Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) hôm 10/8 đã thực hiện bước tiếp theo trong việc buộc lực lượng đảo chính khôi phục trật tự hiến pháp tại Niger, đồng thời đặt lực lượng dự phòng ECOWAS trong trạng thái sẵn sàng can thiệp quân sự.
Trước đó, ECOWAS tuyên bố muốn khôi phục nền dân chủ một cách hòa bình ở Niger đi kèm cảnh báo sẽ can thiệp quân sự nếu lực lượng đảo chính Niger không khôi phục quyền lực cho Tổng thống Mohamed Bazoum trước này 6/8. Tuy nhiên thời hạn này đã quá 5 ngày.
Phát biểu bên lề cuộc họp của các nguyên thủ quốc gia ECOWAS tại Abuja hôm 10/8, Tổng thống Nigeria Bola Tinubu cho biết: “Chúng tôi sẽ không loại bỏ phương án nào, kể cả việc sử dụng vũ lực như biện pháp cuối cùng. Tôi hy vọng rằng thông qua nỗ lực tập thể, chúng ta có thể mang lại một giải pháp hòa bình như một lộ trình khôi phục sự ổn định và dân chủ ở Niger”.
Các lực lượng Nigeria dự kiến sẽ đi đầu trong bất kỳ sự can thiệp quân sự nào của ECOWAS vào Niger. (Ảnh: Reuters)
ECOWAS không tiết lộ quy mô của lực lượng can thiệp cũng như quốc gia thành viên nào sẽ tham gia. Các thành viên ECOWAS bị đình chỉ là Mali và Burkina Faso đã thề rằng một cuộc can thiệp quân sự chống lại lực lượng đảo chính Niger sẽ được coi là một lời tuyên chiến chống lại họ.
Tuần trước, Chủ tịch Viện Tự do Châu Phi Franklin Nyamsi đã cảnh báo rằng ECOWAS có thể gây ra “một cuộc chiến tranh thế giới ở Châu Phi” nếu khối này cố gắng loại bỏ lực lượng đảo chính ở Niger bằng vũ lực.
Nigeria, Senegal và Bờ Biển Ngà nằm trong số các thành viên ECOWAS đã yêu cầu khôi phục chính phủ cũ của Niger. Tổng thống Bờ Biển Ngà Alassane Ouattara lên án việc giam giữ ông Bazoum với những điều kiện khắc nghiệt tại Dinh Tổng thống, như không điện, không nước sinh hoạt, thực phẩm hoặc thuốc men, là một “hành động khủng bố”.
Bất chấp yêu cầu của khối khu vực, lực lượng đảo chính Niger tuyên bố sẽ “bảo vệ đất nước” trước bất kỳ cuộc tấn công nước ngoài nào. Một trong những nhà lãnh đạo của chính quyền đảo chính, tướng Saifou Moody, được cho là đã tìm kiếm sự hỗ trợ từ Tập đoàn quân sự tư nhân Nga Wagner - tổ chức có trụ sở hoạt động ở Mali, Burkina Faso, Sudan, Mozambique và Cộng hòa Trung Phi.
Khả năng can thiệp quân sự của ECOWAS
ECOWAS là một liên minh kinh tế và chính trị khu vực gồm 15 quốc gia nằm ở Tây Phi. Liên minh này được thành lập vào ngày 28/5/1975, với sứ mệnh là thúc đẩy hội nhập kinh tế trên toàn khu vực.
ECOWAS cũng đóng vai trò là lực lượng gìn giữ hòa bình trong khu vực, với việc các quốc gia thành viên đôi lúc phải gửi lực lượng chung để can thiệp quân sự vào các quốc gia thành viên của khối ở những thời điểm bất ổn chính trị hoặc đảo chính quân sự.
Dù có nhiều nỗ lực duy trì hòa bình, dân chủ và ổn định, song ECOWAS được ví như "vành đai đảo chính" của thế giới. Đây cũng chính là lý do khiến một số nước đã bị đình chỉ tư cách thành viên khỏi khối này.
ECOWAS đã có kế hoạch lập lực lượng thường trực với quy mô hàng nghìn binh sĩ suốt nhiều năm, nhưng chưa triển khai do chưa đủ cam kết về tài trợ và binh sĩ, theo Ikemesit Effiong, nhà nghiên cứu tại SBM Intelligence, Nigeria.
Chủ tịch Ủy ban ECOWAS Omar Alieu Touray nói với Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hồi tháng 7 rằng họ đang cân nhắc hai lựa chọn gồm một lữ đoàn 5.000 người với chi phí thường niên 2,3 tỷ USD hoặc triển khai binh sĩ theo yêu cầu với chi phí thường niên 360 triệu USD.
Vụ đảo chính ở Niger không phải là lần đầu tiên khối ECOWAS can thiệp vào các cuộc khủng hoảng liên quan đến các quốc gia thành viên. Trong hơn 30 năm qua, ECOWAS đã can thiệp quân sự 7 lần vào 6 nước thành viên, bao gồm Liberia (1990, 2003), Sierra Leone (1997), Guiné Bissau (1999), Bờ Biển Ngà (2003), Mali (2013) và Gambia (2017).
Đặc biệt, ngoài việc đình chỉ và trừng phạt kinh tế, khối này còn đang đe dọa sẽ can thiệp quân sự vào Niger nếu Tổng thống Mohamed Bazoum không được nhóm đảo chính phục hồi chức vụ.
Niger rơi vào khủng hoảng chính trị kể từ cuối tháng trước khi Tổng thống Niger Mohamed Bazoum bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự. Sau đó, tướng Abdourahamane Tiani - chỉ huy lực lượng cận vệ tổng thống tuyến bố trở thành người lãnh đạo chính quyền quân sự.
Kể từ khi giành được độc lập từ Pháp vào năm 1960, các cuộc đảo chính quân sự thường xuyên xảy ra ở Niger. Tuy nhiên, bất ổn chính trị đã giảm trong thời gian gần đây. Năm 2021, ông Bazoum được bầu làm tổng thống trong cuộc chuyển giao quyền lực dân chủ đầu tiên của quốc gia.
Trước khi giành độc lập vào năm 1960, Niger đã trải qua hơn 50 năm là thuộc địa của Pháp. Mối quan hệ ngoại giao bền chặt đã tồn tại giữa hai quốc gia trước cuộc đảo chính vào tháng trước. Nhiều người dân Niger tin rằng Pháp vẫn tiếp tục đối xử với đất nước như một quốc gia thuộc địa, tước đoạt của cải và áp đặt các chính sách kinh tế của nước này.
Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/cong-dong-tay-phi-san-sang-can-thiep-vao-niger-a7130.html