Hơn 100 phòng giao dịch SCB đóng cửa; VNG thay 'tướng'

Ngân hàng SCB tiếp tục đóng cửa nhiều phòng giao dịch; VNG thay tổng giám đốc; lo bão đổ bộ, khách đi siêu thị mua thực phẩm tăng gấp 30 lần; thu hồi hơn 2.400 tỷ đồng 'trợ cấp nhầm' người có công; tạm dừng trả lương hưu tại các tỉnh bị ảnh hưởng bão số 3... là những thông tin đáng chú ý trong tuần qua.

Ngân hàng SCB tiếp tục đóng cửa nhiều phòng giao dịch

Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB - mã chứng khoán: SCB) tiếp tục chấm dứt hoạt động thêm 6 phòng giao dịch tại TPHCM.

Cụ thể, kể từ ngày 28/8, Ngân hàng SCB đã chấm dứt hoạt động của phòng giao dịch Nhật Tảo chi nhánh Tân Phú, phòng giao dịch Nguyễn Sơn chi nhánh Tân Bình, phòng giao dịch Phổ Quang chi nhánh Tân Bình, phòng giao dịch Phú Nhuận chi nhánh Phú Đông, phòng giao dịch Nguyễn Ảnh Thủ chi nhánh Hóc Môn, phòng giao dịch Nguyễn Duy Trinh chi nhánh Bến Thành, phòng giao dịch Hùng Vương chi nhánh Hải Phòng.

Hơn 100 phòng giao dịch SCB đóng cửa; VNG thay 'tướng'- Ảnh 1.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn đã đóng cửa gần trăm phòng giao dịch, kể từ khi bà Trương Mỹ Lan bị bắt.

Trước đó, vào ngày 26/8, SCB cũng đã thông báo chấm dứt hoạt động của một phòng giao dịch tại Hải Phòng.

Theo thống kê từ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), tính từ tháng 6/2023 đến nay, SCB chấm dứt hoạt động 107 phòng giao dịch tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

VNG có quyền Tổng giám đốc

Sáng 7/9, Công ty CP VNG (mã chứng khoán: VNZ) phát đi thông tin về việc thay đổi nhân sự cấp cao.

Theo đó, ông Kelly Wong - Phó Tổng Giám đốc VNG - được bổ nhiệm vào vị trí quyền Tổng Giám đốc VNG .

Ban giám đốc VNG khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ ông Kelly Wong trên cương vị mới, đảm bảo các hoạt động của công ty tiếp tục vận hành ổn định và hiệu quả.

Hơn 100 phòng giao dịch SCB đóng cửa; VNG thay 'tướng'- Ảnh 2.

Công ty CP VNG có thay đổi nhân sự cấp cao.

Trước đó, báo cáo quản trị bán niên năm 2024 của VNG cho biết Tổng Giám đốc VNG là ông Lê Hồng Minh. Hồi đầu năm 2023, ông Lê Hồng Minh đã rời chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị VNG

Ông Lê Hồng Minh, sinh năm 1977 tại Hà Nội. Ông từng theo học chuyên ngành tài chính ngân hàng tại Đại học Monash (Australia). Năm 2001, ông Lê Hồng Minh quyết định trở về Việt Nam xây dựng sự nghiệp với công việc đầu tiên là nhân viên tín dụng tại Công ty Vina Capital.

Năm 2003, ông Minh cùng một vài người bạn quyết định thành lập một quán game với một vài dịch vụ đi kèm. Năm 2004, ông Lê Hồng Minh và cộng sự thành lập nên Công ty CP Vinagame và đến năm 2009 đổi tên Vinagame thành Công ty CP VNG như hiện tại.

Theo VNG, các hoạt động kinh doanh và vận hành hiện vẫn diễn ra bình thường. “Công ty đang tích cực hợp tác và tuân thủ mọi yêu cầu từ cơ quan chức năng. VNG cam kết sẽ nỗ lực tối đa để đảm bảo ổn định mọi hoạt động kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tác, cổ đông và các bên liên quan”, thông cáo của VNG nêu.

Hà Nội: Lo bão đổ bộ, khách đi siêu thị mua thực phẩm tăng gấp 30 lần

Tối muộn 6/9, Bộ Công Thương kiểm tra hoạt động dự trữ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tại 2 siêu thị lớn tại Hà Nội là Winmart Royal City và và Big C Thăng Long trước khi siêu bão số 3 đổ bộ.

Hơn 100 phòng giao dịch SCB đóng cửa; VNG thay 'tướng'- Ảnh 3.

Các siêu thị cho biết đảm bảo cung ứng liên tục, không để tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Ảnh: Cấn Dũng.

Ông Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc Siêu thị Big C Thăng Long - cho biết đã tăng lượng hàng hoá lên 300%, trong đó tập trung vào các nhóm sản phẩm thiết yếu như rau củ quả, thịt cá…

“Tuy nhiên, từ sáng 6/9, lượng khách hàng đến với siêu thị tăng đột biến, gấp khoảng 20-30 lần ngày thường. Đặc biệt, trong khoảng thời gian từ 12h-15h chiều, lượng khách hàng đến siêu thị tăng cao, người mua hàng tập trung mua sắm các sản phẩm thiết yếu như rau, thịt, cá, trứng, rau củ quả…”, ông Nguyễn Minh Tuấn nói và cho biết chắc chắn không có tình trạng tăng giá dịp này, người dân không nên quá lo lắng.

Bà Nguyễn Kiều Oanh - Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trong bất kỳ tình huống nào thì hệ thống siêu thị và chợ truyền thống luôn đảm bảo đủ nguồn cung ứng lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân.

