Làn sóng tăng lãi suất huy động
Theo biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại quầy của nhiều ngân hàng trong ngày đầu tháng 9, lãi suất huy động (tại các kỳ hạn được khảo sát là: 6, 9, 12, 24 tháng) được nhiều ngân hàng điều chỉnh với mức dao động từ 0,1-0,8% tùy kỳ hạn và ngân hàng.
Tại MB, biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm tăng 0,1% ở kỳ hạn 6 và 9 tháng, niêm yết ở mức 4%/năm. Kỳ hạn 12 tháng là 4,8%/năm, tăng 0,2%; lãi suất kỳ hạn 24 tháng tăng 0,3%, niêm yết ở mức 5,7%/năm.
Sacombank tăng lãi suất 0,4% ở kỳ hạn 6 và 9 tháng, đưa lãi suất kỳ hạn 6 tháng là 4,2%/năm; kỳ hạn 9 tháng là 4,3%/năm; kỳ hạn 12 tháng là 4,9%/năm.
Trước đó, trong tháng 8, đã có tổng cộng 15 ngân hàng tăng lãi suất huy động với mức tăng dao động trong khoảng 0,10,8%, bao gồm: Eximbank, HDBank, Sacombank, Saigonbank, TPBank, CB, VIB, Dong A Bank, Techcombank, VietBank, SHB, PVCombank, Cake by VPBank và Nam A Bank. Trong đó, Sacombank, VietBank, Dong A Bank, và Techcombank là ngân hàng đã có 2 lần tăng lãi suất.
Làn sóng tăng lãi suất tiết kiệm bắt đầu mạnh lên từ đầu tháng 4 năm nay. Thời điểm đó, lãi suất cao nhất hệ thống cho kỳ hạn 12 tháng chỉ quanh 5%/năm, hiện lên 6,2%/năm. Số ngân hàng trả lãi suất từ 5% trở lên cũng nhiều hơn gấp đôi, từ 12 lên 29 đơn vị.
Về diễn biến lãi suất thời gian qua, MBS Research cho rằng, đà tăng của lãi suất tiết kiệm vẫn tiếp tục duy trì trong tháng 8 trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đang lấy lại đà phục hồi khiến các nhà băng phải điều chỉnh lãi suất nhằm thu hút tiền gửi.
Việc nợ xấu tăng cao (nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống đến cuối tháng 6 năm nay đã tăng 5,77% so với cuối năm 2023) cũng góp phần thúc đẩy các ngân hàng đẩy mạnh việc huy động vốn mới nhằm đảm bảo thanh khoản. Cụ thể, lãi suất đầu vào các kỳ hạn dưới 6 tháng và 24 tháng được điều chỉnh tăng 0,1%/năm.
Khẳng định cầu tín dụng sẽ tiếp tục xu hướng tăng lên mạnh hơn từ giữa năm 2024 khi sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm, MBS Research dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn sẽ có thể nhích thêm 0,5% vào cuối năm. Tuy nhiên, lãi suất đầu ra sẽ vẫn duy trì ở mặt bằng hiện tại trong bối cảnh các cơ quan quản lý và các ngân hàng thương mại đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.
Nhóm chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcombank cho biết, mặc dù lãi suất huy động đang có xu hướng tăng dần lên từ mức đáy, mặt bằng lãi suất hiện tại vẫn đang thấp hơn mức trung bình 3 năm trước giai đoạn dịch COVID-19 là 5,05%/năm. Áp lực tăng lãi suất có thể từ quý IV, kỳ vọng cả năm lãi suất có thể tăng từ 0,5-1%.
Tín dụng tăng trở lại
Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 16/8 tăng 6,25% so với cuối năm 2023. Trước đó, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đến hết quý II đạt 6,1%, nhưng đến cuối tháng 7 chỉ còn tăng 5,66% so với cuối năm 2023. Như vậy, tín dụng đã phục hồi trở lại vào nửa đầu tháng 8.
Ngân hàng Nhà nước cho biết , trên thị trường, một số ngân hàng đã xuất hiện nhiều đợt điều chỉnh tăng nhưng phần lớn là tăng lãi suất ngắn hạn, còn lãi suất trung và dài hạn vẫn ở mức rất thấp đồng thời lãi suất cho vay vẫn được giữ ở mức thấp theo chủ trương định hướng hỗ trợ doanh nghiệp và người dân của Ngân hàng Nhà nước.
Ông Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính - cho biết, trong bối cảnh áp lực tỷ giá giảm và khả năng Ngân hàng Nhà nước có thể giảm lãi suất điều hành trong thời gian tới, lãi suất ngân hàng có thể tiếp tục duy trì ở mức thấp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vay vốn. Điều này không chỉ hỗ trợ cho các doanh nghiệp, mà còn góp phần thúc đẩy tăng trưởng toàn bộ nền kinh tế.
“Tăng trưởng tín dụng trong những tháng tới sẽ có khả năng tiệm cận với các mục tiêu đề ra, đặc biệt nếu các điều kiện kinh tế tiếp tục cải thiện”, ông Độ dự báo.