Từ 1/1/2025, thẻ chỉ được sử dụng để thực hiện giao dịch thẻ bằng phương tiện điện tử khi đã hoàn thành việc đối chiếu đảm bảo khớp đúng giấy tờ tùy thân và thông tin sinh trắc học của chủ thẻ với dữ liệu sinh trắc học được lưu trong bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa của thẻ căn cước công dân hoặc thẻ căn cước đã được xác thực chính xác là do cơ quan Công an cấp hoặc thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử của người đó do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập; hoặc dữ liệu sinh trắc học đã được thu thập và kiểm tra (đảm bảo sự khớp đúng giữa dữ liệu sinh trắc học của người đó với dữ liệu sinh trắc học trong bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa của thẻ căn cước công dân hoặc thẻ căn cước đã được xác thực chính xác là do cơ quan Công an cấp hoặc với dữ liệu sinh trắc học của người đó thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử do Hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập); hoặc dữ liệu sinh trắc học được thu thập thông qua gặp mặt trực tiếp người đó đối với trường hợp là người nước ngoài không sử dụng danh tính điện tử, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch; hoặc dữ liệu sinh trắc học của người đó được lưu trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong trường hợp sử dụng thẻ căn cước công dân không có bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa.
Theo các chuyên gia, việc xác thực sinh trắc học chẳng những không gây ra bất tiện và trở ngại đối với khách hàng mà còn nâng cao khả năng bảo mật và bảo vệ tối đa sự an toàn cho tài sản của khách hàng trong quá trình giao dịch trực tuyến.
Thực tế, từ đầu tháng 7/2024, với việc triển khai các nội dung của Quyết định 2345/QĐ-NHNN về yêu cầu xác thực sinh trắc học khuôn mặt đối với các giao dịch tài khoản trên 10 triệu đồng hoặc tổng giao dịch trong ngày trên 20 triệu đồng, quá trình xác thực sinh trắc học đã diễn ra khá thuận lợi và nhanh chóng ở nhiều TCTD, đồng thời được hầu hết doanh nghiệp, người dân ủng hộ.
Theo thống kê của NHNN, đã có 26,3 triệu khách hàng hoàn thành xác thực sinh trắc học theo Quyết định 2345/QĐ-NHNN. Trong đó, 22,5 triệu khách thực hiện xác thực trực tuyến qua App và 3,8 triệu khách hàng xác thực tại quầy.
Vì thế có thể nói, việc áp dụng xác thực sinh trắc học đối với chủ tài khoản thẻ theo Thông tư 18 chỉ là sự nối tiếp, nâng cao và hoàn thiện chính sách bảo mật, bảo vệ tài khoản, tài sản của khách hàng mà hệ thống ngân hàng đang nỗ lực triển khai.
Theo ghi nhận của phóng viên, do đã có sự chuẩn bị sớm việc triển khai tăng cường bảo mật dữ liệu và xác thực sinh trắc học theo Quyết định 2345/QĐ-NHNN, nên hầu hết các NHTM đều đã hoàn thiện hệ thống công nghệ và bố trí nhân sự chuyên trách để hỗ trợ khách hàng tự xác thực qua App và hướng dẫn xác thực trực tiếp tại quầy.
Đại diện Tiểu ban Quản lý rủi ro Chi Hội thẻ thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, việc triển khai xác thực sinh trắc học đối với chủ thẻ thời gian tới sẽ rất thuận lợi cho cả phía khách hàng và ngân hàng. Hiện các TCTD đều đã sẵn sàng để triển khai Thông tư 18 nhằm xử lý triệt để “tài khoản rác” vốn là một trong những yếu tố bị kẻ gian sử dụng để nhận tiền khi lừa người dân chuyển tiền qua các hình thức lừa đảo phổ biến trong thanh toán thẻ, như: cuộc gọi video deepface, deepvoice; combo du lịch giá rẻ; giả mạo biên lai chuyển tiền; giả danh nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu; thông báo khóa sim vì chưa chuẩn hóa thuê bao;…
Theo thông tin từ Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân (tức Trung tâm RAR – thuộc C06, Bộ Công an), hiện nay đơn vị này đã hoàn thiện hệ thống công nghệ và triển khai cung cấp dịch vụ xác thực điện tử, bao gồm các dịch vụ đăng nhập bằng tài khoản VNeID (SSO), dịch vụ xác thực khuôn mặt, dịch vụ chia sẻ thông tin giúp khai thác thông tin từ hệ thống định danh…
Vì thế, khi hệ thống TCTD phối hợp với RAR để triển khai các giải pháp xác thực dữ liệu thông tin cá nhân và xác thực sinh trắc học sẽ thuận tiện và nhanh chóng hơn. Từ đó, hạn chế tối đa tình trạng sử dụng giấy tờ giả mạo tạo tài khoản, mua bán tài khoản ngân hàng sử dụng vào các mục đích bất hợp pháp, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hoặc mạo danh các thương hiệu, ứng dụng công nghệ để đánh cắp thông tin, tài khoản ngân hàng của công dân.