Chủ động ứng phó thiên tai

Tại Việt Nam, trung bình 20 năm trở lại đây, mỗi năm thiên tai làm khoảng hơn 300 người chết và mất tích, gây thiệt hại về kinh tế khoảng 1%-1,5% GDP

Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai cho biết năm 2022, thiên tai đã làm 175 người thiệt mạng và mất tích trong cả nước, thiệt hại kinh tế gần 19.500 tỉ đồng, gấp 1,6 lần thiệt hại về người và 3,4 lần thiệt hại về kinh tế so với năm 2021.

Liên tiếp thiệt hại

7 tháng đầu năm nay, cả nước ghi nhận 1.753 sự cố, thiên tai, làm chết 267 người, mất tích 78 người, bị thương 291 người; sập đổ, tốc mái 9.075 ngôi nhà; hư hại 45.536 ha lúa và hoa màu...

Thống kê của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai cho biết thiệt hại do lũ quét sạt lở đất trong 20 năm qua tại 15 tỉnh miền núi phía Bắc là hết sức nặng nề với 748 người chết, 52.544 nhà ở bị thiệt hại, 3.910 hộ phải di dời. 2017 là năm có số người chết do lũ quét sạt lở đất nhiều nhất, với 206 người.

Riêng tại tỉnh Lâm Đồng, từ đầu năm đến nay, thiên tai đã làm 9 người chết, 4 người bị thương, thiệt hại tài sản khoảng 70 tỉ đồng.

Tại tỉnh Đắk Nông, đường Hồ Chí Minh, đoạn qua TP Gia Nghĩa, tình trạng sạt lở đang diễn biến phức tạp. Tại huyện Tuy Đức xuất hiện nhiều vết nứt. Khu vực đường tránh TP Gia Nghĩa liên tiếp xảy ra tình trạng nứt đất, sạt lở nghiêm trọng.

Chủ động ứng phó thiên tai - Ảnh 1.

Đường Hồ Chí Minh đoạn qua TP Gia Nghĩa (Đắk Nông) sụt lún nghiêm trọng Ảnh: Cao Nguyên

Theo Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam (SIWRR), ĐBSCL có khoảng 400 vị trí sạt lở với tổng chiều dài gần 650 km. Đáng lưu ý là xuất hiện hố xói sâu/lạch sâu trên sông Tiền và sông Hậu nên nguy cơ sạt lở tiềm ẩn thường xuyên. Song song đó, hiện trạng xói lở bờ biển ĐBSCL cũng đáng báo động, với 285 km sạt lở, tốc độ mất đất gần 300 ha/năm.Trong 7 tháng đầu năm, tỉnh Vĩnh Long có 90 tuyến/điểm sạt lở gây thiệt hại lớn nhất (tăng 71 tuyến/điểm so với cùng kỳ năm trước), làm mất 2.916 m bờ sông, kênh, rạch kèm theo các công trình đê bao, đường giao thông nông thôn, ảnh hưởng 106 hộ dân, ước thiệt hại 7,9 tỉ đồng.Tại TP Cần Thơ, trong 6 tháng đầu năm xảy ra 26 vụ sạt lở bờ sông (tăng 19 vụ so với cùng kỳ năm trước), làm bị thương 2 người, ảnh hưởng đến 24 căn nhà. Tổng chiều dài ảnh hưởng do sạt lở là 924 m, với thiệt hại khoảng 19 tỉ đồng…Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp cũng đều chịu nhiều thiệt hại nặng nề do sạt lở. Các nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) và Bộ Khoa học và Công nghệ dự báo vùng ven biển ĐBSCL xói lở, mất đất cực kỳ nghiêm trọng trong cuối thế kỷ này, nhất là vùng bán đảo Cà Mau. Dự án "Quản trị sụt lún đất và quản lý nước ngầm tại khu vực ĐBSCL" do Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường hợp tác thực hiện từ năm 2020-2021 cho thấy tốc độ sụt lún của các địa phương trong vùng này đang ở mức báo động, trung bình lên đến 5,7 cm/năm.Theo Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, còn nhiều trận lũ quét sạt lở đất không được thống kê thiệt hại hoặc thống kê không đầy đủ nên trên thực tế mức độ thiệt hại còn nghiêm trọng hơn rất nhiều.

Nhiều nguyên nhân?

