"Nhiều người đang đổ số tiền lớn để mua gom bất động sản vì cho rằng Nhà nước sắp đánh thuế, giá đất sẽ còn tăng"

Đây là nhận định của GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (Việt Nam) trước tình hình giá bất động sản liên tục tăng ảo như hiện nay.

GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, giá bất động sản tăng nóng trong giai đoạn vừa qua xuất phát bởi nhiều chiêu trò, hành động có mục đích không tốt nhằm kích giá lên như việc đồn thổi giá, trả giá cao tại các phiên đấu giá...

"Giá bất động sản liên tục tăng khiến người có bất động sản giữ lại, không bán vội. Hiện nay, thị trường đã xuất hiện nhiều người bỏ rất nhiều tiền để đi mua gom, đi vét bất động sản vì cho rằng Nhà nước sắp đánh thuế, giá đất sẽ còn tăng lên nữa. Điều này thực sự không hề có lợi cho phát triển nền kinh tế", GS. Võ nhận định.

Vị chuyên gia cho biết thêm, và khi tình trạng giá đã tăng quá cao, người mua càng khó để tiếp cận hay tham gia vào thị trường bất động sản, điều này khiến họ hô hào dừng mua để tránh ngáo giá. Đặc biệt, đối với những nhà kinh doanh bất động sản thứ cấp, họ cũng quyết định dừng mua để "đối trọng" lại với những đồn thổi về giá mà không có căn cứ.

"Do đó, để quản lý thị trường bất động sản, chúng ta phải hình thành được sắc thuế bất động sản. Nếu không quyết đoán trong cải cách thuế bất động sản thì giá nhà còn tiếp tục tăng, ảnh hưởng đến nền kinh tế đất nước và đời sống của người dân bình thường", GS. Võ nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cũng cho rằng, để điều tiết thị trường phát triển theo hướng an toàn, lành mạnh, bền vững, việc ban hành chính sách thuế là công việc cấp bách, không thể thấy khó mà bỏ qua.

Đánh thuế bất động sản hiệu quả và minh bạch, hướng tới những đối tượng tích lũy, đầu cơ thay vì những đối tượng mua bất động sản phục vụ mục đích sinh sống hay tổ chức sản xuất kinh doanh sẽ vừa giúp tăng nguồn thu ngân sách, vừa giúp điều tiết thị trường bất động sản. Đây cũng là xu hướng chung trên thế giới.

VARS cho biết thêm, với các doanh nghiệp phát triển dự án, hành lang pháp lý mới đã có cơ chế, quy định xử phạt đối với các mảnh đất bỏ hoàng, "găm" giữ chờ bán dự án. Theo đó, các dự án đầu tư mà không được sử dụng 12 tháng liên tục kể từ khi nhận bàn giao hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong quyết định đầu tư sẽ bị thu hồi.

Trường hợp không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ, chủ đầu tư được gia hạn không quá 24 tháng và phải nộp bổ sung cho Nhà nước khoản tiền tương ứng. Hết thời gian gia hạn, chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi mà không bồi thường về đất, tài sản gắn liền với đất và chi phí đầu tư vào đất.

Còn với các nhà đầu tư cá nhân, hệ thống pháp luật vẫn chưa có cơ chế chính sách xác định và kiểm soát, ngăn chặn hoạt động đầu cơ, găm đất thổi giá.

Cũng theo VARS, khái niệm đầu cơ và đầu tư tại Việt Nam vẫn chưa được phân định rõ ràng. Hoạt động mua bán, chuyển nhượng không được kiểm soát, là nguyên nhân chính của tình trạng "sốt đất" diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước, tiềm ẩn các nguy cơ rủi ro với thị trường bất động sản.

Cụ thể, việc các nhà đầu tư đầu cơ găm hàng khi hàng hóa khan hiếm, không có để bán rồi để "hoang" chờ tăng giá hoặc tạo khan hiếm giả để đẩy giá lên nhằm tìm kiếm lợi nhuận cao, đang rất phổ biến, xảy ra từ các khu vực đô thị tới nông thôn.

"Sắc thuế cần áp dụng với ngôi nhà thứ 2 trở lên. Việc người có nhiều tài sản, tài sản lại không ngừng sinh lời thì việc nộp thuế nhiều hơn là điều đương nhiên. Thực tế, hầu hết người mua nhà trong thời gian qua là người mua nhà thứ 2, thứ 3", VARS nhấn mạnh.

Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/nhieu-nguoi-dang-do-so-tien-lon-de-mua-gom-bat-dong-san-vi-cho-rang-nha-nuoc-sap-danh-thue-gia-dat-se-con-tang-a74400.html