyển lên BV Nhi trung ương trong tình trạng suy hô hấp, suy tuần hoàn, hôn mê, co giật, hoại tử lan rộng ở cẳng bàn chân trái… tiên lượng rất nặng nề.
Rất may mắn, sau 4 ngày điều trị, bé T. được rút ống nội khí quản, tỉnh táo, hồi phục hoàn toàn về sức cơ, cẳng bàn chân trái đỡ sưng nề, vận động tốt. Tuy nhiên, ngón cái bàn chân trái bị rắn cắn đã hoại tử khô, có thể cần phẫu thuật cắt bỏ.
Ngoài ra, thêm trường hợp bé trai Q.H (13 Tuổi, Thái Nguyên) cũng đã được chuyển đến BV nhi trung ương sau khi điều trị cấp cứu tại bệnh viện tuyến dưới vì bị rắn lục cắn. Ngay lập tức, trẻ được truyền 10 lọ huyết thanh kháng nọc rắn lục tre, truyền plasma tươi và chăm sóc tích cực. Chỉ sau 1 ngày điều trị, tình trạng cháu đã ổn định và được xuất viện.
Chuyên gia cảnh báo rắn độc đang vào mùa sinh sản
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này trên báo Giao Thông, BSCKII Phạm Thị Thanh Tâm, BV Nhi trung ương, tại Việt Nam, các loại rắn độc phổ biến gồm rắn hổ mang, rắn cạp nong, cạp nia, rắn lục… Mỗi loài rắn có đặc trưng về hình thái và loại nọc độc khác nhau. Mùa hè là mùa rắn sinh sôi, phát triển, xảy ra nhiều nhất từ tháng 4 đến tháng 11 và cũng là thời điểm số bệnh nhi bị rắn cắn thường có xu hướng tăng đặc biệt là tại các địa phương gần vùng sông nước, đồi núi. Các bệnh nhân thường bị rắn cắn trong hoàn cảnh nằm ngủ trên nền nhà, sinh hoạt gần cánh đồng hoặc các nơi có gia cầm…
Khi bị rắn độc cắn, người bệnh thường thấy đau buốt tại chỗ cắn, thấy dấu răng sâu, vết thương chảy máu khó cầm, vùng chi bị cắn sưng nề, nổi phỏng nước, hoại tử lan dần, có thể có các dấu hiệu toàn thân như nhìn mờ, sụp mi, đau rát họng, nói khó, nuốt sặc, liệt cơ tiến triển lan xuống tứ chi, thậm chí co giật, hôn mê.
Tất cả các trường hợp bị rắn cắn đều nên được theo dõi ít nhất 24 giờ trong bệnh viện. Huyết thanh kháng nọc rắn được chỉ định trong các trường hợp có biểu hiện nặng toàn thân do rắn độc cắn hoặc có rối loạn đông máu nặng. Thời điểm sử dụng tốt nhất là 4 giờ đầu, tuy nhiên trong 24 giờ đầu vẫn có hiệu quả, một số trường hợp quá 24 giờ vẫn có thể sử dụng...
“Nhiều gia đình bệnh nhân chủ quan áp dụng kinh nghiệm dân gian để sơ cứu vết rắn cắn, cho đến khi có các biểu hiện suy hô hấp, tím tái, xuất huyết nặng… thì mới vội vàng đến các cơ sở y tế. Đây là sai lầm lớn nhất của những bệnh nhân bị rắn cắn. Vì vậy, sau khi bị rắn cắn, bệnh nhân cần được xử trí và cấp cứu kịp thời để hạn chế tình trạng hoại tử chi thể, rối loạn đông máu, nhiễm trùng, thậm chí tử vong”, BS Tâm khuyến cáo.
Cách sơ cứu khi trẻ bị rắn cắn, cha mẹ không nên bỏ qua
1. Động viên, trấn an, để bệnh nhi nằm yên. Đặt nơi bị cắn thấp hơn so với tim để hạn chế hấp thu nọc độc.
2. Rửa sạch vết thương bằng xà phòng và nước muối sinh lý.
3. Dùng một miếng gạc khô và sạch để băng kín vùng bị cắn.
4.Băng ép tại chỗ cắn lên tới gốc chi, băng tương đối chặt nhưng vẫn còn sờ thấy mạch đập, không garô động mạch.
5. Dùng nẹp cứng để cố định chi.
6. Duy trì băng ép, bất động chi và vận chuyển kịp thời người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.
7. Cung cấp hình dạng, màu sắc hoặc ảnh chụp con rắn cho bác sĩ để dễ dàng nhận biết loại rắn, nhằm có biện pháp cấp cứu kịp thời.
8. Lưu ý cha mẹ không sử dụng các biện pháp như: Hút nọc độc của rắn; Trích, rạch, nặn, bóp tại vùng vết cắn; Không tìm kiếm và áp dụng các kinh nghiệm dân gian hoặc thầy lang để sơ cứu. Thay vào đó, cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám.
Trúc Chi (t/h)
Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/cach-so-cuu-khi-tre-bi-ran-can-cha-me-khong-nen-bo-qua-a6965.html