Nguyên nhân gây ra sạt lở ở ĐBSCL được SIWRR chỉ ra là do giảm bùn cát về ĐBSCL, vì hồ chứa tại thượng nguồn; vì khai thác cát quá mức, xây dựng hạ tầng ven sông, rạch…

Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, cho biết các tuyến sông, kênh, rạch trên địa bàn thành phố có độ dốc thủy lực nhỏ, biên độ, cường suất và tốc độ dòng chảy lũ, dòng triều tuy không lớn nhưng do địa chất chủ yếu là bồi tích trẻ, mềm yếu nên sạt lở xảy ra rất nghiêm trọng. Những nguyên nhân gây ra sạt lở còn có: Lấp đất lấn chiếm lòng sông làm tăng tải trọng gây trượt do gia tải, chất tải; do tác động của sóng bởi các phương tiện giao thông thủy gây ra, làm cho mái bờ bị bào mòn dần tạo nên các hàm ếch...

Chủ động ứng phó thiên tai - Ảnh 2.
Chủ động ứng phó thiên tai - Ảnh 3.

Đồ họa: Chi Phan

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, một trong những nguyên nhân chính gây sạt lở, ngập lụt tại tỉnh này thời gian qua là do mưa lớn bất thường. Lượng mưa trung bình của tỉnh từ 1.750 - 3.150 mm/năm nhưng 7 tháng đầu năm nay là 1.219 mm. Một số thời điểm lượng mưa tại Đà Lạt và Bảo Lộc rất cao, làm nền đất bị yếu, gây sạt lở.Địa hình Lâm Đồng chủ yếu là đồi núi, có độ dốc cao, kết cấu đất yếu nên nguy cơ sạt lở rất cao khi xảy ra mưa lớn kéo dài. Bên cạnh đó, không loại trừ nguyên nhân đến từ yếu tố con người, quản lý. Một số địa phương chưa kịp thời rà soát toàn bộ các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, nhất là khu vực đồi dốc, khu vực có taluy âm/dương cao để chủ động cảnh báo, sơ tán người dân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở đất đến nơi an toàn.

Nỗ lực ứng phó

Trước thực trạng sạt lở bờ sông đang diễn biến phức tạp, TP Cần Thơ đã triển khai phòng, chống sạt lở bằng giải pháp phi công trình và giải pháp công trình.

Về giải pháp phi công trình, Cần Thơ tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, giáo dục cộng đồng trong phòng chống sạt lở bờ sông; khuyến khích người dân bảo vệ cây cối ven sông; không chất tải; không xây cất nhà lấn chiếm lòng sông; không khai thác đất, cát ven sông. Tổ chức cắm biển cảnh báo sạt lở ở những khu vực có nguy cơ sạt lở cao và lập bản đồ dự báo vùng sạt lở. Về giải pháp công trình, Cần Thơ giao Chi cục Thủy lợi làm chủ đầu tư 3 dự án xây dựng kè chống sạt lở sông Ô Môn với tổng mức đầu tư hơn 410 tỉ đồng.

Tỉnh Cà Mau đã kiến nghị trung ương hỗ trợ vốn để xây kè bảo vệ các đoạn bờ biển có vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm; xây dựng công trình kè bảo vệ bờ sông tại những nơi tập trung đông dân cư để bảo vệ hạ tầng bên trong; đầu tư xây dựng 7 khu tái định cư để sắp xếp di dời 1.387 hộ dân đang sống trong khu vực sạt lở. Đặc biệt, xây dựng công trình chỉnh trị dòng sông nhằm co hẹp hai bên mặt cắt - kiểm soát dòng chảy, mực nước, vận tốc dòng chảy để hạn chế tình trạng xói lở.

Tỉnh Sóc Trăng đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình phòng chống sạt lở để bảo vệ cuộc sống, sản xuất của người dân. Tỉnh cũng đề xuất trung ương xem xét hỗ trợ vốn để thực hiện các công trình cấp bách, như xây dựng kè giảm sóng tại thị xã Vĩnh Châu và bờ kè chống sạt lở bờ sông.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu đã chỉ đạo cơ quan chức năng của tỉnh theo dõi sát tình hình lên xuống của triều cường để nắm bắt những địa điểm có nguy cơ sạt lở để kịp thời xử lý và thông báo đến người dân để hạn chế thấp nhất thiệt hại. Hiện Bạc Liêu có 4 điểm nguy cơ sạt lở rất cao với nhiều hộ dân sinh sống, nên tỉnh kiến nghị trung ương xem xét hỗ trợ khoảng 3.400 tỉ đồng.