Thu hồi hơn 2.400 tỷ đồng 'trợ cấp nhầm' người có công

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có công văn trả lời kiến nghị của cử tri TP Hà Nội liên quan đến chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.

Cụ thể, cử tri TP. Hà Nội đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường kiểm tra, rà soát, xử lý nghiêm đối với cá nhân, tổ chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm giả hồ sơ người có công, thương binh, bệnh binh nhằm trục lợi.

Hơn 100 phòng giao dịch SCB đóng cửa; VNG thay 'tướng'- Ảnh 4.

Chi trả chế độ cho người có công. Ảnh: BĐVN.

Trả lời kiến nghị cử tri, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, tổng hợp báo cáo của các địa phương trên cả nước cho thấy, sau khi thanh tra, kiểm tra hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, đến cuối năm 2023, cơ quan chức năng phát hiện 24.590 trường hợp hưởng sai chế độ . Bộ này yêu cầu các địa phương khẩn trương khắc phục, nộp trả ngân sách số tiền trên 2.400 tỷ đồng.

“Các trường hợp gian lận, giả mạo để hưởng ưu đãi đã bị xử lý nghiêm. Việc chấm dứt trợ cấp đối với các đối tượng trên đã giảm chi ngân sách mỗi năm trên 400 tỷ đồng”, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết.

Tạm dừng trả lương hưu tại các tỉnh bị ảnh hưởng bão số 3

Sáng 6/9, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam cho biết, để đảm bảo an toàn cho người dân và tài sản, đơn vị này sẽ tạm thời dừng hoạt động tại một số khu vực chịu ảnh hưởng mạnh nhất của bão số 3 bao gồm các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình.

Hơn 100 phòng giao dịch SCB đóng cửa; VNG thay 'tướng'- Ảnh 5.

Việc chi trả lương hưu tại một số tỉnh bị ảnh hưởng của bão số 3 sẽ tiếp tục bị lùi.

Các bưu cục tại các tỉnh này sẽ tạm đóng cửa và không tổ chức giao phát trong thời điểm bão đổ bộ (ngày mai 7/9). Những khu vực có nguy cơ lũ lụt, sạt lở hoặc không đảm bảo an toàn cũng sẽ tạm dừng mọi hoạt động. Thời gian hoạt động trở lại sẽ được thông báo dựa trên tình hình thực tế sau khi bão tan.

Sau khi có chỉ đạo của từng địa phương, các đơn vị sẽ làm việc với cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) và UBND để thống nhất thời gian chi trả lại và thông báo cụ thể đến từng người hưởng.

Trước đó, theo thông báo của BHXH Việt Nam, do thời gian chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng kỳ chi trả tháng 9 trùng vào kỳ nghỉ lễ Quốc khánh nên lịch chi trả được lùi lại sau khi kết thúc kỳ nghỉ lễ.

Thông tin mới việc thanh tra 2 ngân hàng, 4 doanh nghiệp vàng

Trả lời kiến nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, danh sách các đơn vị thanh tra gồm: Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vàng bạc đá quý Sài gòn (SJC), Công ty cổ phần Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji, Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) và Công ty trách nhiệm hữu hạn Bảo Tín Minh Châu.

Theo Quyết định số 324 ngày 17/5/2024, nội dung thanh tra gồm có thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng ; thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền và thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn, chứng từ; về kê khai và thực hiện nghĩa vụ thuế. Giai đoạn thanh tra từ ngày 1/1/2020 đến ngày 15/5/2024.

Theo kế hoạch, việc thanh tra sẽ kéo dài trong 45 ngày, tuy nhiên đến nay kết quả thanh tra 6 đơn vị trên vẫn chưa có.

Hơn 100 phòng giao dịch SCB đóng cửa; VNG thay 'tướng'- Ảnh 6.

Ngân hàng Nhà nước vẫn đang thanh tra các đơn vị về kinh doanh vàng.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp khác nhằm ổn định thị trường vàng. Theo đó, đơn vị này sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết theo quy định để kiểm soát chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ở mức phù hợp theo chỉ đạo của các cấp thẩm quyền.

Nữ tổng giám đốc lương cao nhất Việt Nam là ai?

Trong báo cáo “Thu nhập của tổng giám đốc và hội đồng quản trị tại các công ty đại chúng ở Việt Nam năm 2023” do FiinGroup và FiinRatings công bố, tổng giám đốc các công ty niêm yết trên sàn tại Việt Nam có thu nhập năm 2023 bình quân 2,5 tỷ đồng/người.

Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (mã chứng khoán: KBC) là nơi trả lương cao nhất. Năm 2023, bà Nguyễn Thị Thu Hương - Tổng Giám đốc KBC - là người có thu nhập cao nhất trong số các doanh nghiệp niêm yết - với gần 17 tỷ đồng, tương đương hơn 1,4 tỷ đồng/tháng. Đây là con số vượt trội so với lãnh đạo ở các doanh nghiệp khác, cao hơn cả "sếp" các ngân hàng thương mại cổ phần.

Tại báo cáo tài chính hợp nhất quý II đã soát xét, Tổng Giám đốc KBC Nguyễn Thị Thu Hương có tổng thu nhập hơn 6,4 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nay, tương đương hơn 1 tỷ đồng/tháng - thấp hơn năm trước khoảng 400 triệu đồng/tháng.

Hơn 100 phòng giao dịch SCB đóng cửa; VNG thay 'tướng'- Ảnh 7.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Tổng Giám đốc KBC - là người có thu nhập cao nhất trong số các doanh nghiệp niêm yết.

Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/hon-100-phong-giao-dich-scb-dong-cua-vng-thay-tuong-a73032.html