Các phi công Ukraine đầu tiên trải qua khóa huấn luyện tiêm kích phản lực F-16 sẽ không sẵn sàng bay cho đến mùa hè năm 2024, tờ Washington Post đưa tin hôm 11/8, trích dẫn các quan chức chính phủ và quân đội Ukraine.
Theo nguồn tin của Washington Post, chỉ có 6 phi công, tương đương 1/2 phi đội, sẽ trải qua đợt huấn luyện đầu tiên. Hai phi công nữa là ứng viên dự bị.
“Mặc dù các phi công đã thông thạo tiếng Anh, nhưng các quan chức cho biết, trước tiên họ phải tham gia một khóa học tiếng Anh kéo dài 4 tháng ở Vương quốc Anh để học các thuật ngữ liên quan đến máy bay phản lực”, tờ báo Mỹ lưu ý.
Do đó, khóa huấn luyện lái F-16 dự kiến sẽ chỉ chính thức bắt đầu vào tháng 1/2024. Một nhóm phi công thứ hai với quy mô tương tự sẽ khởi động vòng huấn luyện tiếp theo vào cuối năm sau. Ngoài ra, 20 phi công khác có kỹ năng tiếng Anh tối thiểu được cho là sẽ sẵn sàng bắt đầu khóa học ngôn ngữ ở Vương quốc Anh trong tháng này.
Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông hy vọng việc đào tạo phi công Ukraine trên máy bay phản lực F-16 sẽ bắt đầu trong tháng 8.
Trong khi đó, CNN dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết, Washington vẫn đang chờ các quan chức châu Âu đệ trình kế hoạch cuối cùng về việc huấn luyện phi công Ukraine lái tiêm kích phương Tây. Các quan chức Mỹ cũng cho biết, quá trình này nên diễn ra trên lãnh thổ của hai thành viên NATO là Romania và Đan Mạch.
Điều phối viên về Truyền thông Chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby trước đó đã tuyên bố rằng Ukraine sẽ nhận được máy bay F-16 trước cuối năm nay.
Theo Washington Post, sự chậm trễ làm nổi bật sự chia rẽ giữa phương Tây và Kiev. Trong khi các đồng minh coi F-16 chủ yếu là công cụ đảm bảo an ninh lâu dài cho Ukraine, thì Ukraine hy vọng triển khai các máy bay phản lực hiện đại chống lại các lực lượng Nga càng sớm càng tốt.
Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine Valerii Zaluzhnyi đã chỉ trích các đối tác phương Tây vì mong đợi quân đội Ukraine tiến hành một cuộc phản công quy mô lớn mà không có sức mạnh không quân hiện đại. Các quan chức Ukraine cho rằng nếu không có các máy bay chiến đấu như F-16, họ không thể cạnh tranh công bằng với Nga trên bầu trời.
Các binh sĩ Ukraine ở tiền tuyến nói rằng các máy bay trực thăng bay thấp của Nga đã thành công trong việc tấn công lực lượng mặt đất của họ một phần vì Ukraine không thể đe dọa họ một cách tương xứng.
Những chiếc tiêm kích F-16 một động cơ được ra đời vào những năm 1970 và đã được cập nhật nhiều lần. Đây là một mẫu chiến đấu cơ được các đối tác của Mỹ trên toàn thế giới đánh giá cao. Theo nhà sản xuất Lockheed Martin, khoảng 3.000 chiếc F-16 với tốc độ tối đa Mach 2 (tương đương 2.400 km/h) đang hoạt động trên toàn cầu.
Tư lệnh không quân Ukraine, Tướng Serhii Holubtsov, cho biết rằng F-16 được trang bị một hệ thống radar mạnh, cho phép Ukraine xác định nhiều mục tiêu hơn và chống lại máy bay, tên lửa và máy bay không người lái của đối phương tốt hơn phi đội máy bay chiến đấu hiện tại của Ukraine, bao gồm MiG-29 và Su-27 thời Liên Xô.
Ukraine cũng có thể triển khai các tên lửa chống hạm Harpoon do Vương quốc Anh cung cấp từ những chiếc F-16 – điều mà Kiev hiện không có – để nhắm vào hải quân Nga vốn thường xuyên phóng tên lửa từ Biển Đen, ông Holubtsov nói.
Vị tư lệnh Ukraine cũng cho biết, các tên lửa chống bức xạ tốc độ cao hay còn gọi là HARM mà Mỹ gửi cho Ukraine năm ngoái cũng có thể được phóng từ các máy bay F-16. “Chúng đã được điều chỉnh để sử dụng trên máy bay chiến đấu MiG-29, nhưng do thiếu hệ thống ngắm nên hiệu quả của chúng bị hạn chế đáng kể”, ông nói.
Minh Đức (Theo Washington Post, Kyiv Independent, TASS)
Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/gian-nan-lo-trinh-hoc-lai-chien-dau-co-f-16-cua-phi-cong-ukraine-a7248.html