Cần giải pháp căn cơ

PGS-TS Trần Tân Văn - chuyên gia địa chất, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), khuyến cáo nứt đất khi mưa to, kéo dài là một trong những dấu hiệu trực tiếp của sạt trượt. Vì vậy, động thái đầu tiên địa phương cần thực hiện là di dời người dân ra khỏi khu vực sạt trượt tiềm năng.

Tiếp đó, cần cử cán bộ kỹ thuật đến quan trắc, giám sát, theo dõi diễn biến của các vết nứt. Nếu vết nứt tiếp tục phát triển thì khả năng cao là trượt lở sẽ xảy ra, cần căn cứ kích cỡ các vết nứt để dự báo quy mô khối trượt, từ đó thực hiện di dời cho phù hợp.

Thủ tướng đi trực thăng thị sát sạt lở ở Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng

"Một giải pháp khác là cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng để người dân hiểu rõ mức độ nguy hiểm của việc san gạt, làm mất chân sườn dốc, lấy mặt bằng xây dựng. Các dự án làm đường rất hay để xảy ra tình trạng này. Vì thế, ngay từ đầu cần khảo sát, thiết kế, thi công các sườn dốc nhân tạo cẩn thận, tính toán kỹ các hệ số an toàn và có giải pháp gia cường, phòng tránh, giảm nhẹ nguy cơ trượt lở" - vị chuyên gia này cho hay.

Theo GS-TS Trần Hồng Thái, Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, hiện năng lực dự báo, cảnh báo mưa lớn diện rộng trước 2-3 ngày với độ tin cậy khoảng 75%. Đối với mưa lớn cục bộ hoặc mưa lớn trong cơn giông, cảnh báo trước từ 30 phút đến 2-3 giờ. Đối với bão/áp thấp nhiệt đới có thể dự báo trước 3 ngày, cảnh báo trước 5 ngày. 

Bản tin dự báo bão (vị trí và cường độ bão) của Việt Nam đã có độ chính xác dần tiệm cận với trình độ dự báo bão của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, giảm sai số từ 250-300 km trước những năm 2010 ở hạn dự báo 48 giờ xuống khoảng 120-150 km trong những năm gần đây. Chất lượng dự báo thủy văn hằng ngày đạt 80%-85%; hạn vừa đạt từ 75%-80%; hạn dài đạt 65%-70%. Các đợt lũ lớn có thể cảnh báo trước 24-48 giờ.

Dù vậy, ông Thái cho rằng hiện chưa có khả năng dự báo được lũ quét, sạt lở đất (mới cảnh báo nguy cơ có khả năng xảy ra lũ quét tại một vùng hoặc khu vực rộng) do các sản phẩm dự báo chi tiết quá trình mưa, lũ còn hạn chế, do thiếu dữ liệu về quan trắc, địa hình, thiếu thông tin số liệu về cấu trúc thảm phủ, lớp đất, tính chất cơ lý của đất. Sự thay đổi về sử dụng đất, phá rừng, khai thác khoáng sản, làm đường... cũng là những nhân tố gây khó khăn trong công tác dự báo lũ quét, sạt lở đất. 

Ưu tiên xử lý nơi cấp bách

Trong chuyến khảo sát tình hình sạt lở tại các địa phương ĐBSCL vào 2 ngày 11 và 12-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng tình hình sạt lở nói riêng và thiên tai ở nước ta đang rất báo động. Nếu không có giải pháp khắc phục thì tình trạng trên sẽ còn diễn ra nhanh và khó lường.

Theo Thủ tướng, do nguồn vốn có hạn nên các địa phương trước mắt phải lựa chọn, chắt lọc những điểm sạt lở có nguy cơ cao, cấp bách để ưu tiên xử lý nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân. Nghiên cứu, rà soát, di dời các hộ dân sống trong vùng bị sạt lở hoặc có nguy cơ cao; quy hoạch khu tái định cư để người dân vào ở. Tránh để xảy ra bị động, bất ngờ dẫn đến thiệt hại tính mạng, tài sản. Các địa phương phải tiếp tục xử lý, khắc phục các vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm để bảo đảm an toàn cho người dân và các cơ sở hạ tầng quan trọng.

Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/chu-dong-ung-pho-thien-tai-a7381.html