Thứ trưởng Bộ NN&PTNT: Sau thiên tai, cuộc sống vẫn phải tiếp tục

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, để khắc phục hạ tầng, ổn định được cuộc sống người dân sau bão phải cần rất nhiều thời gian.

Sáng 18/9, Bộ NN&PTNT đã tổ chức cuộc họp tiếp nhận hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai gây ra do bão số 3 và mưa lũ sau bão.

Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT chia sẻ: "Bão số 3 gây ra thảm họa rất lớn, là một trận cuồng phong. Đây là cơn bão mạnh nhất về tốc độ gió trên thế giới, không chỉ ở Việt Nam. Chỉ trong vòng 48 tiếng khi đổ bộ vào biển Đông, bão đã tăng liền 4 cấp - lên cấp cuồng phong".

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT: Sau thiên tai, cuộc sống vẫn phải tiếp tục- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT.

Thường các cơn bão khi đổ bộ vào Việt Nam sức gió chỉ giật khoảng cấp 12 nhưng cơn bão lần này đã giật cấp 15-16, vượt quá sức chịu đựng của cơ sở hạ tầng nước ta. Đặc biệt, hoàn lưu sau bão đã gây ra lũ quét, sạt lở đất với sức tàn phá rất lớn. Khi cơn bão đổ bộ chỉ có 13 người thiệt mạng những sau bão thiệt hại đã lên tới hơn 300 người.

Thông tin về thiệt hại sau bão, Thứ trưởng Hiệp cho biết, về kinh tế, ít nhất đã thiệt hại có thể lên tới hàng tỷ USD. "Cơn bão số 3 được đánh giá là một trong những cơn bão gây ra thiệt hại về tiền lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam. Tuy nhiên con số trên cũng chưa là gì so với hậu quả lâu dài mà cơn bão để lại", Thứ trưởng Hiệp nói.

Theo đại diện Bộ NN&PTNT, để khắc phục hạ tầng, ổn định được cuộc sống người dân chắc phải cần rất nhiều thời gian. Có những thứ, tiền chưa chắc đã có thể bù đắp được, đó là những mất mát, thiệt hại về người chết và mất tích đến thời điểm hiện tại.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Hiệp cảm ơn sự vào cuộc nhanh, chính xác của các tổ chức quốc tế, các nước thông qua các đại sứ quán.

Thông tin từ Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai ( Bộ NN&PTNT), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với sự hỗ trợ từ Bộ Ngoại Giao đã huy động và được sự quan tâm từ các sứ quán và các tổ chức quốc tế, trước mắt đã cam kết hỗ trợ trên 13 triệu USD và đã tiếp nhận 200 tấn hàng cứu trợ từ Chính phủ Úc, Chính phủ Thụy Sỹ, Chính phủ Ấn Độ, AHA, JICA, Samaritan’s Purse qua đường hàng không chuyển hết cho các địa phương: Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng, Tuyên Quang, Lạng Sơn để hỗ trợ người dân vùng lũ,...

Dự kiến Samaritan’s Purse và các nước Nga, Singapore và Indonesia… có thể sẽ tiếp tục hỗ trợ hàng hóa trong vài ngày tới.

Đáng chú ý, tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng chia sẻ một số thông tin mới nhất về cơn bão số 4. Dự kiến, cơn bão này sẽ đổ bộ vào miền Trung trong khoảng từ Quảng Ngãi ra tới Thanh Hóa.

Các tổ chức quốc tế cam kết hỗ trợ Việt Nam giảm thiểu rủi ro do bão số 3 gây ra

Cơn bão này dự kiến mức gió giật mạnh nhất vào khoảng cấp 8 và gây mưa lớn, diện rộng vào 2 ngày là 19-20/9, thậm chí gây mưa lớn hơn bão số 3. Đồng thời, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng bày tỏ lo lắng về khả năng lụt và lũ quét ở miền Trung. Ngay trong ngày hôm nay, Bộ NN&PTNT sẽ tổ chức họp với các địa phương về tình hình của cơn bão số 4.

Từ đó, Thứ trưởng Hiệp nhận định: "Thiên tai ở Việt Nam quá khốc liệt và diễn ra liên tục. Nhưng không phải vì thiên tai mà dừng lại tất cả mọi thứ. Sau thiên tai, cuộc sống vẫn phải tiếp tục. Với nỗ lực cố gắng của người Việt Nam và sự hỗ trợ giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, các nước, tôi hy vọng mọi thứ sẽ sớm trở lại bình thường".

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT: Sau thiên tai, cuộc sống vẫn phải tiếp tục- Ảnh 2.

Bà Pauline Fatima Tamesis - Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam.

Chia sẻ với những nỗ lực của Việt Nam, bà Pauline Fatima Tamesis - Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho biết: "Liên quan đến bão số 3 và hệ quả sau bão, Liên hợp quốc đã tổ chức 3 đoàn đánh giá với 8 lĩnh vực liên quan như giáo dục, nước sạch, vệ sinh môi trường, nông nghiệp,...".

Bà Tamesis cam kết rằng Liên hợp quốc sẽ có sự đồng hành, chia sẻ với những khó khăn do thiên tai. Đồng thời, Liên hợp quốc cũng sẽ phối hợp cùng Chính phủ Việt Nam xây dựng kế hoạch chung khắc phục sau thiên tai để có khung hỗ trợ cụ thể với từng đối tượng nhằm huy động nguồn lực đầy đủ, kịp thời.

Ông Iain Frew - Đại sứ Liên hiệp Vương quốc Anh tại Việt Nam chia sẻ, khắc phục sau thiên tai rất khó khăn và cần một thời gian dài để ổn định cuộc sống của người dân. Chính vì vậy, vị đại sứ này nhấn mạnh đến việc đảm bảo các hỗ trợ kịp thời đến người dân và phù hợp với nhu cầu thực tế.

Bên cạnh đó, ông Iain Frew cho biết sẽ hỗ trợ Việt Nam đưa ra các giải pháp, kế hoạch để có kinh nghiệm đối phó, khắc phục nhằm giảm rủi ro cho các thiên tai sắp tới.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT: Sau thiên tai, cuộc sống vẫn phải tiếp tục- Ảnh 3.

Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Sandeep Arya

Tại sự kiện, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Sandeep Arya chia sẻ: "Chúng tôi luôn phối hợp với Chính quyền Việt Nam để đưa ra những quyết định kịp thời. Ngay sau khi nhận được thông tin về việc Việt Nam chịu ảnh hưởng do bão số 3, chúng tôi đã huy động nguồn lực để ủng hộ đến các địa phương, những người dân chịu ảnh hưởng nặng nề trong đó có Yên Bái,...".

Ngoài ra, Đại sứ Sandeep Ary cũng đề xuất, sau khi trở thành thành viên của Liên minh cơ sở hạ tầng chống chịu thiên tai (CDRI), Việt Nam cần hoạt động tích cực hơn để có thêm kinh nghiệm về xây dựng cơ sở hạ tầng vững vàng, chịu được sức rủi ro thiên tai.

Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/thu-truong-bo-nnptnt-sau-thien-tai-cuoc-song-van-phai-tiep-tuc-a74516.html